Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tại xã Phù Đổng (Gia Lâm): Nhiều khúc mắc cần làm rõ

Nguyên Hà| 14/11/2017 07:11

(HNM) - Quá trình triển khai Dự án xây dựng trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Phù Đổng (huyện Gia Lâm), người dân địa phương phát hiện một số trường hợp không đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn được lập phương án nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng…

Thực hiện Dự án xây dựng trụ sở Đảng ủy, HĐND, UBND xã Phù Đổng theo Quyết định 2170/QĐ-UBND ngày 1-8-2012 của UBND huyện Gia Lâm, vừa qua Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đã ban hành phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng 14 trường hợp có đất bị thu hồi tại thôn Phù Đổng 2. Tuy nhiên, trong quá trình chi trả tiền bồi thường, người dân phát hiện 6 trường hợp có nguồn gốc sử dụng đất không rõ ràng, đang tranh chấp…, nhưng vẫn được Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện Gia Lâm đưa vào danh sách nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng. Đơn cử, trường hợp hộ gia đình ông Ngô Văn Tam và bà Trần Thị Gái, Nguyễn Thị Quấn… Đáng nói nhất là trường hợp hộ ông Nguyễn Bá Bình và hộ bà Hoàng Thị Quyền.

Theo phản ánh của người dân, năm 1985 ông Bình đã rời khỏi địa phương. Năm 1996, UBND xã Phù Đổng chia lại ruộng đất theo Nghị định 64/CP, những người không có mặt ở địa phương không được chia ruộng. Vậy nhưng, khi đo đạc, kiểm đếm, Tổ công tác giải phóng mặt bằng xã Phù Đổng vẫn xác nhận thời điểm này ông Nguyễn Bá Bình có 192m2 đất canh tác? Tương tự, phần đất bà Trần Thị Cúc đang sản xuất, có nguồn gốc thuê thầu (192m2), nhưng tại Quyết định 13383/QĐ-UBND, ngày 11-9-2017, UBND huyện Gia Lâm lại xác nhận cho một người khác (tên Hoàng Thị Quyền) được hưởng hơn 160 triệu đồng khi thu hồi?

Trao đổi vấn đề này với phóng viên Báo Hànộimới, ông Trần Xuân Tĩnh, Chủ tịch UBND xã Phù Đổng cho biết, ngay sau khi nhận được phản ánh của người dân, ngày 28-9-2017 UBND xã đã báo cáo UBND huyện Gia Lâm. Theo báo cáo này, hầu hết diện tích đất bị thu hồi phục vụ dự án đều có nguồn gốc là đất 5%, đã được chia cho người dân sử dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Sở dĩ, có người không sống ở địa phương, hoặc không có tên trong danh sách giao đất như trường hợp ông Bình, bà Quyền nhưng vẫn có tên trong danh sách nhận tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng là bởi khi chia lại ruộng theo Nghị định 64/CP, UBND xã Phù Đổng (thời kỳ năm 1996) đã gộp diện tích đất 5% được chia trước đây vào đất canh tác để chia cho các hộ dân.

Nhưng lạ là, từ năm 1985 ông Bình đã chuyển đến sinh sống ở xã Yên Thường; thời điểm chia lại ruộng theo Nghị định 64/CP, ông Bình cũng không có mặt ở địa phương. Vậy căn cứ nào để cơ quan chức năng huyện Gia Lâm lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng cho ông Bình được hưởng hơn 156 triệu đồng?

Trước sự mập mờ này, ông Lý Duy Khương, cán bộ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Gia Lâm cho biết: Hội đồng Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư huyện Gia Lâm đã dừng việc chi trả tiền bồi thường cho các trường hợp trên và đã có văn bản đề nghị UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường xác minh lại nguồn gốc sử dụng đất của các hộ. Khi nào có kết luận chính thức về nguồn gốc sử dụng đất của 6 trường hợp này, việc chi trả tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mới được thực hiện.

Để dự án được triển khai đúng tiến độ, đề nghị các cơ quan chức năng huyện Gia Lâm sớm kiểm tra, làm rõ và giải quyết dứt điểm những khúc mắc nêu trên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tại xã Phù Đổng (Gia Lâm): Nhiều khúc mắc cần làm rõ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.