Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần quan tâm quyền lợi người tiêu dùng

Nhóm PV Ban Bạn đọc| 06/03/2018 07:08

(HNM) - Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường, với đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng từ 3.000 đồng/lít lên mức trần 4.000 đồng/lít; dầu diesel tăng từ 1.500 đồng/lít lên mức trần 2.000 đồng/lít…

Đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu đang được dư luận quan tâm. Ảnh: Hải Anh


Bà Nguyễn Tuyết Nhung - Công ty cổ phần Thương mại và Vận tải Bảo Hoàng:
Doanh nghiệp vận tải thêm gánh nặng


Với ngành Vận tải, xăng, dầu chiếm tỷ trọng cơ bản trong cơ cấu giá thành, chiếm hơn 1/3 tổng chi phí phát sinh. Do vậy, bất kỳ biến động giá cả nào liên quan đến xăng dầu đều khiến chi phí vận tải tăng theo. Nếu đề xuất của Bộ Tài chính tăng thuế bảo vệ môi trường lên kịch khung thì vấn đề này tiếp tục tác động không nhỏ tới ngành Vận tải, trong khi những bức xúc về tăng phí của các trạm BOT chưa giảm nhiệt. Chưa kể quá trình hoạt động, doanh nghiệp vận tải còn phải chịu nhiều khoản không hạch toán được vào chi phí hợp lý nên lợi nhuận không tương xứng. Nếu doanh nghiệp điều chỉnh cước vận chuyển tương ứng với mức tăng giá các chi phí đầu vào và các loại thuế, phí theo Nhà nước quy định thì vô hình trung khách hàng và người dân là đối tượng cuối cùng hứng chịu việc tăng giá.

Xăng, dầu là nguyên liệu đầu vào của tất cả các ngành sản xuất và vận tải. Nếu thuế bảo vệ môi trường đánh vào xăng, dầu lên cao, đồng nghĩa với chi phí sản xuất tăng, giá thành sản phẩm tăng, không có lợi cho kích thích tiêu dùng, kéo theo tác động tiêu cực tới nền sản xuất, kinh doanh và thương mại...

Chị Hoàng Thị Mận, phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm:
Chưa hợp lý

Theo tôi, việc Bộ Tài chính lấy danh nghĩa bảo vệ môi trường để tăng mạnh thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu là chưa hợp lý. Hiện nay giá xăng, dầu tại Việt Nam đang ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới. Không thể tìm một vài quốc gia có giá xăng, dầu cao hơn rồi đưa lý do giá xăng, dầu tại Việt Nam rẻ hơn để đề nghị tăng thuế. Bởi lẽ, việc giá cả hàng hóa tại mỗi quốc gia được xem là cao hay thấp còn phụ thuộc vào mức thu nhập bình quân của người dân.

Mặt khác, xăng, dầu hiện đang phải “cõng” quá nhiều loại thuế như: Bảo vệ môi trường, giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, các loại phí… Ngoài ra, điều khiến dư luận hồ nghi là bởi Bộ Tài chính không công khai khoản thu - chi dành cho bảo vệ môi trường. Thêm nữa, trong bối cảnh đất nước còn nghèo, thu nhập bình quân đầu người chưa cao, trong khi những khoản phúc lợi xã hội chưa đủ đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân thì các bộ, ngành cần hết sức thận trọng trong việc đề xuất tăng bất kỳ khoản thuế, phí nào, để hạn chế gánh nặng lên vai người dân.

Ông Nguyễn Văn Hoàng, phường Kim Liên, quận Đống Đa:
Giá thành vận tải tăng mạnh


Tôi đã có gần 20 năm lái xe cho một doanh nghiệp vận tải nên thấu hiểu nỗi khổ của doanh nghiệp cũng như tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ vận tải mỗi khi xăng, dầu tăng giá. Theo tôi, việc đề xuất tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu lên mức kịch trần là chưa quan tâm đầy đủ đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp trong bối cảnh thu nhập bình quân tính trên đầu người của nước ta còn rất thấp so với các nước trong khu vực. Chưa kể, hiện nay các doanh nghiệp vận tải đã và đang phải chịu quá nhiều chi phí. Nếu thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu tăng đúng như đề xuất của Bộ Tài chính, ắt sẽ kéo giá thành vận chuyển tăng theo. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng sử dụng các dịch vụ vận tải hàng hóa cũng phải chịu thêm chi phí.

Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng tiết kiệm hàng hóa gây tác hại đến môi trường và sử dụng hàng hóa thân thiện với môi trường, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, thay vì tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu như đề xuất hiện nay.

Ông Nguyễn Thanh Bình, phường La Khê, quận Hà Đông:
Tăng thuế, liệu có tăng chất lượng môi trường?


Theo Tờ trình Dự án Nghị quyết về biểu thuế bảo vệ môi trường Bộ Tài chính vừa trình Chính phủ, việc xây dựng mức thuế bảo vệ môi trường là nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về hoàn thiện chính sách tài chính, hướng tới phát triển bền vững và nhằm mục tiêu cơ cấu lại nguồn thu ngân sách nhà nước. Ngoài ra, việc xây dựng mức thuế bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia trong điều kiện hội nhập sâu khi thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo các cam kết quốc tế… Điều này chúng tôi đồng tình.

Tuy nhiên, trong tờ trình không thấy Bộ Tài chính nhắc đến việc sử dụng thuế bảo vệ môi trường trong những năm qua như thế nào, hiệu quả ra sao? Trong khi đó, trên thực tế thì vấn đề ô nhiễm môi trường hiện nay của Việt Nam vẫn đang ở mức báo động, đặc biệt là ô nhiễm không khí, nguồn nước. Điều này đã và đang khiến dư luận đặt câu hỏi tiền thu từ thuế của người dân để bảo vệ môi trường có được sử dụng đúng mục đích? Nếu thu thuế bảo vệ môi trường chỉ để bù đắp ngân sách, trong khi chất lượng môi trường không được cải thiện, tôi e rằng nghị quyết dù có được ban hành cũng khó đi vào cuộc sống, người dân không đồng thuận.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quan tâm quyền lợi người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.