Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xử lý trạm trộn bê tông trái phép tại xã Đông Dư (Gia Lâm): "Hiệu lực trên giấy"

Nguyên Hà| 04/12/2018 07:01

(HNM) - Hơn 20.000m2 đất nông nghiệp được giao thầu cho Công ty cổ phần Trọng Phụng sử dụng vào mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp kinh doanh dịch vụ và du lịch sinh thái tại xã Đông Dư (huyện Gia Lâm) đang biến thành trạm trộn bê tông hoạt động trái phép.

Trạm trộn bê tông tại xã Đông Dư vẫn đang hoạt động hết công suất.


Để có mặt bằng lắp đặt trạm trộn bê tông phục vụ Dự án Xây dựng cầu Thanh Trì, năm 2003, UBND TP Hà Nội đã trưng dụng 10.000m2 đất nông nghiệp tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm. Đến năm 2009, việc xây dựng cầu hoàn thành, nhưng trước khi bàn giao lại mặt bằng cho địa phương quản lý, đơn vị thi công đã không khôi phục hiện trạng khu đất và dỡ bỏ hai trạm trộn lắp đặt trước đây. Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất tại khu Vậu, bờ đầm sông Lòng Bống, ngày 1-11-2011 UBND xã Đông Dư đã ký Hợp đồng kinh tế số 12/HĐKT, giao thầu 20.072m2 đất nông nghiệp (trong đó có 10.000m2 ở khu vực trên) cho Công ty cổ phần Trọng Phụng sử dụng vào mục đích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi kết hợp với kinh doanh dịch vụ và du lịch sinh thái.

Lẽ ra, sau khi tiếp nhận khu đất này, Công ty cổ phần Trọng Phụng phải dỡ bỏ các trạm trộn bê tông để thực hiện theo đúng hợp đồng đã ký kết. Trái lại, Công ty cổ phần Trọng Phụng đã mở rộng thêm nhà xưởng và tiếp tục tận dụng hai trạm trộn trên để sản xuất bê tông, kiếm lời. Từ năm 2011 đến nay, việc sản xuất bê tông của Công ty cổ phần Trọng Phụng chưa được cơ quan chức năng cấp phép. Hành vi này không chỉ vi phạm Luật Đất đai, Luật Đê điều, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống của người dân khu vực.

Ngày 27-11, quan sát thực tế tại hiện trường, phóng viên nhận thấy cát, đá, sỏi đang chất thành đống dưới chân các trạm trộn bê tông. Cũng vì không tuân thủ các biện pháp bảo vệ môi trường nên mỗi khi có xe bồn ra vào vận chuyển vật liệu, bụi đất lại bay mù mịt.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Trung Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Đông Dư thừa nhận: "Trước hành vi sử dụng đất sai mục đích của Công ty cổ phần Trọng Phụng, thời gian qua, năm nào chính quyền cũng kiểm tra, yêu cầu công ty ngừng hoạt động sản xuất bê tông trái phép. Tuy nhiên, lần nào cũng vậy, khi đoàn kiểm tra đi khỏi, công ty lại tái diễn vi phạm. Thậm chí, để hợp thức việc sản xuất bê tông trái phép, vừa qua Công ty cổ phần Trọng Phụng còn có tờ trình đến UBND huyện Gia Lâm xin được chuyển đổi mục đích sử dụng 15.000m2 đất tại khu vực trúng thầu...".

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước đề nghị của Công ty cổ phần Trọng Phụng, ngày 4-4-2018 UBND huyện Gia Lâm đã có Văn bản số 616/UBND-TNMT thống nhất về nguyên tắc, chủ trương xin chuyển đổi mục đích sử dụng 15.000m2 đất. Điều đáng nói, nội dung Văn bản số 616/UBND-TNMT đã nêu rõ: “Trong thời gian hoàn tất các thủ tục hồ sơ xin chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Công ty cổ phần Trọng Phụng chỉ được hoạt động trạm trộn bê tông khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép”. Vậy nhưng, cũng như những lần trước, công ty này vẫn phớt lờ yêu cầu trên của chính quyền địa phương.

Theo ông Đặng Hữu Quân, Phó Trưởng Công an huyện Gia Lâm, trước hành vi “nhờn luật” của Công ty cổ phần Trọng Phụng, ngày 26-10-2018 Công an huyện đã phối hợp với đơn vị quan trắc tiến hành kiểm tra việc chấp hành Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường của doanh nghiệp. Nhận thấy, tại thời điểm kiểm tra công ty chưa đủ hồ sơ pháp lý, Công an huyện lập biên bản đình chỉ hoạt động sản xuất bê tông của công ty tại khu vực...

Thế nhưng, ngày 28-11 trở lại xã Đông Dư, phóng viên nhận thấy trạm trộn bê tông trái phép của Công ty cổ phần Trọng Phụng vẫn hoạt động như không có chuyện gì xảy ra. Sự việc này cho thấy các văn bản kiểm tra, đình chỉ hoạt động sản xuất của chính quyền và cơ quan chức năng chỉ có “hiệu lực trên giấy”!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xử lý trạm trộn bê tông trái phép tại xã Đông Dư (Gia Lâm): "Hiệu lực trên giấy"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.