Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hủy dự án chậm triển khai: Phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai

Quốc Bảo - Hoàng Minh| 10/03/2018 07:35

(HNM) - Thực hiện Chỉ thị 01/CT-TTg ngày 3-1-2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai, mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra, rà soát trước khi thực hiện việc xem xét hủy các dự án giao đất quá 3 năm nhưng chưa thực hiện. Thông tin này thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và hầu hết đều mong muốn thành phố kiên quyết hơn trong công tác này nhằm phát huy nguồn lực đất đai trong phát triển. Báo Hànộimới ghi nhận một số ý kiến xung quanh vấn đề này.

Khu đất tại ngã tư Dương Đình Nghệ - Nguyễn Chánh (quận Cầu Giấy) của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội biến thành dãy salon ô tô, nhà hàng.


Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Trưởng Văn phòng Luật sư Hồng Thái và đồng sự:
Thu hồi, giao đất cho doanh nghiệp có năng lực

Theo Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai hiện hành: Trường hợp chủ đầu tư được Nhà nước giao, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng trong 12 tháng liên tục thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp khoản tiền tương đương tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án. Nếu hết thời gian gia hạn mà chủ đầu tư vẫn không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi mà không phải bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

Như vậy, nếu quá thời hạn giao đất tối đa 3 năm mà chủ đầu tư không thực hiện thì Nhà nước có quyền thu hồi. Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội kiểm tra, rà soát các dự án chậm tiến độ, thậm chí có những dự án được báo chí phản ánh nằm “đắp chiếu” suốt cả chục năm; không ít dự án được chủ đầu tư “phù phép” biến thành kho bãi, nhà xưởng, điểm trông giữ xe… nhưng không hiểu vì lý do gì, dù được “điểm mặt, chỉ tên” mà vẫn ngang nhiên tồn tại. Dư luận rất hy vọng, với sự chỉ đạo quyết liệt này của lãnh đạo UBND thành phố, Hà Nội sẽ chấm dứt tình trạng dự án “treo”, trả lại đất cho những doanh nghiệp thực sự có năng lực.

Ông Đỗ Mạnh Tuấn, thị trấn Quang Minh (huyện Mê Linh):
Có biện pháp xử lý dứt điểm

Ngay ở các khu vực nông thôn, tình trạng đất dự án chậm triển khai cũng diễn ra khá phổ biến. Đơn cử như xã Tiền Phong, nơi tập trung nhiều dự án nhất của huyện Mê Linh, với quy mô hàng trăm héc ta đất, nhưng đến nay hầu hết chưa triển khai, gây bức xúc trong nhân dân. Điển hình như Dự án Khu nhà nghỉ và biệt thự Nam Sơn của Công ty CP Vinh Sơn (trên 60ha); Dự án làng hoa Tiền Phong của Công ty TNHH Tiền Phong (trên 40ha); Dự án Làng Quốc tế Tiền Phong (gần 30ha)… có quyết định giao đất đã nhiều năm, đến nay vẫn trong tình trạng “đắp chiếu”.

Tình trạng dự án “treo” không chỉ gây lãng phí tiền của Nhà nước, mà còn “treo” luôn quyền lợi của người dân. Mong rằng, sau khi các quận, huyện, thị xã hoàn thành việc rà soát, thành phố có biện pháp xử lý dứt điểm với các dự án quá 3 năm chưa triển khai.

Ông Đặng Hải Châu, đường Hàm Nghi, Khu đô thị Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm):

Chấm dứt tình trạng “găm” đất

Vài năm qua, báo chí đã thống kê hàng loạt dự án “khủng” có vị trí đắc địa nhưng bị chậm tiến độ nhiều năm, trong đó hầu hết đều trong tình trạng bị sử dụng sai mục đích. Đơn cử: Dự án "ôm hai mặt tiền" tại 22-24 Hàng Bài và 25-27 Hai Bà Trưng của Tập đoàn Tân Hoàng Minh sau nhiều năm “bất động” nay biến thành điểm trông giữ xe; dự án tại mặt đường Trần Kim Xuyến (Khu đô thị Yên Hòa, Cầu Giấy) do Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng dân dụng Hà Nội làm chủ đầu tư, nay “biến” thành dãy nhà xưởng, bãi trông giữ xe, nhà hàng…; hàng nghìn mét vuông đất dự án nằm ngay ngã tư Dương Đình Nghệ - Nguyễn Chánh (Yên Hòa, Cầu Giấy) do Tổng công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) làm chủ đầu tư nhưng nhiều năm nay biến thành dãy salon ô tô hoạt động rất công khai, nhộn nhịp.

Tất cả những hình ảnh “chướng tai, gai mắt” đó khiến dư luận nghi vấn về tính hiệu lực thực thi của chính quyền và các cơ quan ban hành pháp luật. Đã đến lúc thành phố cần quyết liệt hủy, thu hồi những dự án "găm" đất này để bảo đảm thực hiện nghiêm pháp luật.

Bà Bùi Minh Thuận, phường Mai Động (quận Hoàng Mai):
Cần xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất sai mục đích

Tại quận Hoàng Mai, dự án được truyền thông quan tâm nhất có lẽ là Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt. Được biết, từ ngày 10-8-2004, UBND TP Hà Nội đã có quyết định thu hồi 351.618m2 trên địa bàn phường Thịnh Liệt và Tương Mai giao Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng để triển khai Dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt, nhưng sau gần 14 năm kể từ khi có quyết định thu hồi đất, dự án vẫn “giậm chân tại chỗ”.

Đáng nói, nhiều diện tích đất trong khu đô thị đã giải phóng mặt bằng nhưng lại được chủ đầu tư cho thuê và sử dụng sai mục đích. Điều này khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân của hai phường có đất bị thu hồi khốn khổ vì không được xây dựng mới nhà, đường sá không được đầu tư, trẻ em phải đi học trái tuyến… Theo tôi, trước khi xem xét hủy các dự án giao đất quá 3 năm chưa thực hiện, thành phố cần xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất sai mục đích, chuyển nhượng trái phép đối với các chủ đầu tư.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hủy dự án chậm triển khai: Phát huy hiệu quả nguồn lực đất đai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.