Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Siết chặt quản lý nhà, đất công

Nguyễn Lê| 08/06/2018 07:34

(HNM) - Hiện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh còn hàng chục nghìn địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước. Trong số này có nhiều địa chỉ nhà, đất sử dụng sai mục đích hoặc bỏ hoang, gây lãng phí.


Nhận diện những tồn tại

Tại quận 6, ghi nhận cho thấy trên địa bàn này có không ít địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước nhưng chưa được quản lý chặt chẽ dẫn đến sử dụng sai mục đích. Ví dụ, khu đất có diện tích hơn 4.000m2 tại địa chỉ số 353 đường An Dương Vương (phường 10) được một công ty tư nhân thuê làm nhà xưởng với mức giá khá rẻ, gây thất thoát cho ngân sách... Ngoài ra, nhiều địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước nằm ở vị trí đắc địa nhưng lại bỏ hoang, gây lãng phí. Đơn cử, khu đất có diện tích hơn 24.000m2 nằm ở số 574 đường Kinh Dương Vương (phường An Lạc, quận Bình Tân) hiện không được đưa vào sử dụng, bỏ hoang...

Khu đất số 574, đường Kinh Dương Vương, phường An Lạc, quận Bình Tân hiện bỏ hoang, gây lãng phí.


Còn tại quận 4, hiện có những trường hợp các doanh nghiệp thuê đất công, không còn sử dụng mặt bằng phục vụ cho việc kinh doanh đã nhiều năm nhưng quận không thể thu hồi do đang làm thủ tục phá sản tại tòa. Đơn cử, khu đất số 131 đường Nguyễn Khoái (phường 1) được một công ty ngành thủy sản thuê. Mặc dù đã nộp hồ sơ làm thủ tục phá sản lên tòa từ năm 2005 nhưng công ty này vẫn sử dụng mặt bằng khu đất để cho thuê lại.

Ông Cao Thanh Bình, Phó Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP Hồ Chí Minh cho biết, qua khảo sát cho thấy số lượng mặt bằng nhà, đất để trống, chưa khai thác hết công năng, cho thuê... còn nhiều. Đây là vấn đề nhức nhối, cần quy trách nhiệm nếu đơn vị được giao quản lý nhà, đất công nhưng sử dụng sai mục đích, gây lãng phí, thất thoát.

Thực tế cho thấy, nhiều địa chỉ nhà, đất công thu hồi rất khó khăn. Nhiều quận, huyện chưa kê khai hết địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước do địa phương quản lý dẫn đến việc không được đưa vào danh sách quản lý, dễ bị lấn chiếm hoặc tranh chấp, khó thu hồi. Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh, một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong công tác thu hồi là giao đất không đúng thẩm quyền, để các tổ chức, cá nhân sử dụng quá lâu nên rất khó di dời.

Hoàn thiện cơ chế quản lý

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh cho rằng, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các sở, ban, ngành và các cấp, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra chặt chẽ, xử lý nghiêm, thu hồi những trường hợp sử dụng nhà, đất không hiệu quả. Đồng thời, tăng cường công tác hậu kiểm nhằm sớm phát hiện việc sử dụng nhà, đất không đúng mục đích để kịp thời chấn chỉnh.

Nhiều chuyên gia cho rằng, thành phố nên thực hiện cơ chế đặc thù, huy động nguồn lực từ việc tăng giá trị đất, xây dựng danh mục quỹ đất bằng ngân hàng quỹ đất, xã hội hóa đầu tư các công trình này. Đối với những khu đất công sử dụng sai mục đích thì kiên quyết thu hồi, đưa ra đấu giá để lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư các dự án ở khu vực đó.

Nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước trên địa bàn thành phố, Sở Tài chính kiến nghị đối với khối nhà, đất thuộc thành phố, tiếp tục giao Chủ tịch UBND quận, huyện rà soát, kiểm tra việc quản lý nhằm bảo đảm việc sử dụng đúng mục đích, đúng quy định, không để xảy ra tình trạng nhà, đất công cho thuê, sử dụng sai mục đích, làm thất thoát tài sản nhà nước. Đối với khối nhà, đất thuộc trung ương, Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) xây dựng kế hoạch kiểm tra việc thực hiện phương án sắp xếp lại nhằm sử dụng đúng mục đích.

Tại buổi giám sát về hiệu quả công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất trên địa bàn TP Hồ Chí Minh mới đây, Phó Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Trương Thị Ánh yêu cầu phải hoàn thiện các cơ chế quản lý, xây dựng chương trình phần mềm để quản lý tài sản nhà, đất công, trong đó kết nối với quận, huyện, sở, ngành liên quan; hướng tới thống nhất quản lý một đầu mối.

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, thành phố tiếp tục triển khai đồng bộ Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành cho các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, tiếp tục rà soát sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để khắc phục những lỗ hổng pháp lý như vấn đề định giá đất, đấu giá tài sản... Sắp tới, thành phố sẽ xây dựng Hệ thống giao dịch điện tử về tài sản công để thực hiện các giao dịch xử lý tài sản nhà, đất qua hệ thống này nhằm bảo đảm công khai, minh bạch, tránh thất thoát.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có gần 13.000 địa chỉ nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước (do cả trung ương và thành phố quản lý). Thành phố có 320 địa chỉ phải thu hồi với tổng diện tích đất là 1.076.060m2; trong đó trung ương là 123 địa chỉ, thành phố là 197 địa chỉ. Đến nay đã thu hồi được 279 địa chỉ, với diện tích đất là 859.023m2, trong đó trung ương là 110 địa chỉ, thành phố là 169 địa chỉ.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Siết chặt quản lý nhà, đất công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.