Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh: Điều kiện quyết định thành công

28/07/2018 07:37

(HNM) - Để thực hiện thắng lợi quyết định mang tính lịch sử - Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII “Về việc điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan”, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước, Đảng bộ Hà Nội đã xác định: Xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ then chốt trước mắt cũng như lâu dài...


Năng lực lãnh đạo của tổ chức Đảng không ngừng nâng lên

Ý thức đầy đủ trách nhiệm trước Trung ương và cả nước, Đảng bộ TP Hà Nội đã xác định quyết tâm thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 của Quốc hội khóa XII với phương châm "Đoàn kết, hợp tác, trách nhiệm", tất cả vì công việc chung, vì sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô của đất nước.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng tặng hoa, động viên thanh niên quận Đống Đa lên đường nhập ngũ. Ảnh: Bá Hoạt


Ngay sau hợp nhất, công tác sắp xếp tổ chức, bộ máy của các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các sở, ban, ngành được thành phố xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, được tiến hành khẩn trương, bài bản, công tâm, khách quan để bảo đảm cả hệ thống chính trị vận hành thông suốt, hiệu quả. Phương án bố trí cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được bàn bạc và thống nhất cao trong tập thể, giúp cho công tác bố trí, phân công công tác kịp thời đối với các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố; đã phân công nhiệm vụ 6 đồng chí cấp trưởng, 31 cấp phó các ban Đảng Thành ủy; phân công 6 cấp trưởng, 30 cấp phó của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; phân công và bố trí 34 cấp trưởng, 196 cấp phó các sở, ban, ngành…

Những năm sau đó, với phương châm “lấy công tác cán bộ làm khâu đột phá”, thành phố đã kiên trì thực hiện đồng bộ các giải pháp về công tác cán bộ, tạo cơ sở để đón nhận, giải quyết thắng lợi nhiệm vụ ở quy mô lớn hơn. Cuối năm 2008, Đảng bộ thành phố có 57 đảng bộ trực thuộc, 2.988 tổ chức cơ sở Đảng với 314.670 đảng viên. Đến nay, Đảng bộ Hà Nội là đảng bộ lớn nhất cả nước với 59 đảng bộ trực thuộc, 2.709 tổ chức cơ sở Đảng và 429.119 đảng viên. Nhiệm vụ nhiều và nặng nề hơn, độ phức tạp lớn hơn, nhưng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng ngày càng được nâng cao. Đội ngũ cán bộ từ thành phố đến cơ sở luôn đoàn kết, thống nhất, đặt lợi ích chung lên trên lợi ích cá nhân, ra sức phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ.

Từ yêu cầu thực tiễn của Thủ đô, trong 10 năm qua, Thành ủy Hà Nội đã không ngừng tìm tòi các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng tổ chức Đảng và cán bộ, đảng viên. Trong 26 chương trình công tác lớn Thành ủy Hà Nội đã ban hành qua ba nhiệm kỳ đại hội lần thứ XIV, XV và XVI của Đảng bộ thành phố có 3 chương trình về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị các cấp. Đó là: Chương trình số 02-CTr/TU (khóa XIV), ngày 27-4-2006 về “Tạo bước chuyển biến mạnh về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, giai đoạn 2006-2010”; Chương trình số 01-CTr/TU (khóa XV), ngày 18-8-2011 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy Đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên; năng lực quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền; chất lượng hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp giai đoạn 2011-2015” và Chương trình số 01-CTr/TU (khóa XVI), ngày 26-4-2016 về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI), tạo chuyển biến mạnh về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh giai đoạn 2016-2020”.

Những chương trình công tác quan trọng này chính là nền móng, là cơ sở quan trọng để Đảng bộ Hà Nội đổi mới phương thức hoạt động, triển khai thực hiện và đạt kết quả khá toàn diện các mặt của công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, tổ chức; cũng như tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, lãng phí…

Mười năm qua, Đảng bộ Hà Nội đã gương mẫu, đi đầu, có nhiều việc làm chủ động, sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" và Chỉ thị số 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Qua đó đã góp phần quan trọng, tạo sự chuyển biến mạnh trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên tổ chức lấy phiếu tín nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý. Các khâu của công tác cán bộ tiếp tục được đổi mới, nâng cao chất lượng, tạo đột phá trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố. Việc đánh giá cán bộ được thực hiện bài bản, ngày càng thực chất. Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện kỹ lưỡng, đúng quy trình; tạo điều kiện đào tạo, bồi dưỡng nâng chất lượng đội ngũ cán bộ ngày càng cao hơn. Tại thời điểm triển khai thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 chỉ hơn 30% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, đến hết nhiệm kỳ XV, Thành ủy Hà Nội đã hoàn thành mục tiêu 100% cán bộ chủ chốt phường, thị trấn và 80% cán bộ chủ chốt xã đạt trình độ đại học...

Để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, Ban Thường vụ Thành ủy đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TƯ, ngày 27-2-2012 về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Sau hơn 6 năm thực hiện, đã thành lập mới 1.126 tổ chức Đảng, kết nạp 7.137 đảng viên, trong đó có 24 chủ doanh nghiệp tư nhân, tạo ra bầu không khí mới, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của chủ doanh nghiệp và người lao động với Đảng, với các tổ chức đoàn thể, đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, ổn định đời sống của người lao động.

Từ kinh nghiệm sắp xếp cán bộ sau hợp nhất, Hà Nội cũng là địa phương đi đầu cả nước, với cách làm bài bản, sáng tạo, khoa học, tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TƯ ngày 17-4-2015 của Bộ Chính trị về “Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức”. Sau rà soát, sắp xếp, toàn thành phố giảm được 59 phòng, ban; với 39 cấp trưởng, 143 cấp phó phòng, ban trực thuộc các sở, ngành; giảm 130 đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở; giảm 27 ban quản lý dự án, 2 quỹ, với 30 cấp trưởng, 69 cấp phó tại các đơn vị trên. Toàn thành phố đã tinh giản được được 1.549 biên chế.

Ban Thường vụ Thành ủy cũng đã ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TU, ngày 4-7-2017 “Về việc xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Sau một năm thực hiện, công tác xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở Đảng có chuyển biến rõ nét. Toàn thành phố đã giải quyết được 82/200 vụ việc phức tạp, đạt 41%; rà soát củng cố được 23/86 tổ chức cơ sở Đảng, đạt 26,7%; ổn định tình hình ở một số địa bàn, ngăn chặn không để phát sinh điểm nóng...

Những kết quả nổi bật trên không chỉ tạo động lực phát triển Thủ đô, mà còn góp phần tổng kết thực tiễn, cung cấp các luận cứ quan trọng để Trung ương nghiên cứu, hệ thống hóa, nhân rộng.

Nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị

Cùng với chăm lo công tác xây dựng Đảng, thành phố đặc biệt quan tâm xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh. Từ năm 2008 đến nay, hoạt động kỳ họp của HĐND các cấp thành phố có nhiều cải tiến, đổi mới, theo hướng đi vào thực chất, phát huy dân chủ, trí tuệ của đại biểu để quyết định những vấn đề quan trọng của Thủ đô. Hoạt động giám sát và chất vấn của HĐND các cấp có sự đổi mới, chuyển biến tích cực, kết hợp giám sát chung và giám sát chuyên đề được thực hiện nghiêm túc, quyết liệt đến cùng. Chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri, chất vấn, giải trình không ngừng được nâng cao, theo đúng quy định của pháp luật và ngày càng tăng cường được vai trò làm chủ của nhân dân qua HĐND các cấp.

Công tác chỉ đạo, điều hành của UBND các cấp thực hiện theo hướng sâu sát, cụ thể “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ hiệu quả”. Trong chỉ đạo, điều hành, thành phố xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm, các khâu đột phá. Thành phố đã chọn chủ đề “Năm kỷ cương hành chính 2013, 2017”, “Năm trật tự và văn minh đô thị 2014, 2015, 2016”, "Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị 2018" để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Việc phân cấp, phân quyền và ủy quyền từ thành phố xuống cơ sở được tăng cường đi đôi với đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát công vụ và thăm dò ý kiến của nhân dân, doanh nghiệp về sự hài lòng đối với các dịch vụ công; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính; kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý các cán bộ, công chức vi phạm chế độ trách nhiệm công vụ... Sự nỗ lực, cố gắng của thành phố đã được cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Cùng với đó, chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có chuyển biến, phát huy dân chủ và sức mạnh đại đoàn kết của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đã chú trọng nắm bắt tư tưởng, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; kịp thời phản ánh, tham mưu và kiến nghị với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, xây dựng các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội và Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Vai trò phản biện xã hội, giám sát, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đoàn viên, hội viên và người lao động được phát huy. Các hình thức tập hợp đoàn viên, hội viên đã đi vào chiều sâu, thu hút được đông đảo các tầng lớp nhân dân hưởng ứng, tham gia, tạo sự đồng thuận xã hội, phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị của thành phố.

Thành ủy đã chỉ đạo xây dựng và triển khai có hiệu quả Đề án số 06, ngày 24-9-2013 về kiện toàn, sắp xếp mô hình tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội. Sau sắp xếp, đã giảm gần 1/3 số tổ dân phố (2.239 tổ dân phố) và 6 thôn; chia tách, sáp nhập 1.008 chi bộ thôn, tổ dân phố để thành lập 503 chi bộ thôn, tổ dân phố và 24 đảng bộ bộ phận trực thuộc đảng bộ xã, phường, thị trấn. Các tổ chức Đảng, đoàn thể được sắp xếp đã phát huy tốt hơn vai trò, trách nhiệm, hoạt động hiệu quả, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chính trị ở từng địa phương trong tình hình mới.

Vững bước trong giai đoạn mới

Những thành tựu nổi bật của Đảng bộ Hà Nội nói chung, của công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị nói riêng đã ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực phấn đấu, với niềm tin, trí tuệ và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Đồng thời, khẳng định sự chỉ đạo, quan tâm sâu sắc của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ; sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ, có hiệu quả của các ban, bộ, ngành trung ương và của các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Những bài học kinh nghiệm quý về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được đúc rút qua 10 năm phát triển Thủ đô có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Đó là, Thành ủy Hà Nội luôn xác định, trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào cũng phải ra sức thực hiện tốt nhiệm vụ then chốt là xây dựng, chỉnh đốn Đảng và xây dựng hệ thống chính trị các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh. Việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng, hiệu lực, hiệu quả của hệ thống chính trị luôn gắn liền với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp của hệ thống chính trị thành phố có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trong thời kỳ mới.

Đó là muốn đạt kết quả thì mọi công việc cần phải có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, của từng cán bộ, đảng viên và của các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Một mặt, chú trọng công tác dự báo, hoạch định và chỉ đạo thực hiện đồng bộ, toàn diện nhiệm vụ chiến lược, lâu dài; mặt khác trong từng thời kỳ, giai đoạn cụ thể phải xác định rõ những công việc cần thiết, cấp bách, để có giải pháp, cách làm phù hợp, sáng tạo.

Đó là cần chủ động vận dụng sáng tạo và cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước vào thực tiễn của thành phố; tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, thống nhất của Đảng bộ, xây dựng và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống chính trị các cấp…

Phát huy kết quả đã đạt được, Thành ủy Hà Nội xác định 10 nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai thực hiện thời gian tới.

Thứ nhất, tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI của Đảng bộ thành phố, Nghị quyết số 11-NQ/TƯ của Bộ Chính trị và các nghị quyết Hội nghị Trung ương khóa XII.

Thứ hai, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao tính chiến đấu, tính giáo dục, thuyết phục và hiệu quả của công tác chính trị tư tưởng; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, hiệu quả; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Thứ ba, đổi mới việc học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và của Thành ủy; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng giáo dục lý luận chính trị, tổng kết thực tiễn và hiệu quả công tác tuyên truyền, thống nhất về tư tưởng và hành động, tạo sự đồng thuận cao trong Đảng bộ và xã hội.

Thứ tư, tiếp tục thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết số 39-NQ/TƯ của Bộ Chính trị, Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII), trọng tâm là, sắp xếp kiện toàn lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp bảo đảm tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả gắn với tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.

Thứ năm, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án công tác lớn của Thành ủy, các nghị quyết của Trung ương.

Thứ sáu, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận; tăng cường vận động, đối thoại, thuyết phục, phát huy dân chủ, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Thứ bảy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác nội chính; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thứ tám, tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND, UBND các cấp, đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng và triển khai thực hiện Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội.

Thứ chín, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp; thực hiện tốt hoạt động giám sát, phản biện xã hội, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và quyền làm chủ của nhân dân.

Thứ mười, tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; thực hiện tốt nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình, phát huy dân chủ, trí tuệ của tập thể cấp ủy, giữ vững kỷ luật, kỷ cương của Đảng.

Thời kỳ mới đang đặt ra những nhiệm vụ rất nặng nề. Đất nước và Thủ đô đang đứng trước thời cơ, thuận lợi lớn và không ít khó khăn, thách thức mới. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân Thủ đô sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất, nỗ lực phấn đấu lãnh đạo thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng bộ trong những năm tới là: Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ; phát huy truyền thống văn hiến, anh hùng, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; huy động mọi nguồn lực, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

NGÔ THỊ THANH HẰNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh: Điều kiện quyết định thành công

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.