Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm phương án xử lý tài sản với đối tượng không giải trình được hợp lý về nguồn gốc

Hà Phong| 10/08/2018 19:35

(HNMO) - Chiều 10-8, tiếp tục phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi).

Ngoài phương án xử lý đối với tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc như đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ năm gồm thu thuế thu nhập cá nhân hoặc xử phạt hành chính, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và cơ quan trình dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) đề xuất thêm phương án mới là xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thông qua thủ tục giải quyết tại tòa án.


Ảnh: quochoi.vn


Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, qua cân nhắc kỹ ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, Ủy ban Tư pháp và cơ quan trình dự án thấy rằng, phương án xử phạt hành chính có nhiều yếu tố bất hợp lý nên đề nghị không lựa chọn. Với phương án mới nhất, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập vẫn phải có trách nhiệm chứng minh tính không hợp lý trong việc giải trình về nguồn gốc tài sản, thu nhập tăng thêm của người có nghĩa vụ kê khai. Tòa án quyết định thông qua thủ tục tố tụng dân sự, có tranh tụng, đối đáp công khai, có sự tham gia của luật sư, người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên sẽ bảo đảm tính dân chủ, thận trọng, khách quan. Nếu tòa án phán quyết tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì tài sản, thu nhập tăng thêm đó thuộc sở hữu của Nhà nước. Một ưu điểm khác của phương án này là không phải sửa đổi pháp luật về dân sự và pháp luật về tố tụng dân sự.

Dù vậy, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng 3 phương án được đề xuất chưa thật sự có căn cứ đầy đủ. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Hà Ngọc Chiến chỉ rõ, cần phải quan tâm hơn đến tính khả thi của dự án luật. Ban soạn thảo chưa quy định khoản thu nhập như thế nào tính là hợp lý, sẽ khó khăn trong quá trình vận dụng.

Kinh nghiệm các nước trên thế giới đều dùng công cụ thuế để kiểm soát và phòng chống tham nhũng, từ kê khai tài sản đến kiểm soát thu nhập. Do đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, cần củng cố hệ thống thuế, có cơ quan kiểm tra thuế; kiểm soát thông qua thanh toán không dùng tiền mặt mọi giao dịch, tài sản. Trường hợp tài sản được chứng minh có nguồn gốc từ hành vi tham nhũng thì tịch thu 100%.

* Trước đó, sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Chăn nuôi, dự án Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm phương án xử lý tài sản với đối tượng không giải trình được hợp lý về nguồn gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.