Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ thông tin

Châu Anh| 08/09/2018 17:01

(HNMO) – Sáng 8-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông.

Trước khi bắt đầu làm việc chính thức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng và đoàn công tác đã nghe giới thiệu về Trung tâm Giám sát an ninh mạng.


Phấn đấu vào top 10 nước có mạng viễn thông phát triển nhất

Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã báo cáo với Thủ tướng về hoạt động của Bộ trong thời gian qua. Hiện Bộ TT-TT quản lý đa lĩnh vực, tập trung vào hai nhiệm vụ chính là công nghệ và tuyên truyền. Trong đó, lĩnh vực công nghệ (gồm: công nghệ, công nghiệp thông tin và truyền thông, điện tử viễn thông) đóng góp một phần rất lớn trong nền kinh tế đất nước với doanh thu toàn ngành năm 2017 là 100 tỷ USD.

Về lĩnh vực viễn thông, Bộ TT-TT đã làm tốt vai trò kiến tạo, thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường viễn thông. Hạ tầng viễn thông của Việt Nam đã sẵn sàng cung cấp kết nối dung lượng, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu kết nối của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ngành công nghiệp điện tử, viễn thông nội địa được chú trọng.

“Mục tiêu trong giai đoạn tới, Việt Nam sẽ trở thành một trong 10 nước có mạng viễn thông phát triển nhất thế giới” - quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.

Lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất cả nước, đạt tăng trưởng trên 20%/năm trong hơn 10 năm qua. Bên cạnh việc làm dịch vụ chuyển phát thư, báo, lĩnh vực bưu chính đang dần trở thành nền tảng cho thương mại điện tử, logistics và chính phủ điện tử. Theo quyền Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với tốc độ tăng trưởng 35-40%/năm, trong khoảng 10 năm nữa, bưu chính sẽ vượt viễn thông về doanh thu. Các lĩnh vực báo chí, phát thanh - truyền hình, xuất bản, in và phát hành tiếp tục giữ vai trò là kênh thông tin, cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội, kịp thời đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, sai sự thật...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã đề nghị Bộ TT-TT tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật trong lĩnh vực TT-TT. Cụ thể, Bộ cần quy định rõ về hoạt động, hợp tác giữa các cơ quan báo chí với tư nhân; sớm bổ sung quy định rõ về tôn chỉ, mục đích (tên miền, định kỳ xuất bản...) cũng như cơ chế xử lý đối với báo điện tử, trang tin điện tử, tránh tình trạng mất kiểm soát, khó quản lý. Cùng với đó, Bộ tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong lĩnh vực báo chí bảo đảm tính răn đe mạnh mẽ hơn. Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cũng cho rằng, Bộ cần khẩn trương thực hiện quy hoạch báo chí, sắp xếp lại nhà xuất bản theo tiêu chí hoạt động. Đồng thời, Bộ thực hiện chiến lược sách quốc gia nhằm thúc đẩy văn hóa đọc; xây dựng chính sách hợp lý tạo điều kiện cho các nhà xuất bản hoạt động; xây dựng chính sách nhằm bảo đảm công bằng cho hoạt động của doanh nghiệp nội dung số trong nước với doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp hoạt động theo hình thức xuyên biên giới, tránh tình trạng “bảo hộ ngược”...

Bộ TT-TT phải dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia

Thủ tướng Chính phủ phát biểu kết luận tại buổi làm việc với Bộ TT-TT


Sau khi lắng nghe báo cáo, đề xuất, kiến nghị của Bộ TT-TT, các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ và trả lời của đại diện bộ, ngành liên quan; ý kiến của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu kết luận, nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của Bộ TT-TT trong việc góp phần thực hiện khát vọng đưa Việt Nam trở thành cường quốc về CNTT.

Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Thủ tướng cho rằng, việc đổi mới tư duy về quản trị nhà nước không chỉ thúc đẩy sự phát triển công nghệ mà còn bảo vệ cuộc sống của người dân an toàn trong không gian số. Do vậy, Bộ TT-TT phải giữ vai trò dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia để bắt kịp Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Bộ phải đi đầu về đổi mới tư duy, thử nghiệm những cách làm mới, chủ động đề xuất cơ chế, chính sách có tính đột phá, cùng các bộ, ngành liên quan tích cực hợp tác, hỗ trợ để nước ta có thể trở thành một trong những nước đi đầu trong Cách mạng công nghiệp 4.0. Thủ tướng nêu các nhiệm vụ cụ thể để Bộ TT-TT thực hiện.

Theo đó, Bộ khẩn trương triển khai quy hoạch báo chí theo kết luận của Bộ Chính trị và các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Bộ phối hợp chặt chẽ với Ban Tuyên giáo Trung ương trong việc chỉ đạo, định hướng thông tin báo chí, thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, bảo đảm khách quan, chính xác, đầy đủ, kịp thời các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các biện pháp mới, mạnh mẽ của Chính phủ, các cấp, các ngành trong phát triển kinh tế xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; đấu tranh phản bác đối với những luận điệu xuyên tạc, thông tin xấu độc; xử lý nghiêm các vi phạm.

Bộ TT-TT tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quản lý báo chí, thông tin điện tử và mạng xã hội. Có giải pháp hiệu quả để giám sát, quản lý các mạng xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng CNTT để phân tích, dự báo xu thế thông tin và những vấn đề nổi cộm trên mạng xã hội. Tăng cường công tác quản lý đối với các nhà xuất bản và hoạt động xuất bản, bảo đảm theo đúng các quy định của Luật Xuất bản, khắc phục các sai sót trong hoạt động xuất bản.

Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và đoàn công tác nghe quyền Bộ trưởng Bộ TT-TT giới thiệu về Trung tâm Giám sát an ninh mạng


Cùng với đó, Bộ tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh ứng dụng CNTT, phát triển hạ tầng viễn thông. Chỉ đạo xây dựng một số doanh nghiệp dẫn đầu cho Cách mạng công nghiệp 4.0. Đẩy mạnh phát triển công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông từ khâu nghiên cứu, thiết kế, chế tạo để nước ta chuyển từ nước nhập khẩu thành nước sản xuất các sản phẩm này, từ nước gia công phần mềm cho nước ngoài thành nước phát triển phần mềm. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao để ngày càng có nhiều sản phẩm CNTT mang nhãn hiệu “Made in Viet Nam”, đưa nước ta thành cường quốc về CNTT, hỗ trợ đắc lực cho việc phát triển thông minh trong lĩnh vực kinh tế, xã hội. Công nghiệp CNTT không chỉ sản xuất các sản phẩm dân dụng mà còn phục vụ quốc phòng, an ninh như vệ tinh viễn thám, ra đa, thiết bị bay không người lái, hệ thống chỉ huy điều khiển... Triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn, an ninh mạng. Chú trọng việc đào tạo, chuyển đổi nhân lực đáp ứng nhu cầu đổi mới công nghệ và sản xuất của Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng giao Bộ TT-TT phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu, giúp Chính phủ, Thủ tướng trong phát triển chính phủ điện tử giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025. Thủ tướng đồng ý với đề xuất và giao Bộ TT-TT xây dựng mạng xã hội của người Việt Nam và hệ sinh thái nội dung số Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phấn đấu đưa Việt Nam trở thành cường quốc về công nghệ thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.