Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đầu tư tiền ảo, mất tiền thật

Đặng Loan| 13/04/2018 06:49

(HNM) - Vụ việc nhiều người dân tố cáo Công ty cổ phần Modern Tech lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng của nhiều người qua hoạt động đầu tư tiền ảo tại TP Hồ Chí Minh trong những ngày qua đang thu hút sự chú ý của dư luận.


Nhiều người mang băng rôn tố cáo Công ty CP Modern Tech lừa đảo với tổng số tiền lên tới 15.000 tỷ đồng.


Chỉ đạo làm rõ

Sau khi xảy ra sự kiện nhiều người dân giăng băng rôn kêu cứu, tố cáo Công ty cổ phần Modern Tech (Công ty Modern Tech) lừa đảo chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng của 32.000 người qua hoạt động đầu tư tiền ảo, UBND TP Hồ Chí Minh đã có Văn bản khẩn 3643/VP-KT ngày 9-4, chỉ đạo Công an thành phố phối hợp các đơn vị liên quan khẩn trương kiểm tra xác minh vụ việc, báo cáo đề xuất trình UBND thành phố. Văn bản này cũng khẳng định, các loại tiền ảo nói chung không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam, việc sử dụng các loại tiền ảo làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm và sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Công ty Modern Tech thành lập ngày 31-10-2017, vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Sau khi thành lập, nhóm điều hành công ty tổ chức những buổi thuyết trình để huy động vốn thông qua đồng tiền ảo iFan và Pincoin, được giới thiệu là đồng tiền kỹ thuật số, được thành lập tại Singapore và Ấn Độ, Công ty Modern Tech được ủy quyền làm đại diện hợp pháp tại Việt Nam. Song chỉ sau hơn 4 tháng hoạt động, đến ngày 7-3-2018, Công ty Modern Tech đã đóng mã số thuế với Cục Thuế TP Hồ Chí Minh. Đến ngày 8-4, nhiều nhà đầu tư đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan chức năng, tố cáo bị lừa đảo, chiếm đoạt hơn 15.000 tỷ đồng.
Theo đơn tố cáo, Công ty Modern Tech đã hứa hẹn người đầu tư vào đồng tiền ảo iFan, Pincoin sẽ nhận được lãi suất thấp nhất là 48%/tháng, thời gian hoàn vốn tối đa là 4 tháng. Ngoài ra, khi lôi kéo được thêm người mới vào hệ thống, nhà đầu tư sẽ được nhận thêm 8% số tiền của người mới tham gia. Để các nhà đầu tư tin tưởng, Công ty Modern Tech đã tổ chức các hội thảo, sự kiện hoành tráng, có sự tham dự của các ngôi sao nổi tiếng. Qua mỗi sự kiện, giá bán các đồng tiền ảo lại được nâng lên khiến các nhà đầu tư thấy lãi lại lao vào.

Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn trả lãi bằng tiền thật, Công ty Modern Tech tuyên bố hủy hình thức trả thưởng như đã hứa hẹn mà chuyển sang trả lãi bằng các đồng tiền số iFan với giá tự công bố là 5 USD/đồng tiền số, cao hơn 500 lần so với giá trị đang giao dịch trên thị trường tự do là 0,01 USD/đồng tiền số. Chỉ đến khi không thể liên lạc được với người điều hành, tìm tới địa chỉ đăng ký kinh doanh tại 68 Nguyễn Huệ, TP Hồ Chí Minh, nhà đầu tư mới phát hiện Công ty Modern Tech chỉ đăng ký địa chỉ chứ không hoạt động tại đây. Lúc này, các nhà đầu tư mới vỡ lẽ là bị lừa thì tiền đã mất!


Một nạn nhân tố cáo hành vi lừa đảo của Công ty Modern Tech.


Đầu tư tiền ảo không được bảo vệ quyền lợi

Theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Công ty Luật Basico (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), dấu hiệu sai phạm của Công ty Modern Tech trong trường hợp này rất rõ ràng. Trong vụ mua bán đồng tiền ảo iFan và Pincoin, nhóm người điều hành Công ty Modern Tech đã lấy tiền người sau trả cho người trước, hình thành mô hình bán hàng đa cấp lừa đảo để chiếm đoạt tiền thật.

Luật sư Đức nêu quan điểm, người tham gia có thể làm đơn tố giác tội phạm và khởi kiện đòi tài sản, tuy nhiên cơ hội lấy lại tiền gần như bằng 0 bởi vấn đề chứng minh đòi tiền rất khó. Ngay cả trường hợp chứng minh được, việc lấy lại khoản tiền đã nộp còn tùy thuộc vào việc cơ quan điều tra kê biên và thu hồi tài sản phạm tội cũng như giá trị của tài sản được thu hồi. Nếu nhóm người điều hành Modern Tech không có tài sản thì chỉ còn trông chờ việc bắt tội phạm, thu hồi tài sản, được bao nhiêu thì đem chia cho những người bị hại theo tỷ lệ đã góp. Về hành vi vi phạm của nhóm người điều hành Công ty Modern Tech, nếu điều tra xác định là “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” thì mức hình phạt cao nhất là chung thân; còn kinh doanh đa cấp trái pháp luật thì mức hình phạt cao nhất là 5 năm tù.

Luật sư Đức cho rằng, những nạn nhân trong vụ lừa đảo tiền ảo này hầu hết là người hiểu biết. Dù biết lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn nhưng nhiều người vì ham mà lao vào, một số người khác lại chủ quan, nghĩ rằng sẽ “đánh nhanh” có tiền lãi thì “rút gọn”. Tuy nhiên, việc rút tiền ra không dễ vì khi đã có ý định lừa đảo thì nhóm người điều hành đã chuẩn bị sẵn những phương án để "trói" nhà đầu tư.

Nói về mức lãi suất trong “vùng an toàn” khi đầu tư, ông Đức nhận định, lãi suất cao gấp khoảng 3 lần lãi suất gửi ngân hàng là đã có nhiều rủi ro. Trong khi đó lãi suất các đồng tiền ảo này được cam kết lên tới 48%/tháng, gấp hàng trăm lần lãi suất ngân hàng và được cam kết chỉ có lãi không có lỗ là hành vi lừa đảo quá rõ.

Đưa ra lời tư vấn cho người kinh doanh tiền ảo, chuyên gia kinh tế Bùi Quang Tín (Trường Đại học Ngân hàng TP Hồ Chí Minh) phân tích, để một đồng tiền ảo được sử dụng, giao dịch trong một quốc gia thì đồng tiền đó phải được pháp luật nước đó công nhận. Hiện Việt Nam chưa công nhận giao dịch tiền ảo, như vậy đây là kinh doanh những mặt hàng không được thừa nhận tại Việt Nam. Do vậy, nếu xảy ra rủi ro thì nhà đầu tư sẽ không được luật pháp Việt Nam bảo vệ, nguy cơ mất trắng rất dễ xảy ra, thậm chí chính người chơi cũng đối mặt với nguy cơ vi phạm pháp luật.

Tiền ảo không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp

(HNM) - Sau khi xảy ra hàng loạt vụ lừa đảo liên quan đến tiền ảo, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.

Theo Ngân hàng Nhà nước, trên thế giới, hầu hết các quốc gia đã có thông báo không chấp nhận bitcoin là phương tiện thanh toán hợp pháp và đưa ra cảnh báo rủi ro cho người sử dụng. Ngân hàng Nhà nước cảnh báo: Theo các quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành về tiền tệ và ngân hàng, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là tiền tệ và không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp. Việc sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Các tổ chức tín dụng không được phép sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo như một loại tiền tệ hoặc phương tiện thanh toán khi cung ứng dịch vụ cho khách hàng.

Việc sở hữu, mua bán, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo như một loại tài sản tiềm ẩn rất nhiều rủi ro và không được pháp luật bảo vệ. Do vậy, Ngân hàng Nhà nước khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không nên đầu tư, nắm giữ, thực hiện các giao dịch liên quan đến bitcoin và các loại tiền ảo.

Hà Linh

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đầu tư tiền ảo, mất tiền thật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.