Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tạo môi trường cạnh tranh, thu hút người tài

Hiền Lương thực hiện| 24/08/2017 07:26

(HNM) - Trả lời phỏng vấn Báo Hànộimới, PGS.TS Nguyễn Chí Mỳ, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho rằng, Quy định số 89-QĐ/TƯ và Quy định số 90-QĐ/TƯ là cơ hội để tạo ra môi trường cạnh tranh, thu hút người tài.

Một lớp đào tạo cán bộ nguồn thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 do Thành ủy Hà Nội tổ chức. Ảnh: Thái Hiền


- Nhiều ý kiến cho rằng, chúng ta vẫn gặp khó khăn khi xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận, nhất là cấp chiến lược. Đồng chí có đồng tình với nhận định này?

- Đúng như vậy. Khó khăn là vì nhiều nguyên nhân và do công tác cán bộ thời gian qua còn nhiều hạn chế. Chúng ta thực hiện “3 độ tuổi”, nhưng để lớp cán bộ sau thực sự kính trọng, biết ơn lớp cán bộ trước; lớp cán bộ trước tin tưởng lớp cán bộ sau thì chưa đạt được một cách vững chắc. Tại sao dư luận nhân dân cứ nói đến công tác cán bộ là nghĩ đến vấn đề “hậu duệ, tiền tệ, quan hệ” rồi mới đến “trí tuệ” - đó là điều cần suy nghĩ.

Ngoài ra, tôi cho rằng, hiện nay phải tập trung rèn luyện bản lĩnh chính trị cho đội ngũ cán bộ kế cận. Chúng ta đã thực hiện rèn luyện cán bộ kế cận ở những nơi khó khăn nhất, ở những nơi cần thử thách nhất hay chưa? Chuyện học hành của cán bộ kế cận đã được chăm lo tốt chưa?... Từ đó cần rà soát để có giải pháp căn cơ, toàn diện.

- Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 89-QĐ/TƯ và Quy định số 90-QĐ/TƯ liên quan đến công tác cán bộ. Theo đồng chí, hai quy định quan trọng này sẽ tác động thế nào đến việc giải quyết những khó khăn nêu trên?

- Đây không chỉ là thước đo để Đảng đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ mà còn là mục tiêu để mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu; là căn cứ để đồng chí, đồng đội đánh giá lẫn nhau; là cơ sở để nhân dân đối chiếu giúp Đảng xây dựng đội ngũ cán bộ. Ý nghĩa của các quy định mới này rất lớn. Nếu tuyên truyền hiệu quả, thực hiện bài bản, khoa học, Đảng có thể huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là sức mạnh nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ cho mình, trong đó có đội ngũ cán bộ kế cận, nhất là cán bộ cấp chiến lược.

Trong công tác lãnh đạo của Đảng, sau khi có đường lối, chủ trương, chính sách đúng, thì công tác cán bộ là khâu quyết định. Phải đặt việc ban hành hai quy định mới trong bối cảnh Trung ương đã ban hành Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 05-CT/TƯ về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” mới thấy hết ý nghĩa. Việc ban hành hai quy định mới là điều đầu tiên cần làm để xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, cũng như thực hiện quyết tâm ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái ngay trong nội bộ Đảng, khắc phục những khó khăn, bất cập về công tác cán bộ.

- Những kết quả nổi bật về phòng, chống tham nhũng thời gian qua có mối liên hệ như thế nào đối với việc ban hành hai quy định nêu trên, thưa đồng chí?


- Đảng đã tuyên bố “không có vùng cấm” trong chống tham nhũng, tiêu cực. Việc Trung ương thi hành kỷ luật một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị đã thể hiện rõ điều đó. Quan trọng hơn, việc Trung ương làm đã lấy lại niềm tin, bồi đắp niềm tin của nhân dân. Người dân rất phấn khởi, tin tưởng Đảng sẽ làm đến nơi đến chốn. Trong xã hội đã có khí thế của niềm tin, niềm tin rõ ràng đang được bồi đắp bằng những công việc cụ thể, thuyết phục. Đó là điều mừng nhất.

Chúng ta đang có đà rất tốt nên cùng với việc chống tham nhũng, thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), Chỉ thị 05-CT/TƯ, tôi tin rằng, việc ban hành hai quy định mới sẽ hoàn thiện các giải pháp về công tác cán bộ, tạo thành sức mạnh tổng hợp lớn để tác động, thúc đẩy lẫn nhau góp phần xây dựng Đảng, xây dựng đất nước.

- Để xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận đủ tâm, ngang tầm nhiệm vụ cần có các giải pháp để thu hút người tài, theo đồng chí, chúng ta cần làm gì để đạt được yêu cầu này?


- Phải xây dựng được các chính sách trọng dụng nhân tài. Càng đi sâu vào kinh tế thị trường, động lực lợi ích thúc đẩy người ta càng lớn. Nói cho cùng, người ta hành động theo lợi ích như: Lợi ích chính trị, lợi ích danh dự và lợi ích kinh tế. Tuy nhiên, đất nước còn khó khăn, việc đáp ứng lợi ích kinh tế còn giới hạn, khó có thể bằng các nước phát triển. Nhưng, nhất định dù có khó khăn cũng không được cào bằng. Ngoài ra, phải tập trung tuyên truyền, để khơi dậy tinh thần yêu nước, ý thức trách nhiệm với đất nước, dân tộc trong mỗi người. Người tài chỉ có thể cống hiến, hy sinh cho đất nước khi biết yêu quê hương, đất nước như máu thịt, như chính người thân của mình.

- Một môi trường công khai minh bạch, cạnh tranh công bằng là rất cần thiết, đồng chí có nghĩ như vậy?

- Không sai. Trừ bí mật quốc gia, còn lại công khai minh bạch là việc cực kỳ cần thiết trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội. Trong công tác cán bộ càng phải công khai minh bạch. Tiếp đến, phải tạo ra tính cạnh tranh, ai đủ tiêu chuẩn thì được lựa chọn. Theo tôi, các chức danh, kể cả cấp bộ trưởng cũng nên tổ chức thi tuyển, tạo ra cơ chế cạnh tranh để lựa chọn được người giỏi nhất, xứng đáng nhất.

- Xin cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tạo môi trường cạnh tranh, thu hút người tài

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.