Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dấu mốc mới trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ

Theo Việt Nam plus| 10/11/2017 10:26

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, trong hai ngày 11 và 12-11, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam sau khi dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Donald Trump hồi tháng 5-2017. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)


Chuyến thăm được đánh giá là bước nối tiếp của chính sách thúc đẩy quan hệ song phương đã được Washington triển khai từ nhiều năm nay, đồng thời cũng là cơ hội để củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ.

Chuyến công du diễn ra ngay trong năm đầu tiên cầm quyền của Tổng thống Trump và chỉ chưa đầy nửa năm sau chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới Mỹ (vào cuối tháng Năm vừa qua), đã thể hiện cả Việt Nam và Mỹ đều rất coi trọng quan hệ giữa hai nước và sẽ tạo cơ sở thúc đẩy quan hệ Việt Nam-Mỹ trong thời gian tới.

Tuyên bố với báo chí quốc tế trước thềm chuyến đi, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ, Trung tướng H.R. McMaster, đã khẳng định chuyến công du đầu tiên trên cương vị Tổng thống của ông Trump tới Châu Á có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với nước Mỹ, nhân dân Mỹ và cá nhân ông chủ thứ 45 của Nhà Trắng. Trong đó, thông điệp chính trong chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Đà Nẵng và Hà Nội lần này là hướng tới thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại và an ninh; tăng cường hơn nữa quan hệ Đối tác toàn diện đang phát triển mạnh giữa hai nước.

Trên thực tế, kể từ khi bình thường hóa quan hệ năm 1995 tới nay, quan hệ giữa hai nước đã có những bước tiến đáng kể trên tất cả các mặt, đặc biệt về chính trị, kinh tế và quân sự. Trong lĩnh vực chính trị-ngoại giao, hai bên đã tiến hành nhiều chuyến thăm cấp cao giữa lãnh đạo hai nước.

Về phía Việt Nam, khởi đầu là chuyến thăm của Thủ tướng Phan Văn Khải tới Mỹ (tháng 6-2005), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (6-2008 và 2-2016), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (6-2007), Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (7-2013), đặt nền tảng cho việc thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước. Tiếp đó đặc biệt là chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (7-2015) và mới đây nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (5-2017).

Về phía Mỹ, kể từ chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Bill Clinton tới Việt Nam tháng 11-2000 đến nay, tất cả các đời tổng thống Mỹ, từ Tổng thống George Bush của đảng Cộng hòa đến Tổng thống Barack Obama của phe Dân chủ và sắp tới là Tổng thống Donald Trump, đều có các chuyến thăm chính thức Việt Nam.

Đặc biệt, Tổng thống Donald Trump còn thăm Việt Nam ngay trong năm đầu tiên nhậm chức, một minh chứng cho lời khẳng định của ông trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà Trắng ngày 31-5 vừa qua rằng ông “coi trọng quan hệ Việt Nam-Mỹ và vai trò của Việt Nam trong khu vực; mong muốn quan hệ hai nước thời gian tới tiếp tục phát triển mạnh mẽ."

Về hợp tác kinh tế, kể từ khi Việt Nam và Mỹ ký kết Hiệp định thương mại song phương năm 2001, quan hệ thương mại giữa hai nước đã có sự phát triển mạnh mẽ. Hiện Việt Nam đứng thứ 16 trong số các đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ và tăng trưởng thương mại giữa hai nước hàng năm đạt trung bình tới 20%. Kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước đã tăng từ 220 triệu USD năm 1994 (năm Mỹ bắt đầu dỡ bỏ cấm vận kinh tế đối với Việt Nam) lên trên 47 tỷ USD vào cuối năm 2016. Hiện Mỹ xếp thứ tám trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Việt Nam.

Tính đến quý 1-2017, Mỹ có 834 dự án đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng hơn 10 tỷ USD. Trong khi đó, Việt Nam hiện có trên 147 dự án đầu tư sang Mỹ với tổng số vốn đăng ký vào khoảng trên 571 triệu USD, xếp thứ chín trong tổng số 68 quốc gia tiếp nhận đầu tư trực tiếp của Việt Nam.

Hợp tác an ninh-quốc phòng là ví dụ điển hình của việc xây dựng lòng tin thành công giữa hai nước. Ngay sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao, quan hệ quân sự cũng được thiết lập trở lại và thúc đẩy thông qua hoạt động trao đổi đoàn các cấp, đào tạo, tham vấn đối thoại, an ninh biển, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ thảm họa, đặc biệt là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, bao gồm rà phá bom mìn, tẩy rửa chất độc da cam/dioxin, tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích và tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc…

Với sự giúp đỡ của phía Mỹ, dự án tẩy rửa chất độc da cam (dioxin) ở sân bay Đà Nẵng đã hoàn thành ngoài mong đợi, dự án tiếp tục tẩy độc sân bay Biên Hòa đang được triển khai, trở thành minh chứng cụ thể cho hợp tác quốc phòng phù hợp với quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước.

Một điểm nhấn khác trong quan hệ Việt-Mỹ là giáo dục. Với hơn 30.000 du học sinh, Việt Nam hiện đứng đầu các nước Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và thứ sáu trên thế giới về số lượng du học sinh tại Mỹ. Hai nước cũng hợp tác ngày càng hiệu quả tại các diễn đàn đa phương, bao gồm cả APEC, Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+), Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS)...

“Việt Nam và Mỹ đang có 'thiên thời, địa lợi, nhân hòa' để thúc đẩy mối quan hệ song phương có lợi cho cả hai nước” là nhận định được giáo sư Fredrik Lovegall của Trường đại học Havard, tác giả bốn cuốn sách viết về Việt Nam, trong đó có cuốn ''Lửa đạn chiến tranh'' (Embers of War) giành giải Pulitzer năm 2014, đưa ra trong cuộc trao đổi với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam trước chuyến thăm của Tổng thống Trump tới Việt Nam.

Theo giáo sư Lovegall, Mỹ là đối tác quan trọng giúp Việt Nam phát triển kinh tế, tiếp nhận công nghệ mới và nền giáo dục tiên tiến, củng cố khả năng quốc phòng. Việt Nam và Mỹ có thể chia sẻ kinh nghiệm trong việc đối phó với những thách thức lớn như phát triển đô thị, đảm bảo an ninh mạng và tình trạng biến đổi khí hậu. Đổi lại, Mỹ tìm thấy ở Việt Nam nguồn cung cấp hàng hóa chất lượng và giá rẻ, cơ sở chế tạo nhân công thấp và một vị trí địa chính trị phù hợp với chiến lược an ninh của Mỹ ở Châu Á-Thái Bình Dương.

Bên cạnh đó, Mỹ và Việt Nam đều có những lợi ích chung ở khu vực châu Á-Thái Bình, bởi vậy hợp tác hai nước sẽ đóng góp tích cực cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương và trên thế giới.

Tất nhiên, con đường trước mắt của quan hệ Việt-Mỹ không hoàn toàn “màu hồng", nhất là khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump vẫn chưa có chiến lược đối ngoại rõ ràng đối với Châu Á, đồng thời nội bộ Mỹ đang gặp một số bất đồng, có thể khiến Washington phân tán sự tập trung, khó dành được toàn bộ sự chú ý cho các quốc gia Châu Á, trong đó có Việt Nam.

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường quan hệ thăng trầm giữa Việt Nam và Mỹ kể từ ngày 16-2-1946, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư tới Tổng thống Mỹ khi đó là ông Harry S. Truman thông báo về sự ra đời của nước Việt Nam độc lập, hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng rằng quan hệ Việt-Mỹ sẽ tiếp tục phát triển theo xu hướng hữu nghị và hợp tác hiện nay.

Trong buổi hội đàm với Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama tại Nhà Trắng ngày 7-7-2015, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Từ hai nước cựu thù, chúng ta đã chuyển thành những người bạn, đối tác, và đối tác toàn diện. Quá khứ không thể thay đổi nhưng tương lai thuộc về trách nhiệm của chúng ta". 

Việc Tổng thống Donald Trump chọn Việt Nam là một trong những điểm dừng chân trong chuyến công du đầu tiên của ông tới Châu Á-Thái Bình Dương trên cương vị người đứng đầu nền kinh tế lớn nhất thế giới, một lần nữa cho thấy Mỹ hết sức coi trọng quan hệ với Việt Nam cũng như vị trí chiến lược của Việt Nam trong khu vưc.

Chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để hai bên tiếp tục xây dựng lòng tin, thiết lập những khuôn khổ hợp tác mới hiệu quả hơn, đưa quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ phát triển tốt đẹp, phù hợp với lợi ích của hai nước, góp phần cho hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển của khu vực và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dấu mốc mới trong quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Mỹ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.