Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nâng cao chất lượng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục

TTXVN| 08/09/2018 13:25

Ngày 7-9, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Liên bang Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa các trường đại học hàng đầu Việt Nam và Liên bang Nga với sự chứng kiến của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Phùng Xuân Nhạ và Thứ trưởng Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học Liên bang Nga Marina Borovskaya.


Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và đoàn đại biểu của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có nhiều cuộc làm việc với lãnh đạo Bộ Giáo dục, Bộ Khoa học và Giáo dục Đại học, tham quan và tiếp xúc với hiệu trưởng một số trường đại học có truyền thống tại Mátxcơva.

Tại buổi làm việc với Thứ trưởng Borovskaya, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh hợp tác trong giáo dục và đào tạo giữa Việt Nam và LB Nga hiện nay đang diễn ra tốt đẹp, tiếp nối truyền thống từ thời Liên Xô, nước đã đào tạo cho Việt Nam không chỉ một thế hệ chuyên gia giỏi. Trong chuyến thăm này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị cụ thể hóa Hiệp định hợp tác hiện nay giữa hai nước bằng một kế hoạch hợp tác hai bên cho giai đoạn 2019-2021 trong khoa học kỹ thuật.

Bộ trưởng nhấn mạnh, ông tin tưởng ở sự hợp tác giữa các trường đại học Việt Nam và Liên bang Nga, trước hết bởi vì những trường đại học này có tiềm lực và truyền thống hợp tác với nhau rất lâu rồi. Và sản phẩm hợp tác của họ là những chuyên gia giỏi các ngành khác nhau, từ kinh doanh cho tới khoa học cơ bản, nghệ thuật. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh rằng hiện nay Việt Nam đang rất cần các chuyên gia chất lượng cao, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và kinh tế, mà nền giáo dục Nga là tiên tiến, đáp ứng được nhu cầu của Việt Nam.

Để đi đến ký kết được hàng loạt văn bản hợp tác trong khuôn khổ chương trình thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng các trường đại học hai nước đã làm việc, liên kết rất chặt chẽ. Đặc biệt hơn, cũng tại buổi làm việc trước lễ ký kết, để hợp tác hai bên mang tính thực tiễn, phía Việt Nam đã đưa ra ý tưởng thành lập một diễn đàn các hiệu trưởng hằng năm, bắt đầu từ năm 2019, nhằm kết nối mật thiết hơn giữa các trường đại học hai quốc gia trong đào tạo và nghiên cứu. Sáng kiến đã được Thứ trưởng Borovskaia hoan nghênh và hứa sẽ xúc tiến trong thời gian tới đây.

Về phần mình Thứ trưởng Borovskaia chỉ ra rằng đầu tư cho giáo dục luôn là lựa chọn ưu tiên của Liên bang Nga, trong đó có hợp tác quốc tế với các nước. Nga có các trường đại học uy tín cao trên thế giới. Hiện tại số lượng sinh viên Việt Nam theo học tại các trường đại học của Nga tuy không nhiều như thời Liên Xô, song theo học ở nhiều cấp cao hơn đại học.

Lễ ký kết các thỏa thuận khung giữa khoảng 40 trường đại học của hai bên diễn ra sau đó là minh chứng cho thấy hợp tác giáo dục Việt-Nga đang bước vào giai đoạn phát triển mới về chất. Tổng cộng 23 văn kiện đã được ký kết về nhiều chương trình đào tạo và đặc biệt là hợp tác nghiên cứu khoa học. Phát biểu tại lễ ký kết, Thứ trưởng Marina Borovskaya đã nói về dự án “xuất khẩu giáo dục” của Liên bang Nga. Dự án mang tầm quốc gia này sẽ tạo điều kiện cho sinh viên nước ngoài có nhiều cơ hội hơn học tập ở Nga, trong đó có sinh viên từ Việt Nam. Năm 2018, Chính phủ Liên bang Nga đã cấp cho sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh Việt Nam hơn 950 suất học bổng. Con số này sẽ tăng lên 1000 trong năm sau, năm văn hóa “chéo” Việt Nam - Liên bang Nga.

Cùng ngày, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã tới thăm Trường Đại học Xây dựng Moscow, Đại học Năng lượng Moscow và có buổi tiếp xúc với hiệu trưởng các trường đại học ở Liên bang Nga để thảo luận về triển vọng hợp tác giữa các trường này với các cơ sở đào tạo đại học của Việt Nam. Tại buổi gặp, Bộ trưởng đã trao Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giáo dục" của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho một số giáo sư, nhà nghiên cứu của Trường Đại học Năng lượng quốc gia Nga (MEI) đã có nhiều đóng góp trong việc đào tạo lưu học sinh Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: Nâng cao chất lượng hợp tác trong lĩnh vực giáo dục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.