Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hoa Sữa - Tại ông nhạc sỹ hay tại tâm lý dập khuôn?

Theo Vietnamplus| 07/12/2017 16:30


Nguồn gốc và nguồn cơn của “dịch hoa sữa”

Lần ngược về lịch sử, cái thuở Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư về Hà Nội, có một điều khá chắc chắn là hoa sữa không có ở mảnh đất này. Bởi nếu như có, chắc chắn nó đã được những văn nhân thi sỹ của đất Rồng Bay đề cập đến trong những bài thơ của mình rồi. Nhưng không, chỉ có hoa quỳnh, hoa thủy tiên, hoa đào, hoa mai mà thôi.

Dẫu là giống cây thuộc xứ nhiệt đới, hoa sữa chưa từng nổi tiếng ở Đại Việt, bất chấp nó xuất hiện ở Ấn Độ, Thái Lan, Myanmar… Chỉ đến khi người Pháp sang xâm chiếm Việt Nam, họ mới quy hoạch Hà Nội thành một đô thị theo hướng hiện đại, trong đó không thể thiếu hạng mục cây xanh.

Người Pháp rất khốn khổ vì khí hậu nóng ẩm ở Bắc Việt, thế nên, họ phải tìm mọi cách xanh hoá đô thị để giảm bớt nắng nóng. Tuy nhiên, không phải họ trồng búa xua mà có nghiên cứu khoa học kỹ càng. Tất cả những loại thực vật được trồng đều phải được đánh giá xem có phù hợp với thổ văn địa nhưỡng hay không.

Các kỹ sư thực vật học người Pháp đã quy hoạch một khu vực ở ngoài thành Hà Nội để lập nên Botanical tức vườn Bách Thảo. Tại đây, họ trồng thử những giống cây cho bóng mát, cây tạo cảnh quan có nguồn gốc bản địa như sấu, cơm nguội hay có nguồn gốc từ các lục địa khác như xà cừ, phượng vĩ, bằng lăng. Chỉ khi thấy thích hợp thì mới trồng đại trà trên đường phố.

Hoa sữa có khả năng được người Pháp du nhập từ thuộc địa khác đến và trồng ở Hà Nội. Tuy nhiên, cái mùi hương – nồng nàn hay nồng nặc tùy đánh giá cá nhân – này khiến người Pháp chỉ trồng hạn chế, bất chấp hoa sữa rất hợp với thổ nhưỡng không chỉ của Hà Nội mà cả các tỉnh, thành khác.

Con đường lãng mạn dưới tán hoa sữa. (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)


Những gốc hoa sữa được trồng điểm xuyết để mùi hương của hoa sữa không tích tụ đậm đặc gây ra sự khó chịu của người dân đô thị. Vả lại, Hà Nội thuộc đới khí hậu nhiệt đới gió mùa, có mùa đông rất lạnh. Thế nên, khi hoa sữa rầm rộ khai nở, cái hương hoa sữa bị cái lạnh dìm xuống, không còn hăng hắc khiến người ta đau đầu, khó thở nữa.

Theo Từ điển Wikipedia thì Hoa sữa có tên khoa học là Alstonia scholaris, là một loài thực vật nhiệt đới thường xanh thuộc chi Hoa sữa, họ La bố ma (Apocynaceae). Tại Việt Nam, hoa sữa còn có tên là hoa mò cua. 

Tất nhiên, cái giá lạnh mùa đông cũng chỉ dìm hương hoa đến mức độ thoang thoảng, ngọt ngào với điều kiện số lượng hoa không được quá nhiều. Những con đường có trồng nhiều hoa sữa như quanh hồ Thiền Quang bỗng trở thành điểm lãng mạn của những đôi tình nhân đi dạo tình tứ và hít hà mùi hoa sữa.

Nhưng mà quả thật, khi yêu nhau thì đi dạo ở đâu chẳng đẹp đẽ, mộng mơ, kể cả nhà vệ sinh công cộng. Thế nên, “hoa sữa mới nồng nàn đầu phố đêm đêm”, để lại những nỗi niềm day dứt, nhớ nhung khi “có lẽ nào bình minh đã mang em đi thật xa”.

Nhưng ôi thôi, phải đến khi ông nhạc sỹ Hồng Đăng được đặt hàng viết về một ca khúc đậm chất Hà Nội thì cơ sự mới xảy ra. Năm 1978, nhạc sỹ Hồng Đăng được cố đạo diễn Đức Hoàn đặt hàng viết ca khúc cho phim “Hà Nội, mùa chim làm tổ”. Vốn bí đề tài thì được mách nước là Hà Nội có cái hoa sữa nó hay lắm, thơm lắm, lãng mạn lắm. Sữa cơ mà, thơm gì thơm như sữa hồi bao cấp.

Thế là mặc dù chả biết cái hoa sữa có hình thù thế nào, thơm nồng nàn ra sao, ông vận dụng trí tưởng tượng để viết nên ca khúc bất hủ “Hoa Sữa”. Bài hát thật hay, thật say đắm lòng người, khiến ai cứ nghe thấy là biết ngay đó là bài hát viết về Hà Nội. Bởi ngoài Hà Nội chắc chẳng tỉnh nào trồng hoa sữa.

Và thế là hoa sữa được trồng hàng loạt ở Hà Nội để phát huy sự ngọt ngào của “hoa Hà Nội”. Mặt khác, cây hoa sữa dễ trồng, chóng lớn, tán lá cũng đẹp, lại chẳng mất nhiều công chăm sóc nên càng có lý do để trồng.

Hà Nội là "thủ đô hoa sữa". (Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+)


Và trong thời buổi đô thị hoá, ngày càng có nhiều đường phố được mở, nhiều khu đô thị mọc lên và bài toán cây xanh càng trở nên cấp bách. Các nhà thầu xây dựng và công ty cây xanh đô thị càng hào hứng với hoa sữa, vừa có chi phí không đắt như những loại cây xanh đô thị khác, lại chóng nhìn thấy hiệu quả.

Hệ quả là, Hà Nội trở thành “thủ đô Hoa Sữa”, và mỗi khi đông về, cả thành phố được ướp trong một thứ hương nồng nặc khiến người già, trẻ con, thanh niên, trung niên mất ngủ vì chứng đau đầu. Với những ai bị bệnh hen suyễn hay có hệ hô hấp dễ bị kích thích thì càng khốn khổ hơn nữa. Rất dễ hiểu khi vào mùa này, số bệnh nhân đường hô hấp tăng vọt.

Như một cơn bệnh lây lan, các địa phương khác vốn ngưỡng mộ thủ đô Hà Nội, coi đây là hình mẫu để phát triển, lập tức say mê hoa sữa. Tâm lý dập khuôn, bắt chước “theo Hà Nội” bùng phát, dẫn đến tình trạng tỉnh tỉnh trồng hoa sữa, miền miền trồng hoa sữa.

Với những địa phương không có mùa đông lạnh giá thì khi hoa sữa vào mùa, sức công phá của mùi hương càng được khuếch tán mạnh mẽ hơn. Hoa sữa gây ám ảnh từ những tỉnh miền núi như Hà Giang, Lạng Sơn đến Quảng Bình, Quảng Trị và lan ra cả đảo Phú Quốc.

Người ta thù ghét hoa sữa như cánh thị dân nhà mặt phố căm ghét cây cổ thụ trước nhà vì nó làm ảnh hưởng tình hình kinh doanh. Tình trạng kẻ trồng người chặt diễn ra liên miên, nhưng cũng chẳng giải quyết được điều gì bởi vì hoa sữa mọc nhanh hơn chặt. Vả lại, nó chỉ trở thành nỗi ám ảnh có vài tháng, còn lại vẫn tạo bóng mát.

Lỗi tại ai?

Đương nhiên, nhạc sỹ Hồng Đăng hoàn toàn vô tội trước “toà án hoa sữa.” Ông chỉ là một nhạc sỹ và tác phẩm của ông hoàn toàn không khiến bệnh nhân hen suyễn bị tắc thở. Đành rằng, có thể là vì bởi tại tác phẩm của ông mà hoa sữa trở nên nổi tiếng và được hâm mộ một cách thái quá nhưng không có lý do gì để trách ông cả.

Trên thế giới cây hoa sữa phân bổ ở Đông và Nam Châu Á,Cchâu Đại dương. Trong Phật giáo tiểu thừa cây hoa sữa cũng được xem như là một loài cây của sự giác ngộ, nó cũng từng được Đức Phật gọi tên là Thanhankara.

Mà ngoài Hồng Đăng, còn rất nhiều nhạc sĩ tài danh khác cũng đều đưa hoa sữa vào sáng tác của mình, từ Hoàng Hiệp, Trịnh Công Sơn, Phú Quang hay Đức Minh. Trong bài “Mùa hoa tôi yêu”, từng được nhiều người yêu thích qua giọng ca Ngọc Tân, nhạc sĩ Đức Minh còn khẳng định: “Mùa hoa sữa tôi yêu, hương thơm bay khắp trời, Ôi đẹp sao ánh mắt những con người đang yêu…”

Hoa sữa cũng chẳng có tội tình gì. Định mệnh của nó là hoa sữa, việc của nó là ngào ngạt tỏa mùi, bất chấp là mùi gây thương nhớ hay mùi tạo thù ghét. Hoa sữa không thể tỏa hương hoa hồng hay nước hoa Chanel 5 được. Nó cứ việc tỏa hương đặc trưng miễn là còn được trồng.

Bị cáo “đúng người đúng tội” của vụ án hoa sữa chỉ có thể là tâm lý dập khuôn và bắt chước một cách vô minh. Đây là là một điều rất điển hình ở Việt Nam. Chúng ta trồng cây nhưng không hề tính toán xem nó có phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu hay không?

Chắc chúng ta chưa thể nào quên vụ thành phố Hải Phòng chặt phượng vĩ để trồng gạo gai. Cây gạo gai cũng lớn nhanh như thổi nhưng lại có cấu tạo gỗ rất kém. Thế nên, mỗi khi mưa bão vào Đất Cảng là những gốc gạo gai lại gãy như ngả rạ, gây ra rất nhiều hệ lụy.

Hiện tượng dập khuôn, bắt chước trồng hoa sữa mới nhìn qua thì chẳng có gì nghiêm trọng. Nhưng nó cũng phản ánh một vấn đề nhức nhối trong xã hội Việt Nam. Người ta dập khuôn nhau trong việc treo đèn lồng hay chăng hoa kết đèn phi mỹ thuật trên đường phố hay phát phim Hàn Quốc, Trung Quốc.

Ở khía cạnh kinh tế, người ta lao theo phong trào nuôi ốc bươu vàng, mở hãng taxi, thành lập ngân hàng, phá lúa để trồng mía hay nuôi tôm. Những điều này đều đem lại những hậu quả nghiêm trọng về mặt kinh tế và sản xuất chứ không chỉ đơn thuần là đau đầu, khó thở như hương hoa sữa.

Tuy nhiên, trong phạm vi bài viết này, chúng ta không lạm bàn những vấn đề mang tính vĩ mô mà chỉ muốn cùng xem xét vấn đề hoa sữa để cùng suy nghĩ những giải pháp khiến hoa sữa không trở thành kẻ thù của công chúng và để bài hát “Hoa Sữa” của nhạc sỹ Hồng Đăng trở nên đáng nhớ theo nghĩa tích cực.

Có lẽ, để giải quyết triệt để vấn đề này, việc trồng hoa sữa phải đưa vào quy hoạch nghiêm túc, ví dụ như khoảng cách giữa hai cây hoa sữa phải cách nhau tối thiểu 100m hoặc trong khu dân cư đông người già và trẻ em thì nên hạn chế trồng. Những tỉnh, thành có điều kiện khí hậu không phù hợp với hoa sữa cũng không nên trồng.

Có như thế thì hoa sữa mới thoang thoảng, đem lại mùi nhớ cho Hà Nội mỗi khi mùa đông tới. Còn không, đó vẫn sẽ là vấn đề không thể giải quyết và mỗi khi hoa sữa vào mùa, người ta lại lầm bầm nguyền rủa: “Hoa sữa lại nồng nặc đường phố đêm đêm. Có lẽ nào, anh lại chặt cây. Có lẽ nào, ta lại chặt cây.”

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoa Sữa - Tại ông nhạc sỹ hay tại tâm lý dập khuôn?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.