Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh: Quảng bá kém, khó bứt phá

Tuệ Diễm| 08/12/2017 07:10

(HNM) - Xúc tiến quảng bá du lịch TP Hồ Chí Minh gặp nhiều khó khăn, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Những thỏa thuận, hợp tác phát triển du lịch với thế giới còn khá hạn hẹp... là những nguyên nhân khiến ngành Du lịch thành phố chưa thể bứt phá.

Còn lơ là thị trường tiềm năng

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, tính đến tháng 11-2017, du lịch thành phố đã đón hơn 5,6 triệu lượt khách quốc tế, tổng doanh thu đạt gần 105,3 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8% so với cùng kỳ 2016. Tuy vậy, ngành Du lịch vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong thỏa thuận ký kết hợp tác với nước ngoài. Việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh du lịch TP Hồ Chí Minh ra thế giới chưa có một kế hoạch và chiến lược cụ thể đối với các thị trường tiềm năng.

Tổ chức Giải chạy Marathon quốc tế đi qua các điểm du lịch tại TP Hồ Chí Minh để quảng bá.


Theo bà Âu Uyển Phương, Phó Giám đốc phụ trách thị trường nước ngoài của Tổng công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist), mặc dù thế giới đang tìm cách để thu hút du khách Trung Quốc, nhưng TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung đang bỏ qua thị trường lớn này. Hiện theo thống kê của Hiệp hội Du lịch quốc tế, Trung Quốc đứng thứ 4 thế giới về lượng khách đi du lịch nước ngoài. Tại Việt Nam, Trung Quốc là thị trường khách có tăng trưởng cao, mang về doanh thu lớn. Theo Tổng cục Du lịch, có gần 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam trong năm 2016, tăng 51,4% so với 2015. Riêng trong 11 tháng năm 2017, Việt Nam đón 3,6 triệu lượt khách Trung Quốc, đạt 145% so với cùng kỳ. Đặc điểm khách Trung Quốc là đông, trẻ, chi tiêu lớn nhưng hiện chúng ta chưa có chiến lược quảng bá, thu hút khách từ thị trường này. Bên cạnh đó, một số tour du lịch giá rẻ, tour 0 đồng đã xuất hiện tại TP Hồ Chí Minh làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc quảng bá hình ảnh du lịch thành phố.

Ông Trần Văn Long - Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Việt cho rằng, thị trường khách Ấn Độ cũng rất tiềm năng, nhưng thành phố chưa nắm bắt được. Bên cạnh đó, theo ông Long, hiện nay các nước đang chọn mạng xã hội để tiếp cận khách du lịch. Điển hình như ngành Du lịch Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Thái Lan..., đã tạo ra những làn sóng đưa khách Việt Nam qua đất nước họ du lịch thông qua quảng bá trên mạng xã hội như Facebook, web. Trong khi đó, nước ta nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng chưa làm tốt công tác quảng bá để tạo hiệu ứng trở thành làn sóng đưa du khách đến Việt Nam.

Nhiều khó khăn cần tháo gỡ

Theo Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện nay kế hoạch tổ chức xúc tiến quảng bá du lịch TP Hồ Chí Minh năm 2018 đã hoàn thiện về quảng bá tại chỗ và hoạt động xúc tiến nước ngoài. Cụ thể, tại thị trường nước ngoài, thành phố sẽ có hơn 10 chương trình xúc tiến, quảng bá lớn như: Diễn đàn du lịch ASEAN và Hội chợ Travex 2018 tổ chức tại Chiang Mai (Thái Lan) vào tháng 1-2018; đầu tháng 2-2018 sẽ tham dự hội chợ SATTE tại New Delhi (Ấn Độ); tháng 3-2018 sẽ tham gia Hội chợ du lịch quốc tế ITB Berlin 2018 tại thủ đô Berlin (Đức); xúc tiến du lịch Nhật Bản... Bên cạnh đó, ngành Du lịch thành phố tiếp tục chinh phục thị trường Singapore, Hàn Quốc và những khách hàng truyền thống từ Mỹ, Anh.

Dù vậy, theo ông Lê Trương Hiền Hòa - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch TP Hồ Chí Minh, hiện các doanh nghiệp cũng đang bị động khi kế hoạch quảng bá hình ảnh TP Hồ Chí Minh ra thị trường nước ngoài còn thiếu tính xuyên suốt và nhất quán. Do đó, cần sớm có một kế hoạch quảng bá lâu dài, ít nhất là tầm nhìn từ 2 đến 5 năm.

Mặt khác, theo kiến nghị của nhiều doanh nghiệp thì TP Hồ Chí Minh cần tạo cơ chế thông thoáng để phát triển du lịch, có thêm chính sách hỗ trợ visa, hỗ trợ thuế cho du khách. Một ví dụ điển hình, tại Hàn Quốc và Nhật Bản có chính sách miễn visa riêng cho khách du lịch Trung Quốc đi bằng tàu biển. Ở Pháp, Australia, Canada thì cấp visa nhập cảnh 10 năm với khách Trung Quốc. Vài năm trước, chúng ta có loại hình visa quá cảnh cho khách quá cảnh tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội trong thời gian không quá 120 tiếng, hiện nay doanh nghiệp rất mong muốn được duy trì visa này. Thông thường khách du lịch Trung Quốc có thời gian du lịch ngắn ngày, từ 4 đến 6 ngày, họ bay đến TP Hồ Chí Minh quá cảnh du lịch tại đây 1-2 ngày sau đó bay sang Campuchia. Nếu áp dụng visa quá cảnh thì sẽ đơn giản hóa thủ tục, chi phí tiết kiệm, nâng cao tính cạnh tranh du lịch tại đây.

Ông Lê Trương Hiền Hòa cho biết, phía doanh nghiệp mong muốn có thêm nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhằm kích cầu du lịch trong mùa cao điểm và các thị trường trọng điểm.

Năm 2018 được dự báo số người trên thế giới đi du lịch sẽ nhiều hơn và chi tiêu nhiều hơn cho du lịch. Do đó, công tác quảng bá du lịch TP Hồ Chí Minh cần thực hiện nhiều giải pháp hơn nữa nhằm tạo ra bước đột phá. Ngành Du lịch thành phố cần chuyển từ thế bị động đón khách quốc tế (tự đến) thành thế chủ động tiếp cận thị trường. Có như vậy, du lịch thành phố mới sớm vươn lên trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch TP Hồ Chí Minh: Quảng bá kém, khó bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.