Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tìm giải pháp “hạ nhiệt”

Hạnh - Thành| 07/09/2018 06:20

(HNM) - Ùn tắc giao thông ở khu vực cổng trường học là vấn đề chưa bao giờ hết “nóng”, nhất là vào dịp đầu năm học. Với gần 1,9 triệu học sinh và hơn 1.600 trường học, trong đó có nhiều điểm trường tập trung ở khu vực đông dân cư nên việc tìm giải pháp để “hạ nhiệt” tình trạng ùn tắc giao thông ở khu vực trường học đang là vấn đề cấp thiết.

Nhằm “hạ nhiệt” tình trạng ùn tắc, Trường Tiểu học Trần Quốc Toản cho học sinh mỗi khối lớp ra về cách nhau 5 phút. Ảnh: Nhật Nam



Tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc

Có mặt tại cổng Trường Tiểu học Tô Hoàng (quận Hai Bà Trưng) vào giờ tan học mới thấy rõ tình trạng giao thông lộn xộn ở khu vực này. Phụ huynh dừng, đỗ xe đợi đón con, làm ảnh hưởng đến lưu thông. Anh Lê Minh Tuấn, phụ huynh học sinh cho rằng: Trường có hơn 1.000 học sinh, mỗi em được bố hoặc mẹ đến đón bằng phương tiện cá nhân vào cùng một thời điểm là đã có nguy cơ ùn tắc.

Cách đó không xa là Trường THCS Tô Hoàng. Trường cũng có số lượng học sinh lớn, lại nằm trên trục đường quan trọng với lưu lượng người tham gia giao thông rất cao, số phụ huynh đưa đón con bằng ô tô ngày càng nhiều nên mặc dù nhà trường đã phối hợp với lực lượng chức năng tổ chức phân luồng nhưng tình trạng ùn tắc vẫn tái diễn trong các khung giờ cao điểm.

Trung tá Lê Tú, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 3 (Công an TP Hà Nội) cho biết: Điều 18 Luật Giao thông đường bộ quy định “Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe trước cổng và trong phạm vi 5m hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức”. Tuy nhiên, đối với các trường học ở khu vực nội thành, đa số đường trước cổng trường khá hẹp, hè phố cũng nhỏ nên rất khó áp dụng quy định này. Một số trường áp dụng biện pháp “chia lô” nơi dừng đỗ xe, bố trí bảo vệ hướng dẫn nhưng số lượng học sinh và phụ huynh quá lớn nên tình trạng ùn tắc không giảm. Trong khi đó, ý thức của một số phụ huynh vẫn còn hạn chế.

Thượng tá Hoàng Văn Trụ, Phó Trưởng phòng Cảnh sát trật tự (Công an TP Hà Nội) cho biết thêm: Một trong những nguyên nhân dẫn đến ùn tắc tại các cổng trường là tình trạng chiếm dụng vỉa hè, lòng đường làm nơi buôn bán, tập kết hàng rong phục vụ nhu cầu của học sinh và phụ huynh. Đó là điều có thể thấy tại hầu hết trường học. Nhiều trường học nằm ngay giữa khu dân cư hoặc gần chợ dân sinh. Vào giờ tan tầm, tan trường, nhiều phụ huynh dừng xe giữa lòng đường nên việc đi lại của người dân càng thêm khó khăn.

Kết hợp giải pháp trước mắt và lâu dài

Phố Nhà Chung là đường một chiều, lòng đường khá hẹp, nhưng hiện có tới 5 trường học nằm tại đây. Thực tế ấy đặt ra bài toán cho chính quyền sở tại và nhà trường trong việc bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh, hạn chế tình trạng ùn tắc tại các khung giờ cao điểm như đầu giờ sáng, cuối giờ chiều. Bà Lê Minh Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tràng An cho biết: Với quy mô gần 1.000 học sinh, nếu các em cùng tan học trong một khoảng thời gian thì không chỉ gây ùn tắc giao thông mà còn có nguy cơ khiến trẻ bị tai nạn thương tích, bị kẻ xấu trà trộn gây hại... Vì vậy, cùng với việc phối hợp với chính quyền tổ chức phân luồng giao thông, nhà trường quy định giờ tan học của các khối cách nhau từ 5 đến 10 phút nhằm hạn chế học sinh ùa ra đường cùng lúc.

Giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông tại cổng trường học là vấn đề cấp thiết. Ảnh: Nhật Nam


Cách thức nói trên cũng được Trường Tiểu học Trần Quốc Toản, ngôi trường cũng nằm trên phố Nhà Chung, thực hiện từ nhiều năm nay. Nhằm "hạ nhiệt" tình trạng ùn tắc giao thông tại khu vực ngoài cổng trường vào giờ tan học, ngoài quy định cho học sinh mỗi khối lớp ra về cách nhau 5 phút, các em được hướng dẫn xếp hàng lần lượt rời khỏi trường và ra khu vực vườn hoa đối diện trường để chờ phụ huynh đến đón. Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm quản lý, hướng dẫn học sinh tập trung ở vị trí quy định, không để học sinh tụ tập, nô đùa dưới lòng đường. Phụ huynh học sinh cũng được nhắc nhở tuân thủ các quy định về khu vực được dừng, đỗ xe. Theo Hiệu trưởng Trần Thị Bích Liên, đây không đơn thuần là giải pháp giảm ùn tắc, mà quan trọng hơn là để rèn cho học sinh ý thức tuân thủ các quy định về an toàn giao thông. Các em cũng sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để vận động người thân trong gia đình và bạn bè chấp hành Luật Giao thông đường bộ.

Nhằm nâng cao ý thức chấp hành các quy định về an toàn giao thông một cách bền vững, từ năm học 2018-2019, các trường học tại Hà Nội bắt đầu tổ chức giảng dạy tài liệu "Giáo dục an toàn giao thông cho học sinh" ở khối lớp 1, lớp 6 và lớp 10, đồng thời tăng cường các hoạt động tuyên truyền đối với phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, theo đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (Công an TP Hà Nội), hiện nay, cơ quan chức năng mới tập trung vào việc nhắc nhở phụ huynh, học sinh chấp hành quy định về an toàn giao thông. Từ năm học 2018-2019, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân nói chung và phụ huynh học sinh nói riêng, Công an TP Hà Nội sẽ tiến hành xử phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp vi phạm.

Về lâu dài, theo Thượng tá Hoàng Văn Trụ, vấn đề giao thông quanh khu vực trường học cần được tính đến trong quá trình quy hoạch, phát triển mạng lưới trường lớp, làm sao để cổng trường giờ tan học không trở thành điểm nóng giao thông.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tìm giải pháp “hạ nhiệt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.