Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Cú hích” về chất lượng dạy nghề

Minh Ngọc| 09/09/2018 07:38

(HNM) - Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018 do TP Hà Nội đăng cai, phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) tổ chức, diễn ra từ ngày 15 đến 21-9.


Sôi nổi từ cấp cơ sở

Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (Hội giảng) được tổ chức định kỳ 3 năm/lần, là “sân chơi” cho giáo viên dạy nghề đua sức, đua tài, qua đó góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trong bối cảnh giáo dục nghề nghiệp nhận được sự quan tâm ngày càng lớn của toàn xã hội, Hội giảng năm 2018 diễn ra sôi nổi từ cấp cơ sở với số người tham gia đông nhất từ trước đến nay.

Lần đầu tiên tổ chức, Hội giảng tỉnh Sóc Trăng đã thu hút 38 nhà giáo thuộc 10 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia. Qua các bài trình giảng hấp dẫn về hình thức, sâu sắc về nội dung, tỉnh Sóc Trăng có 21 nhà giáo được trao giải thưởng các loại, trong đó có 4 giải Nhất.

Giáo viên Trần Thị Thỏa, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh và các học trò luyện tập bài giảng trước khi tham gia hội giảng.Ảnh : Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp


Tại TP Hồ Chí Minh, Hội giảng năm nay có 91 nhà giáo công tác tại 30 cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia đua tài ở nhiều ngành nghề như điện, điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin, kinh tế, nhà hàng, khách sạn du lịch, điều dưỡng… Kết quả, Ban Tổ chức Hội giảng TP Hồ Chí Minh đã trao thưởng cho 32 giáo viên xuất sắc và chọn được 16 bài giảng nổi bật dự thi Hội giảng toàn quốc.

“Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh tập trung hơn 500 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở nào cũng có những giáo viên giỏi lý thuyết, vững tay nghề. Thông qua Hội giảng, giáo viên và các nhà trường có cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, cùng nhau xây dựng nội dung các bài giảng phù hợp với nhu cầu của người học và xã hội”, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh cho biết.

Với Hội giảng năm 2018 trên phạm vi cả nước, TP Hà Nội tiếp tục là địa phương có nhiều "cái nhất". Hà Nội tổ chức Hội giảng cấp cơ sở vào giữa năm 2017, cấp thành phố vào tháng 10-2017, sớm nhất cả nước; có số lượng giáo viên, đơn vị dạy nghề tham gia Hội giảng nhiều nhất.

Riêng vòng chung kết, Hà Nội có 131 giáo viên thuộc 39 trường nghề trình giảng lý thuyết, kỹ năng thực hành nhiều ngành, nghề, trong đó có những ngành, nghề trọng điểm, chất lượng cao mới được đưa vào giảng dạy tại Việt Nam. Từ cuối năm 2017 đến nay, các cơ quan chức năng, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tạo mọi điều kiện thuận lợi cho 28 giáo viên dạy nghề xuất sắc nhất của Thủ đô vững vàng bước vào cuộc so tài cấp quốc gia.

Dù còn nhiều khó khăn, các tỉnh, thành phố khác cũng đã tổ chức Hội giảng cấp cơ sở. Kết quả là 63 tỉnh, thành phố chọn được hơn 370 giáo viên dạy nghề tham gia cuộc đua tài toàn quốc ở 90 ngành nghề. So với những năm trước, Hội giảng năm 2018 xác lập kỷ lục về quy mô tổ chức, về số lượng giáo viên, đơn vị tham gia và số ngành nghề được chọn trình giảng.

Sẵn sàng cho kỳ sát hạch quy mô lớn

Theo ông Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, tại Hội giảng toàn quốc, mỗi nhà giáo sẽ trình giảng một trong ba bài giảng: Lý thuyết, thực hành hoặc tích hợp lý thuyết và thực hành. Giáo viên rút thăm trúng hình thức nào sẽ trình giảng theo hình thức đó. Với số lượng tham gia đông, hình thức trình giảng đa dạng, công tác chuẩn bị cho Hội giảng đòi hỏi sự công phu, chu đáo.

Tuy vậy, đến nay, Ban Tổ chức Hội giảng và đơn vị đăng cai là Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội (quận Đống Đa) và Trường Trung cấp nghề Giao thông công chính Hà Nội (quận Bắc Từ Liêm) đã sẵn sàng về cơ sở vật chất, trang thiết bị đón các đoàn về tham dự.

Bà Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho biết, Ban Tổ chức Hội giảng toàn quốc đã thành lập 20 tiểu ban, mỗi tiểu ban phụ trách một phần việc, đồng thời phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cá nhân liên quan. Trước thời gian diễn ra Hội giảng, đại diện Ban Tổ chức liên tục đôn đốc, thăm hỏi, động viên các đoàn chuẩn bị tâm thế tốt nhất bước vào cuộc đua tài. Công tác thông tin, tuyên truyền, cổ động trực quan cũng được triển khai bài bản, đồng bộ.

Trước Hội giảng, các đơn vị, địa phương đã tận tình hỗ trợ về vật chất, tinh thần cho các nhà giáo tham gia. Giáo viên Nguyễn Thị Quyên (Trường Cao đẳng Công nghiệp Bắc Ninh) chia sẻ, điểm mới của Hội giảng năm nay là giáo viên phải chuẩn bị cùng lúc 3 bài giảng, phải thuần thục cả lý thuyết và kỹ năng thực hành. Nhờ được hỗ trợ tối đa về mọi mặt, chị và các đồng nghiệp tự tin bước vào kỳ sát hạch trình độ chuyên môn, tay nghề lớn nhất từ trước đến nay.

Những dẫn chứng nêu trên phần nào cho thấy Hội giảng toàn quốc nói riêng, hoạt động giáo dục nghề nghiệp nói chung đã và đang nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành, địa phương và toàn xã hội. Hội giảng được tổ chức với quy mô lớn sẽ góp phần phát hiện thêm giáo viên giỏi, những phương pháp, thiết bị, đồ dùng dạy nghề tiên tiến, hiện đại. Nói cách khác, việc tổ chức Hội giảng toàn quốc năm 2018 là một trong những giải pháp tạo ra “cú hích” về chất lượng trong hoạt động dạy nghề, học nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Cú hích” về chất lượng dạy nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.