Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ba bộ phối hợp xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý

Khánh Vũ| 08/08/2018 21:35

(HNMO) - Ngày 8-8, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương đã ký kết Quy chế phối hợp về xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý.

Lễ ký kết phối hợp xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý.


Quy chế phối hợp nhằm bảo đảm sự quản lý thống nhất, hiệu quả giữa các bộ, nâng cao hiệu quả sử dụng chỉ dẫn địa lý trong hoạt động liên kết vùng để phát triển các sản phẩm chủ lực của liên tỉnh, liên vùng. Hoạt động này góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh, giá trị sản phẩm trên thị trường, triển khai hiệu quả các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Nội dung phối hợp giữa 3 bộ bao gồm: Xây dựng, hoàn thiện, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến chỉ dẫn địa lý; phát hiện, ngăn chặn, kiểm soát và xử lý hành vi xâm phạm quyền trên thị trường; xây dựng hồ sơ đăng ký bảo hộ…

Nói về quá trình xây dựng quy chế phối hợp, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, từ năm 2010 Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) đã chủ trì thực hiện một nghiên cứu đánh giá tiền khả thi về triển khai một số hoạt động hỗ trợ phát triển chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam, trong đó chỉ rõ sự cần thiết phải nâng cao hiệu quả của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở Việt Nam và cần phải có sự thống nhất giữa các cơ quan trong việc quản lý chỉ dẫn địa lý nhằm phối hợp chặt chẽ để xây dựng các định hướng, chính sách và giải pháp hỗ trợ chung cho chỉ dẫn địa lý.

Trên cơ sở Báo cáo đánh giá tiền khả thi đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Chính phủ cho phép đề xuất Chính phủ Pháp hỗ trợ Việt Nam xây dựng một cơ chế nhằm đảm bảo có sự phối hợp giữa các bộ: Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Công Thương về chỉ dẫn địa lý.

Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, tính đến ngày 31-7, Việt Nam đã bảo hộ được 68 chỉ dẫn địa lý, trong đó có 62 chỉ dẫn của Việt Nam và 6 chỉ dẫn của nước ngoài với nhiều loại sản phẩm như trái cây, thủy sản, gạo, sản phẩm chế biến như nước mắm, mắm tôm, các sản phẩm tiểu thủ công nghiệp như nón lá Huế, cói Nga Sơn, trúc sào Cao Bằng…

Chỉ dẫn địa lý đang dần chứng minh vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn sự đa dạng sinh học, góp phần thúc đẩy sự phát triển hoạt động sản xuất, thương mại và nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm nông sản của Việt Nam. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ba bộ phối hợp xây dựng và quản lý chỉ dẫn địa lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.