Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tín dụng cho phát triển nông nghiệp: Vẫn khó tiếp cận

Ngọc Quỳnh| 13/10/2017 06:21

LTS: Thời gian qua, nhiều chính sách, ưu đãi tín dụng dành cho phát triển nông nghiệp, nông thôn đã được ban hành, chỉnh sửa, bổ sung. Đặc biệt, từ tháng 3-2017, Chính phủ đã giao các ngân hàng thương mại dành ít nhất 100 nghìn tỷ đồng để thực hiện chương trình cho vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao.


Bài đầu: Những “rào cản”...


Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung nhưng đến nay người dân, doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận. Nguyên nhân chính được xác định là các thủ tục cho vay chưa sát với thực tế và còn nhiều phức tạp.

Việc tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển nông nghiệp công nghệ cao vẫn gặp không ít khó khăn. Ảnh: Sơn Hà


Loay hoay tiếp cận vốn

Triển khai Nghị định số 55/2015/ NĐ-CP ngày 9-6-2015 của Chính phủ (Nghị định 55) về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tính đến ngày 30-6-2017, dư nợ trong lĩnh vực này đạt hơn 1,188 triệu tỷ đồng, tăng khoảng 47% so với thời điểm bắt đầu triển khai nghị định và tăng 13,7% so với cuối năm 2016, chiếm tỷ trọng 19,8% trong tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế.

Mặc dù đã có những kết quả nhất định, góp phần quan trọng vào phát triển nông nghiệp, nhưng nông dân và doanh nghiệp vẫn loay hoay tiếp cận nguồn vốn này. Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân trung ương: Ngoài Nghị định 55, Ngân hàng Nhà nước có Quyết định số 813/QĐ-NHNN ngày 24-4-2017 về chương trình cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch để thực hiện Nghị quyết 30/NQ-CP ngày 7-3-2017 của Chính phủ. Tuy nhiên, doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, hộ nông dân vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Đến tháng 6-2017, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch đạt 32.339 tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là 27.737 tỷ đồng.

Kết quả khảo sát của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN& PTNT) cho thấy, có tới 70,1% doanh nghiệp cho rằng gặp khó khăn trong tiếp cận vốn tín dụng, trong đó 49,4% cho biết rất khó hoặc không thể tiếp cận vay vốn tín dụng. Theo Giám đốc Công ty TNHH Toản Xuân Trần Quốc Toản: Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu đãi để doanh nghiệp vay vốn đầu tư nông nghiệp, nhưng vẫn còn khoảng cách khi triển khai trên thực tế. Hiện, công ty liên kết chuỗi sản xuất gạo sạch 300ha tại tỉnh Nam Định và đầu tư nhà máy chế biến hàng chục tỷ đồng. Để có nguồn vốn mở rộng sản xuất, công ty đã đến các ngân hàng để vay theo Nghị định 55 hoặc gói tín dụng 100 nghìn tỷ đồng nhưng đều không có kết quả.

Không chỉ doanh nghiệp, các chủ trang trại, hợp tác xã nông nghiệp cũng cùng cảnh ngộ. Theo Nghị định 55, các hợp tác xã, chủ trang trại sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp được vay tối đa 1 tỷ đồng... Tuy nhiên, chính sách này chưa đi vào cuộc sống, bởi nhiều hợp tác xã chưa tiếp cận được vốn vay. Giám đốc Hợp tác xã Thủy sản Đồng Tâm, huyện Ba Vì, Chu Văn Hồng cho biết: Hợp tác xã có 20ha nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn. Khi Nghị định 55 ban hành, dù đã nghiên cứu rất kỹ nhưng HTX vẫn không vay được vốn theo nguyện vọng. Nguyên nhân là hợp tác xã không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như tài sản trên đất, nên không đủ điều kiện vay vốn theo quy định.

Theo Giám đốc Công ty cổ phần Tiên Viên (huyện Chương Mỹ) Đặng Đình Tiên: Khó khăn lớn nhất của các trang trại khi vay vốn đầu tư sản xuất là không có tài sản thế chấp. Trong khi đó, tài sản trên đất trang trại đầu tư hàng chục tỷ đồng, nhưng không được coi là tài sản để thế chấp hoặc bị đánh giá thấp hơn so với giá trị thực.

Thiếu hướng dẫn cụ thể

Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn nhìn nhận: Cách tiếp cận chính sách về vốn tín dụng thiếu phù hợp do còn nặng "xin - cho" mà chưa tính tới nhu cầu thực sự của khách hàng. Thời hạn, hạn mức cho vay chưa phù hợp với nhiều đối tượng, lãi suất cho vay còn cao. Thủ tục tiếp cận nguồn vốn tín dụng còn nhiều phức tạp khi yêu cầu nhiều loại giấy chứng nhận, đăng ký, tài sản thế chấp hay nhiều điều kiện khác, khiến doanh nghiệp nản lòng. Đáng lưu ý, việc thiếu các quy định, hướng dẫn cụ thể về định giá tài sản trên đất đang là “rào cản” lớn nhất trong việc tiếp cận dòng vốn tín dụng của doanh nghiệp và nông dân.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Thắng, Trưởng ban Điều hành Quỹ Hỗ trợ nông dân trung ương cho biết: Doanh nghiệp, hợp tác xã, chủ trang trại muốn vay vốn phát triển nông nghiệp thông thường phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều hộ gia đình chưa được cấp "sổ đỏ" hoặc nhiều hộ có con cháu trưởng thành đã tách hộ nhưng chưa tách "sổ đỏ", do vậy, khi vay vốn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục hành chính. Nhiều trang trại có giá trị lớn, nhưng chưa có "sổ đỏ" nên không được coi là tài sản bảo đảm khiến mức cho vay tối đa chỉ khoảng 100 triệu đồng, trong khi theo Nghị định 55, các hợp tác xã, chủ trang trại hoạt động trên địa bàn nông thôn được vay tối đa 1 tỷ đồng...

Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) Trần Văn Tần cho rằng: Các doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn vay phát triển nông nghiệp công nghệ cao do vốn đầu tư cho dự án lớn, nhưng hầu hết sản phẩm tiêu thụ chưa ổn định. Hiện các công trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Nhà kính, nhà lưới… chưa được cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản trên đất nông nghiệp gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục đăng ký giao dịch, bảo đảm thế chấp cho khoản vay tại ngân hàng.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank) thừa nhận: Nhiều ngân hàng không mấy mặn mà khi cho vay vốn để phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Bởi, việc xác nhận tài sản bảo đảm hình thành từ vốn vay hiện còn nhiều bất cập. Chẳng hạn, ở một số tỉnh, ngành Tài nguyên và Môi trường cho phép đăng ký giao dịch bảo đảm đối với cây lâu năm theo hình thức tài sản hình thành trong tương lai, nhưng một số nơi khác lại từ chối hoặc yêu cầu bổ sung đầy đủ chứng từ chứng minh quyền sở hữu. Để được vay vốn tín chấp, bản thân khách hàng phải thực hiện đầy đủ việc lập thống kê, công khai minh bạch báo cáo tài chính theo quy định (có kiểm toán), giữ tín nhiệm trong quan hệ vay vốn với ngân hàng.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tín dụng cho phát triển nông nghiệp: Vẫn khó tiếp cận

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.