Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giảm tối đa hoạt động kiểm tra chuyên ngành: Việc cần làm ngay

Hồng Sơn| 10/11/2017 06:46

(HNM) - Mới đây, Ngân hàng Thế giới đã công bố Việt Nam tăng 14 bậc, vươn lên vị trí 68/190 nền kinh tế về chất lượng môi trường kinh doanh. Kết quả này đánh dấu sự bứt phá và cải cách có hiệu quả của Chính phủ, các cơ quan quản lý trong việc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính. Tuy vậy, vẫn còn nhiều việc phải làm, trong đó có việc “cần làm ngay” là giảm, bãi bỏ hoạt động kiểm tra chuyên ngành để hỗ trợ thiết thực cho doanh nghiệp...

Nếu việc cắt giảm thủ tục, thời gian kiểm tra chuyên ngành được thực hiện như trong lĩnh vực hải quan thì sẽ tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp. Ảnh: Viết Thành


Chồng chéo kiểm tra, quản lý

Cách đây khoảng 3 tháng, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo các bộ, ngành thực hiện rà soát thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đó là bước khởi đầu cho việc bãi bỏ tối đa hoạt động kiểm tra chuyên ngành. Trong đó, nhấn mạnh yêu cầu các đơn vị quản lý triển khai hợp nhất các văn bản có tên khác nhau, nhưng bao gồm nội dung có cùng bản chất để tiết giảm chi phí, thời gian thực hiện quy định của Nhà nước đối với doanh nghiệp. Đây cũng là thực trạng đã hiện hữu trong nhiều năm qua, nhưng rất tiếc đến nay chưa được giải quyết triệt để.

Đơn cử, qua kiểm tra tại cửa khẩu Hải Phòng, số tờ khai kiểm tra chuyên ngành chiếm tỷ lệ 36,4% tổng số tờ khai xuất nhập khẩu. Cá biệt, có trường hợp, thời gian để doanh nghiệp làm thủ tục kiểm tra chuyên ngành nhiều gấp 300 lần tiến hành thủ tục hải quan. Thực trạng này xuất phát từ việc hàng hóa xuất nhập khẩu được quản lý bằng nhiều thủ tục, thuộc thẩm quyền của nhiều cơ quan khác nhau. Theo Bộ Tài chính, tình trạng chồng chéo trong hoạt động kiểm tra chuyên ngành, dẫn đến việc một mặt hàng phải chịu sự quản lý của nhiều hình thức, hoặc nhiều cơ quan quản lý.

Trên thực tế, nhiều mặt hàng thực phẩm chế biến, nông sản chịu sự quản lý của vài bộ, ngành. Chẳng hạn, sữa chua, pho mát chịu sự quản lý, kiểm tra chuyên ngành của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế về an toàn vệ sinh thực phẩm. Ngoài ra, một số sản phẩm còn phải chịu sự kiểm tra về nhiều nội dung mặc dù cùng thuộc trách nhiệm một bộ, ngành. Trong các cuộc đối thoại giữa cơ quan chức năng và doanh nghiệp hằng năm đều có ý kiến phản hồi về việc cùng một mặt hàng xuất/nhập khẩu, nhưng phải chờ sự kiểm tra chuyên ngành, với các yêu cầu, tiêu chuẩn khác nhau của nhiều cơ quan quản lý. Đó là chưa liệt kê hết những nỗi khổ của doanh nghiệp khi thực hiện các quy định của Nhà nước, bởi đó là những tình huống cụ thể, phức tạp. Điều này cũng lý giải vì sao Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng chỉ riêng việc giảm, bỏ bớt các cuộc kiểm tra chuyên ngành sẽ giúp tiết kiệm được gần 15 nghìn tỷ đồng/năm cho doanh nghiệp.

Gỡ khó cho doanh nghiệp

Sự chồng chéo kiểm tra chuyên ngành vệ sinh an toàn thực phẩm khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Sơn Hà


Tại cuộc làm việc mới đây về kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đánh giá bộ này có nhiều giải pháp mới, đột phá về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu như: Sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng đẩy mạnh sang hậu kiểm, chỉ đạo tăng cường việc thừa nhận lẫn nhau kết quả đánh giá sự phù hợp, đánh giá tại cơ sở sản xuất nước ngoài đối với các sản phẩm, hàng hóa. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng khẳng định, những kết quả về cắt giảm 50% danh mục nhóm hàng hóa 2, chuyển từ 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm; cắt giảm tối đa thời gian thực hiện thủ tục kiểm tra, là bước đi đột phá trong việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng... Tuy nhiên, ở cấp độ rộng hơn thì việc cắt giảm kiểm tra chuyên ngành vẫn là câu chuyện dài.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội, nhu cầu quan trọng của tất cả doanh nghiệp là được thụ hưởng những chính sách, quy định pháp luật theo hướng ngày càng cải thiện về sự hợp lý, khoa học, trên cơ sở mục tiêu giảm bớt gánh nặng không đáng có cho từng đơn vị. Đặc biệt, nếu sớm giải quyết được yêu cầu đối chiếu, công nhận kết quả kiểm tra của nhau giữa các cơ quan, đơn vị chức năng sẽ thật sự gỡ khó cho doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp sẽ có điều kiện giảm thời gian, chi phí, nhân lực khi phục vụ các yêu cầu của cơ quan quản lý...

Ông Vũ Vinh Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công thương TP Hà Nội cho rằng, nếu các quy định bất hợp lý không được phát hiện, bãi bỏ sẽ gây hại cho doanh nghiệp, vì làm tăng chi phí đối với doanh nghiệp, từ dó dẫn đến đội giá thành hàng hóa bán ra khi đến người tiêu dùng. Đơn cử, các siêu thị đang bày bán hàng nghìn loại sản phẩm có xuất xứ khác nhau, nếu cứ kiểm tra chồng chéo sẽ mất nhiều thời gian của doanh nghiệp cũng như đối với chính lực lượng kiểm tra. Vấn đề đặt ra là, cơ quan quản lý cần tập trung phân tích, phân biệt được doanh nghiệp nào hoạt động nghiêm túc và doanh nghiệp nào có biểu hiện vi phạm để đi đến quyết định có triển khai kiểm tra hay không.

Có thể nói, những tồn tại trên không chỉ làm giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế, mà còn đi ngược lại với mục đích, quan điểm phát triển kinh tế nhanh, bền vững. Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung, nguyên nhân có nhiều, nhưng những gì thuộc về yếu tố chủ quan cần được xem xét đến cùng và chủ động loại bỏ. Theo đó, trước khi ban hành quy định, lãnh đạo mỗi đơn vị có thẩm quyền cần tính đến tác động, hệ lụy có thể nảy sinh. Cần đặt câu hỏi, quy định đó sẽ hỗ trợ hay gây thiệt hại, bất lợi cho doanh nghiệp và xã hội.

Mới đây, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ đã có báo cáo về việc kiểm tra chuyên ngành, đồng thời nhận xét là một số quy định còn chồng chéo, bất cập dẫn đến việc một mặt hàng có thể bị điều chỉnh bởi nhiều văn bản, phải thực hiện nhiều loại thủ tục (tỷ lệ này chiếm tới 58%). Thực trạng đó đòi hỏi mỗi bộ, ngành cần có sự phối hợp, vào cuộc đồng bộ bằng tinh thần cầu thị, vì doanh nghiệp và sự phát triển của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giảm tối đa hoạt động kiểm tra chuyên ngành: Việc cần làm ngay

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.