Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dự thảo cơ chế đặc thù cho TP HCM: Nặng về tăng thu, thiếu yếu tố phát triển bền vững

Bảo Hân| 14/11/2017 13:51

(HNMO) - Sáng 14-11, thảo luận tại tổ về dự thảo Nghị quyết thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh, nhiều đại biểu Quốc hội TP Hà Nội đều đồng tình với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết.

Các ĐBQH Hà Nội thảo luận tại tổ.


Để kinh tế không phát triển bình quân, dàn trải

ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng, việc ban hành cơ chế đặc thù đối với TP Hồ Chí Minh (TP HCM) là hoàn toàn cần thiết bởi đó là sẽ là tiền đề tạo ra quy định mang tính đặc thù với nhiều thành phố khác, trong đó có Hà Nội và các địa phương tiềm năng.

Cũng theo đại biểu Lưu Mai, Nghị quyết nên được thông qua tại một kỳ họp để tạo cơ hội phát triển cho TP HCM.

Đại biểu Hoàng Văn Cường bày tỏ e ngại, TP HCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nhưng có nhiều nguồn lực hiện không khai thác được do hạn chế về cơ chế chung. Điển hình là gần đây tuyến Metro số 1 của thành phố triển khai chậm, một trong những lý do là thành phố không được giao cơ chế đầu tư.

Ngoài ra, TP HCM vốn là thành phố năng động theo cơ chế thị trường, sẽ rất thích hợp để thực hiện thí điểm những cơ chế chính sách mới.

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Quốc Bình cũng cho rằng, nền kinh tế của đất nước cần thoát khỏi sự phát triển bình quân, dàn trải, không có chính sách nào để thí điểm, thúc đẩy mũi nhọn cho một khu vực, lĩnh vực hay một cụm kinh tế cụ thể.

Trong khi đó, TP HCM có nền tảng là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có thời kỳ dài phát triển năng động, sáng tạo, đổi mới. Việc tạo điều kiện cho TP HCM có chính sách đột phá, chủ động và phân cấp, phân quyền để thành phố tiếp tục phát triển mạnh hơn nữa, không chỉ cho riêng thành phố mà còn đóng góp vào ngân sách nhà nước. Sau khi thí điểm sẽ rút kinh nghiệm để có những chính sách mới, hoàn thiện cơ chế chính sách, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cả nước.

"Nếu áp dụng những cơ chế, chính sách đặc thù vào TP HCM khi Nghị quyết được thông qua sẽ giúp cải cách thể chế còn mạnh hơn cả với các đặc khu kinh tế, vì có thể triển khai ngay và đạt kết quả" - đại biểu Lê Quân phân tích.

Nằm trong khuôn khổ để bảo đảm hiệu quả

Bên cạnh sự đồng thuận, nhất trí cao, các đại biểu Hà Nội cũng tập trung phân tích về một số cơ chế, chính sách cụ thể, đặc biệt là việc tăng thuế suất như dự thảo Nghị quyết nêu.

Đại biểu Lưu Mai lưu ý, cần cân nhắc thận trọng giữa cái được và cái mất khi điều chỉnh thuế. Qua nghiên cứu toàn bộ quy định về thuế trong Nghị quyết, đại biểu bày tỏ cảm nhận, quy định này có thể đem lại lợi ích trước mắt mà chưa phải là giải pháp lâu dài.

"Việc tăng thuế với hầu hết sắc thuế sẽ giúp tăng thu trước mắt nhưng lại ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Với một số sắc thuế như thuế thu nhập doanh nghiệp thì cần phải cân nhắc để bảo đảm tính định hướng với các chính sách đã ban hành; duy nhất một sắc thuế có thể điều chỉnh, tính khả thi cao là thuế tiêu thụ đặc biệt, đánh vào bia, rượu, thuốc lá để định hướng tiêu dùng. Nên cân nhắc và có sự lựa chọn lĩnh vực tăng thuế chứ không phải tăng tất cả. Ngoài ra, việc rà soát và mở rộng đối tượng chịu thuế sẽ mang lại lợi ích lớn hơn" - đại biểu Mai phân tích.

Đối với phí, nữ đại biểu này cũng đồng tình với việc rà soát để áp dụng tăng một số mức phí nhưng phải bảo đảm sức chịu dựng của nền kinh tế và không tạo áp lực với người chi trả

Liên quan đến nợ công, Nghị quyết nêu, TP HCM được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức trong nước khác và từ nguồn Chính phủ vay ngoài nước về cho thành phố vay lại với mức dư nợ vay không vượt quá 90% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo phân cấp. Theo đại biểu Lưu Mai, đây là bước đột phá, tuy nhiên cần cân nhắc trong mối quan hệ tổng thể, bởi tới đây còn ban hành luật khu hành chính kinh tế đặc biệt.

"Nếu áp mức 90% cho TP HCM và các đơn vị đặc khu, hay Hà Nội tới đây cũng đề xuất mức này thì mức dư nợ của các địa phương vượt quá ngưỡng mà Quốc hội cho phép. Do đó, cần cân nhắc bảo đảm an toàn nợ công và không ảnh hưởng đến mức chung của các địa phương khác, vì TP HCM tăng thì các địa phương khác phải giảm đi..." - đại biểu Lưu Mai phát biểu.

Về hướng đề xuất tăng lương và phụ cấp để thu hút nguồn nhân lực, đại biểu Lưu Mai cho rằng, có thể điều chỉnh bằng phụ cấp khác, còn thang bảng lương nên giữ nguyên, vì đây là quy định nhất quán trong cả nước.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Hoàng Văn Cường băn khoăn, liệu việc tăng thu nhập có đi kèm với việc thay đổi cơ chế về mặt quản lý con người; có khả năng tuyển dụng người tốt và sàng lọc bộ máy hay không? Do đó, đại biểu Cường đề nghị việc tăng lương, phụ cấp phải gắn với cơ chế uỷ quyền, gắn trách nhiệm với các cấp.

Đại biểu Cường mong muốn TP HCM mở rộng đối tượng thu thuế mới, đặc biệt là những lĩnh vực tiềm năng như môi trường; hoặc thuế tài sản, nếu áp dụng tại TP HCM sẽ là thí điểm tốt cho cả nước.

Ngoài ra, thành phố nên thay đổi phương phức thu thuế, quản lý đối tượng đóng thuế áp dụng các tiến bộ khoa học hiện đại, thay vì phương thức thủ công, liên quan đến nhiều giấy tờ như hiện nay.

Đại biểu Lê Quân cũng đề nghị gắn việc tăng lương phải gắn với yêu cầu bảo đảm tỷ lệ chi thường xuyên giảm nhanh hơn tốc độ bình quân cả nước.

"Thực tế ở một số đô thị Việt Nam hiện nay khá tốt nhưng bên trong hạ tầng tổng thể lại chưa tốt. Do đó, Nghị quyết phải bổ sung yếu tố bảo đảm đồng bộ cơ sở hạ tầng và thích ứng với biến đổi khí hậu và thí điểm cơ chế tạo việc làm và giảm tỷ lệ thất nghiệp" - đại biểu Quân kiến nghị.

"Qua nghiên cứu, Nghị quyết còn nặng về tăng thu, thiếu nhiều yếu tố để giúp TP HCM phát triển bền vững. Đó là những yếu tố cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực quản trị thành phố; giải quyết các vấn đề về an ninh trật tự xã hội... Những yếu tố này luôn góp phần thúc đẩy phát triển chứ không hẳn cứ tăng thu, tăng ngân sách thì phát triển tốt" - đại biểu Ngọ Duy Hiểu phân tích.

Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị không tăng mức thuế suất, vì chủ trương chung của cả nước đang hướng tới môi trường đầu tư thu hút hơn. Trong thu hút đầu tư nên hạn chế các nhà đầu tư áp dụng công nghệ lạc hậu, đòi hỏi số lượng lao động quá nhiều, gây quá tải hạ tầng cho thành phố.

"Việc tuyển dụng cán bộ theo hướng thu hút nhân lực chất lượng cao nên áp dụng hình thức thi chọn đúng người tài chứ không bằng cách thi công chức như hiện tại của chúng ta, nhiều thí sinh chỉ cần nghe trình tự thi thì đã sợ về cơ quan hành chính.

Ngoài ra, cũng nên thử nghiên cứu để thành phố được áp dụng thí điểm cho một cán bộ công chức tại một số ngành, lĩnh vực, cơ quan, một số vị trí việc làm được làm việc tại nhà mà không phải đến cơ quan. Nhiều cán bộ ở một số lĩnh vực một tuần có thể đến cơ quan 1-2 lần để hạn chế ách tắc, tai nạn giao thông, tiết kiệm điện, nước và phù hợp với xu hướng của thời đại công nghệ thông tin, trong khi hiệu quả công việc vẫn tốt" - đại biểu Ngọ Duy Hiểu nêu thêm một số gợi ý.

Đầu tàu mà đi chậm thì các toa phía sau sẽ chậm theo

Cho ý kiến vào dự thảo Nghị quyết này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, TP HCM là đơn vị thu ngân sách lớn nhất nước, tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương cũng đứng đầu. 

Thế nhưng, hiện nay TP HCM chỉ được giữ lại 18% tất cả các khoản thu, 82% đóng về Trung ương. Số khoản thu được để lại so với thời điểm trước năm 2017 đã bị giảm 5%.

Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để thành phố điều tiết dưới 20% thì sẽ phát triển chậm. “Đã là đầu tàu của cả nước, là động lực mà đi chậm thì các toa phía sau sẽ chậm theo. Nên, quy định cơ chế đặc thù không phải cho TP HCM mà cho cả nước”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Liên quan đến nội dung cụ thể của cơ chế đặc thù cho TP HCM, Chủ tịch Quốc hội đồng tình với việc giao quyền quản lý đất trồng lúa từ 10 ha trở lên, từ thẩm quyền của Thủ tướng sang cho HĐND TP HCM để phân cấp mạnh hơn, đón đầu những dự án từ đầu tư lớn.

Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, có nhiều loại thuế tăng hợp lý như thuế bảo vệ môi trường, xả rác; thuế tiêu thụ đặc biệt như rượu bia, mỹ phẩm xa xỉ… Tuy nhiên, không nên tăng tất cả các loại thuế, làm mất đi tính cạnh tranh của thành phố. Theo Chủ tịch Quốc hội, cần lựa chọn một số chính sách thuế mà thành phố đang phải chịu gánh nặng.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đồng ý để TP HCM được dự toán ngân sách thành phố trên cơ sở Quốc hội giao tổng thu, tổng chi. 

"Hiện nay, nếu theo cơ chế đặc thù, TP HCM được dư nợ không quá 90%, tăng thêm 20% so với quy định cũ. Với GDP và thu ngân sách của TP HCM thì mức dư này có thể chấp nhận được và được tính toán là không tác động tới nợ công" - Chủ tịch Quốc hội khẳng định.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dự thảo cơ chế đặc thù cho TP HCM: Nặng về tăng thu, thiếu yếu tố phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.