Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một năm ổn định chỉ số giá tiêu dùng

Hồng Sơn| 08/12/2017 07:18

(HNM) - Chưa đầy một tháng nữa là kết thúc năm kế hoạch 2017, với đánh giá tổng hợp các chỉ tiêu kinh tế quan trọng; trong đó có chỉ tiêu chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm.


Người tiêu dùng yên tâm với diễn biến giá cả thị trường trong năm 2017.Ảnh: Sơn Hà


Chỉ số giá tăng vừa phải

Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số CPI tháng 11-2017 tăng 0,13% so với tháng trước và tăng 2,62% so với cùng kỳ năm ngoái. CPI bình quân của 11 tháng qua tăng 3,61% so với cùng kỳ. Như vậy, có thể nhận định rằng tình hình tương đối khả quan, bởi vẫn còn “dư địa” so với chỉ tiêu kế hoạch từ đầu năm là 4% và hứa hẹn sẽ trong "mức an toàn". Trong khi đó, hiện chỉ còn một tháng nữa để CPI có thể “nhảy múa” hoặc gây ra sự lo ngại nào đó trước khi kết thúc năm 2017.

Tuy nhiên, cần phân tích kỹ các diễn biến, nguyên nhân kích đẩy CPI trong thời gian gần đây để rút ra bài học kinh nghiệm cũng như có biện pháp điều chỉnh, quản lý hiệu quả. Trong đó, một số nhóm hàng có sức chi phối lớn đối với CPI như nhiên liệu, lương thực, thực phẩm, dịch vụ y tế và giáo dục... cần được “soi” kỹ.

Có thể lấy diễn biến CPI tháng 11 làm ví dụ, khi trong tháng có 2 lần xăng dầu bán lẻ (đầu vào của nhóm giao thông) tăng giá, lập tức đẩy chỉ số giá của nhóm giao thông tăng mạnh là 0,68% so với tháng trước. Bên cạnh đó, mưa lũ kéo dài, liên tục tại một số tỉnh miền Trung đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến kết quả sản xuất nông nghiệp. Từ đó, gây ra thực tế tăng giá lương thực thực phẩm tại khu vực này cũng như gián tiếp ảnh hưởng đến các địa phương khác - là yếu tố gây ra sự tăng giá của nhóm này.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho biết, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến CPI tháng 11 tăng là hai yếu tố trên. Ngoài ra, sự tăng giá dịch vụ y tế với đối tượng không có thẻ bảo hiểm tại một số địa phương cũng kéo chỉ số giá nhóm y tế tăng đáng kể - ở mức 0,23%...

Trong tầm kiểm soát

Dự báo về CPI tháng 12, bà Đỗ Thị Ngọc cho rằng, CPI có thể tiếp tục tăng, nhưng là tăng nhẹ so với tháng 11, chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng gia tăng trong dịp cuối năm; nhưng nhìn chung khó xảy ra biến động lớn. Cơ sở để dự đoán là, Chính phủ cùng các cơ quan quản lý đang làm tốt công tác điều hành vĩ mô, tập trung các biện pháp nhằm ổn định tình hình, nhất là chính sách tài chính - tiền tệ đang phát huy tác dụng trên diện rộng; nhìn chung bảo đảm quan hệ cung - cầu lành mạnh, cân đối. Từ đó, tốc độ lạm phát cả năm nay sẽ trong mức kiểm soát.

Song, cũng cần lưu ý diễn biến của thị trường nhiên liệu thế giới. Nếu giá xăng dầu tăng thì nhiên liệu trong nước sẽ tăng; từ đó kích đẩy CPI tăng theo. Tuy nhiên, kể cả tình huống đó xảy ra, CPI vẫn sẽ trong mức cho phép bởi dư địa còn khá nhiều trong khi mức chi phối của xăng dầu (thường chiếm khoảng 10% CPI) không đủ sức đẩy CPI tăng vọt ngoài khả năng kiểm soát. Các nhóm hàng khác như may mặc, giày dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; đồ uống và thuốc lá... có thể tăng nhưng chỉ tăng nhẹ.

Trong khi đó, một vài nhóm hàng hóa dịch vụ đang và sẽ khó tăng giá gồm bưu chính viễn thông, nhà ở và vật liệu xây dựng; hoặc có thể giảm do hết “cơ hội” để tăng. Nguyên nhân là thị trường bất động sản đang trong thời kỳ dồi dào nguồn cung trong khi các dịch vụ viễn thông đang chạy đua nâng cao chất lượng phục vụ kết hợp với giảm giá cước trên diện rộng.

Các cơ quan chức năng, nhất là lực lượng quản lý thị trường cần tập trung, tăng cường số lượt kiểm tra, kiểm soát trên thị trường; đặc biệt là triển khai các cuộc kiểm tra liên ngành kết hợp kiểm tra chuyên ngành, nhắm vào một số địa bàn “nóng” về buôn lậu, hàng giả như biên giới phía Bắc, Tây Nam hoặc vùng biển. Trong đó, chú ý thắt chặt quản lý đối với những mặt hàng có nhu cầu cao, tăng mạnh vào dịp Tết như rượu, thuốc lá, bia, quần áo, mỹ phẩm... Một khi làm tốt công tác quản lý thị trường sẽ đạt hai mục tiêu là: Bảo vệ sản xuất của doanh nghiệp chân chính kết hợp tiêu dùng lành mạnh đồng thời phòng tránh tình trạng sốt ảo, thổi giá lên cao bất hợp lý. Từ đó, sẽ góp phần bình ổn giá, chống lạm phát. Ngoài ra, sở công thương các tỉnh, thành phố hiện đang đôn đốc đơn vị thương mại, siêu thị trên địa bàn đẩy nhanh tốc độ triển khai phương án tồn trữ hàng hóa theo chủ trương chung để bảo đảm đủ số lượng hàng cũng như bình ổn giá; thậm chí sẵn sàng can thiệp, “kéo” giá xuống nếu xảy ra hiện tượng găm hàng, tăng giá đột xuất từ phía tư thương.

Về phía người tiêu dùng, nhìn chung đều tỏ ra khá hài lòng với diễn biến giá cả thị trường trong năm 2017. Trước hết, nguồn cung các loại hàng hóa và dịch vụ ổn định, không có biến động đột xuất hay tình trạng khan hàng ảo, đẩy giá tăng bất hợp lý. Chị Đào Thị Thảo, ở Khu đô thị Văn Quán, cho biết, dù dịp Tết Dương lịch sắp đến và nhất là Tết Nguyên đán Mậu Tuất được nghỉ nhiều ngày nhưng hàng hóa trên thị trường luôn phong phú về chủng loại, giá phải chăng và dễ mua nên gia đình chị sẽ chỉ mua vừa đủ để bảo đảm đồ ăn, thức uống được tươi ngon. Nếu có nhu cầu sẽ mua bổ sung, chứ không tập trung mua sắm nhiều, liền một lúc để tránh quá tải và mất nhiều thời gian vào dịp lễ Tết như các năm trước đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một năm ổn định chỉ số giá tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.