Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần coi trọng việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu

Thanh Hiền| 07/03/2018 07:17

(HNM) - Thương hiệu là tài sản vô giá của doanh nghiệp. Thậm chí, tại nhiều doanh nghiệp, giá trị thương hiệu còn lớn hơn tài sản vật chất. Thế nhưng, đến nay vẫn còn không ít doanh nghiệp Việt Nam chưa coi trọng việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu.

Thương hiệu là yếu tố quan trọng hàng đầu để khách hàng nhận diện, lựa chọn sản phẩm. Ảnh: Thái Hiền


Thiếu cả năng lực và kinh nghiệm

Sau hơn 8 năm triển khai, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã góp phần thay đổi nhận thức và hành vi tiêu dùng của người Việt Nam. Theo Ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” TP Hà Nội, mức độ quan tâm của người tiêu dùng với hàng Việt đang tăng mạnh, khi 90% người tiêu dùng được hỏi trả lời có quan tâm đến cuộc vận động; 70% người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam. Tại nông thôn, người dân đã dần quen dùng và ưa chuộng hàng sản xuất trong nước. Nhiều doanh nghiệp ý thức được việc đầu tư sản xuất phục vụ thị trường trong nước là đầu tư có hiệu quả và phải thực hiện bài bản. Từ đó, doanh nghiệp chủ động thay đổi công nghệ, áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, thực hiện tốt việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…

Tuy nhiên, bên cạnh những nỗ lực đáng ghi nhận nói trên, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, xây dựng thương hiệu đang là điểm yếu của không ít doanh nghiệp Việt Nam. Hiện có hơn 90% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, cơ bản còn thiếu năng lực phát triển thương hiệu và không coi đây là một công cụ kinh doanh đúng nghĩa, thậm chí chưa nhận thức đầy đủ vai trò quan trọng của thương hiệu. Điều này cản trở thương hiệu Việt Nam tìm chỗ đứng trên thị trường nội địa khi cạnh tranh với hàng hóa nhập khẩu và sản phẩm của các công ty đa quốc gia khác.

Là một nước nông nghiệp, Việt Nam có nhiều nông sản được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Vậy nhưng, theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga, điểm khó trong việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông sản hiện nay nằm ở nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như doanh nghiệp sản xuất các hàng hóa đặc sản. Nhiều doanh nghiệp do chính nông dân đứng ra tổ chức nên còn manh mún và thiếu vốn, chưa có nhiều kinh nghiệm.

Đồng tình với quan điểm này, Phó Tổng Giám đốc Hệ thống siêu thị Big C Thăng Long Nguyễn Thái Dũng cho rằng, việc xây dựng thương hiệu nông sản nếu chỉ do từng hộ dân, từng trang trại làm sẽ không hiệu quả bằng việc các cơ quan xúc tiến thương mại và doanh nghiệp cùng vào cuộc. Các doanh nghiệp trong nước cũng cần phải lớn lên, tự mình thay đổi, ứng dụng công nghệ mới để nâng cao thương hiệu của mình...

Xây dựng niềm tin của khách hàng

Trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp "nội" với doanh nghiệp "ngoại" sẽ diễn ra ngày càng khốc liệt hơn. Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho rằng, để nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu Việt trong hội nhập quốc tế, cần đẩy mạnh kết nối cung cầu giữa nhà sản xuất trong nước với các doanh nghiệp phân phối có vốn đầu tư nước ngoài. Trên cơ sở đề án thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu trực tiếp vào các mạng phân phối nước ngoài giai đoạn đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (theo Quyết định số 1513/QĐ-TTg ngày 3-9-2015), giúp doanh nghiệp tăng quy mô kim ngạch, đa dạng chủng loại các hàng hóa xuất khẩu, tham gia các hoạt động kết nối cung cầu trong và ngoài nước...

Đặc biệt, cần thúc đẩy doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối tham gia đầu tư sản xuất để xuất khẩu hàng hóa Việt Nam vào hệ thống phân phối ở nước ngoài. Thời gian qua, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sở hữu thương hiệu bán lẻ lớn như Big C, Lotte Mart, Aeon… đã tích cực tham gia đề án để gia công hàng hóa thương hiệu của hệ thống bán lẻ, hoặc hỗ trợ các doanh nghiệp đưa hàng hóa sản xuất tại Việt Nam trực tiếp vào hệ thống phân phối tại nước ta. Đồng thời, đẩy mạnh xuất khẩu vào hệ thống bán lẻ cùng thương hiệu trên toàn cầu với tổng giá trị hàng hóa tiêu thụ trong nước và xuất khẩu hằng năm lên đến hàng tỷ USD, tập trung vào các nhóm chế biến ngành nông - lâm - thủy sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng.

Với sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường hiện nay, niềm tin của khách hàng là rất quan trọng.

Đây là tài sản lớn, giống như một nguồn vốn của xã hội, niềm tin càng cao, nguồn vốn xã hội càng lớn sẽ góp phần cho doanh nghiệp ngày càng bền vững. Ông Nguyễn Bá Long, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Xuất nhập khẩu bao bì Hoàng Long (quận Long Biên) cho rằng, xây dựng thương hiệu trên nền tảng thực chất của doanh nghiệp là rất cần thiết. Vì vậy, cần nâng cao nhận thức và xác định rõ trách nhiệm của người sản xuất, doanh nhân, doanh nghiệp, nhà quản lý trong quá trình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Phải loại bỏ được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đổ lỗi, chụp giật trong sản xuất, kinh doanh. Ngày nay, với sự phát triển của mạng xã hội và công nghệ thông tin, doanh nghiệp không cần tốn quá nhiều chi phí, chỉ cần làm đúng luật, biết khai thác và tận dụng công nghệ sẽ xây dựng được niềm tin và thương hiệu với khách hàng.

Các hiệp định thương mại tự do được ký kết sẽ giúp doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội rất lớn để vươn ra thị trường thế giới với mức thuế ưu đãi. Vì vậy, việc doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng và bảo vệ thương hiệu không chỉ là chuyện quảng bá, mà ẩn sâu bên trong là uy tín và chất lượng sản phẩm phải đáp ứng chuẩn mực quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần coi trọng việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.