Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quả ngọt trên vùng đất khó

Thúy Nga| 13/04/2018 06:19

(HNM) - Dải đất trước kia bạt ngàn ngô, sắn nằm hai bên đường từ TP Sơn La đến huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La), nay đã nhường chỗ cho vườn cây trái ngọt trĩu quả.


Những vườn cây tiền tỷ

Anh Đỗ Xuân Khởi, ở bản Hoa Mai (xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) là người đầu tiên trong huyện dám chuyển đổi từ trồng cà phê, mía, hương nhu sang cây ăn quả. Anh nhớ lại: "Từ năm 1994, tôi bắt đầu trồng cam xen với cà phê. Năm nào có sương muối, năm ấy cà phê lại cháy rũ. Chật vật, tìm tòi, tôi nhận thấy cây có múi phù hợp với điều kiện khí hậu, nhất là chịu được sương muối nên cách đây 5 năm, tôi đã chuyển dần 1,4ha cà phê sang trồng cam Vinh, bưởi da xanh, bưởi Diễn, chanh leo... Quyết tâm làm theo hướng mới, ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất nên bước đầu cho thu nhập khá".

Gia đình anh Đỗ Xuân Khởi (bản Hoa Mai, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La) thu nhập cao từ trồng cây ăn quả.


Dẫn chúng tôi tham quan một vòng khu vườn trồng 400 gốc cam Vinh V1, V2, cam Thái không hạt, 200 gốc bưởi da xanh, bưởi Diễn, anh Khởi hồ hởi khoe: "Lúc đầu bắt tay vào làm, cũng không dám tin mình sẽ thành công". Hiện nay, toàn bộ diện tích trồng cây ăn quả của gia đình anh Khởi đều áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP) và ứng dụng phương pháp tưới nước nhỏ giọt được bố trí ngầm trong lòng đất theo công nghệ của Israel. Hệ thống tưới này còn kiêm luôn nhiệm vụ bón phân cho cây trồng. "Chi phí ban đầu khá cao, khoảng 124 triệu đồng/ha, gồm cả giống, phân bón, tiền công và vất vả hơn so với phương pháp trồng cây ăn quả truyền thống, nhưng bù lại cho thu nhập khá, khoảng 1 tỷ đồng/ha” - anh Khởi chia sẻ. Bên cạnh đó, anh còn ươm, bán cây giống để có thêm thu nhập.

Ông Phạm Văn Khánh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Chiềng Ban, là người nhiều năm lăn lộn với mảnh đất này cho biết: "Trước đây, địa phương vận động nông dân trồng cây hương nhu lấy tinh dầu, rồi trồng cây dâu tằm, cây mía nhưng đều thất bại. Kiên trì đưa ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, đến nay mảnh đất này đang khoác lên mình tấm áo mới". Qua lời ông Khánh, chúng tôi được biết, toàn xã Chiềng Ban đã mở rộng được gần 500ha trồng cây ăn quả tập trung ở các bản Hợp 2, Hợp 3, Củ 2, Hoa Mai, Phiêng Quài… cho thu nhập hơn 1 tỷ đồng/ha. Kinh tế phát triển, Chiềng Ban là một trong 3 xã đầu tiên của tỉnh Sơn La được công nhận xã nông thôn mới.

Những dấu ấn rõ nét

Sau 5 năm trở lại, đứng trên mỏm đồi của cao nguyên Nà Sản, phóng tầm mắt ra xa, chúng tôi vẫn không thể bao quát hết cả vùng trồng cây ăn quả bạt ngàn của huyện Mai Sơn. Hơn 2.700ha cây ăn quả các loại với sản lượng hằng năm đạt gần 20.000 tấn quả ở đây là những mảnh ghép tạo nên bức tranh nông thôn mới trù phú và rực rỡ. Riêng xã Hát Lót có gần 550ha trồng nhãn, bưởi Diễn, bưởi da xanh, ổi Đài Loan và xoài Australia, trong đó có 300ha đã cho thu hoạch với sản lượng đạt 7.000 tấn/năm.

Ở Mai Sơn, người dân đều ủng hộ cách làm của chính quyền địa phương là thành lập các hợp tác xã, góp vốn, góp đất, nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Chẳng hạn như Hợp tác xã Ngọc Lan (xã Hát Lót), ban đầu thành lập chỉ vài hộ tham gia, về sau số hộ đăng ký tự nguyện vào hợp tác xã đông dần và hiện nay có 25 hộ chuyên trồng cây ăn quả với diện tích 170ha, trong đó có 70ha trồng xoài Australia và 40ha trồng bưởi da xanh theo tiêu chuẩn VietGAP. Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Chủ nhiệm Hợp tác xã Ngọc Lan cho hay: "Để xã viên yên tâm sản xuất, chúng tôi đảm nhận toàn bộ các khâu: Cung ứng vật tư, phân bón, giống, phòng trừ sâu bệnh và bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho nông dân... Năm 2017, Hợp tác xã Ngọc Lan bắt đầu hợp tác với doanh nghiệp xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc nên xã viên rất vui và yên tâm hơn trong đầu tư, sản xuất...".

Nói về thành tựu phát triển nông nghiệp của địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất cho biết, thực hiện chủ trương đưa cây ăn quả lên vùng đất dốc, Sơn La đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất. Đến nay, Sơn La có hơn 44.668ha trồng cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao như: Nhãn, xoài, bơ và các loại cây ăn quả có múi. Đáng mừng là sản phẩm trái cây của tỉnh đã được xuất khẩu tới các thị trường lớn, “kỹ tính”, như: Mỹ, Pháp, Thụy Sĩ, Australia, Hàn Quốc... Đến thời điểm này, trồng cây ăn quả vẫn là hướng đi cho lợi nhuận cao. Chỉ cần một vụ “được mùa - trúng giá”, nông dân huyện Mai Sơn nói riêng, tỉnh Sơn La nói chung đều thu về tiền tỷ...

“Diện tích cây ăn quả của tỉnh đang tăng trưởng nhanh. Toàn tỉnh có 6 tập đoàn kinh tế lớn như: TH True Milk, Công ty cổ phần Mộc Châu... đầu tư nhà máy chế biến trái cây xuất khẩu. Đã có 9 sản phẩm nông sản được cấp văn bằng bảo hộ, 86 sản phẩm được cấp chứng nhận VietGAP, 47 chuỗi sản xuất liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn. Chính vì vậy, tỉnh Sơn La đang rà soát, giữ nguyên diện tích trồng cây ăn quả hiện có, đồng thời hỗ trợ, thu hút đầu tư, chú trọng quảng bá, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm” - Bí thư Tỉnh ủy Sơn La Hoàng Văn Chất khẳng định.

Sự hội tụ của ý chí và nỗ lực vượt khó, dám nghĩ, dám làm, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã giúp Sơn La phủ kín màu xanh cây trái. Thành quả này không chỉ góp phần để Sơn La “tiến kịp miền xuôi” mà còn đáng để nhiều địa phương trong cả nước tham khảo, áp dụng những kinh nghiệm quý trong sản xuất nông nghiệp...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quả ngọt trên vùng đất khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.