Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thay đổi ý thức của người tiêu dùng

Duy Biên| 15/11/2017 07:01

(HNM) - “Đến hẹn lại lên”, những tháng cuối năm, nhất là dịp cận Tết Nguyên đán khi nhu cầu thị trường tăng cao cũng là thời điểm “vàng” của hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại...

Vấn nạn buôn lậu, gian lận thương mại không những làm thất thu ngân sách, làm suy yếu nền kinh tế, mà còn tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, nảy sinh tệ nạn tham nhũng. Hiện nay, hầu như không có nhóm hàng hóa nào không bị làm giả, từ mỹ phẩm, hàng tiêu dùng, điện tử, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, vật liệu xây dựng, rượu bia, nước giải khát, đồ chơi… Hàng lậu, hàng cấm được vận chuyển theo các đường dây, ổ nhóm, cấu kết từ các tỉnh biên giới vào nội địa bằng nhiều hình thức tinh vi, nhằm qua mặt cơ quan quản lý.

Mặc dù cơ quan chức năng có nhiều nỗ lực nhưng thời gian qua, vấn nạn hàng lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, luôn có chiều hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu là do sức sản xuất trong nước còn nhỏ, sức cạnh tranh yếu, luật pháp còn thiếu đồng bộ, phân định trách nhiệm chưa rõ ràng, đường biên giới đất liền dài, địa hình phức tạp; đặc biệt là còn tình trạng thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, kiểm tra đôn đốc, xử lý; sự phối hợp giữa các lực lượng chức năng chưa chặt chẽ…

Tuy vậy, không thể không đề cập đến sự “dễ dãi” của một bộ phận người tiêu dùng, chỉ vì tham giá rẻ nên sẵn sàng tiêu thụ sản phẩm dù biết là hàng lậu, hàng nhái. Có cầu ắt có cung, khi hàng lậu tiêu thụ dễ dàng thì đầu nậu luôn tìm mọi cách để đưa hàng vào thị trường.

Để đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thực sự hiệu quả, vai trò hàng đầu vẫn là các cơ quan chức năng, cần tăng cường phối hợp mở các đợt cao điểm, lập chốt chặn tại điểm nóng vào những tháng cao điểm dịp cuối năm. Việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát tại các cửa khẩu biên giới sẽ hạn chế được hàng kém chất lượng, không xuất xứ được nhập khẩu bằng đường chính ngạch, tiểu ngạch cũng như buôn lậu tuồn vào Việt Nam. Trong thị trường nội địa cần tăng kiểm soát, không để các mặt hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc lưu thông trên thị trường; tập trung “phá” cho được những đường dây, ổ nhóm buôn lậu, làm hàng giả, nhất là nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu, tránh ảnh hưởng xấu đến nền kinh tế của đất nước.

Cùng với đó, các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn cần chỉ đạo và thực thi nghiêm quy định của pháp luật, chú trọng nâng cao phẩm chất và năng lực đội ngũ cán bộ chuyên trách, quản lý thị trường; kết hợp chặt chẽ với các hiệp hội, các doanh nghiệp, cơ quan truyền thông và người tiêu dùng để công tác đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, xâm phạm sở hữu trí tuệ đạt hiệu quả.

Thực tế cho thấy, dù lực lượng chức năng “căng mình” đến bao nhiêu cũng khó đủ sức ngăn được hàng lậu, hàng giả tràn vào thị trường nếu mỗi người tiêu dùng, người sản xuất, kinh doanh không có ý thức cùng tham gia phòng, chống. Hiện nay, người tiêu dùng đã chú trọng hơn đến chất lượng và thương hiệu hàng hóa, thay vì chỉ quan tâm đến giá cả như trước đây. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện về tài chính và kiến thức để có thể tiếp cận và sử dụng các sản phẩm hàng hóa chất lượng cao.

Do đó, việc tăng cường tuyên truyền, thúc đẩy thay đổi nhận thức, hành vi của mỗi người dân, trở thành “người tiêu dùng thông thái” là điều đặc biệt quan trọng; bản thân mỗi người dân phải kiên quyết “nói không” với hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Cơ quan chức năng cần dựa vào nhân dân nhằm tạo ra một mạng lưới “tai mắt” sắc sảo, rộng lớn; có biện pháp đấu tranh đồng bộ, kiên quyết sẽ mang đến hiệu quả thiết thực hơn. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thay đổi ý thức của người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.