Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì cuộc sống bình yên

Chí Kiên| 08/12/2017 06:55

(HNM) - Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những nỗi lo về bom, mìn ở Việt Nam vẫn còn đó. Vì cuộc sống bình yên của nhân dân, trong những năm qua, các cấp, các ngành và người dân trên mọi miền Tổ quốc đã làm hết sức mình để hàn gắn vết thương do chiến tranh để lại...


Những thương vong do bom, mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh gây ra đã trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người dân. Chúng ta càng thấy đau xót, trăn trở khi những nạn nhân của bom, mìn trong thời bình lại chủ yếu là trẻ em và lao động chính trong mỗi gia đình. Thật khó có thể hình dung và bù đắp hết những mất mát mà các gia đình phải trải qua khi bom, mìn cướp đi người thân, hay có người bị tàn phế suốt đời.

Nỗ lực mang đến cuộc sống bình yên cho nhân dân, hàng chục năm qua, Đảng, Nhà nước đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp khắc phục hậu quả bom, mìn. Trong đó có nhiều việc làm kịp thời, ý nghĩa, như: tập trung rà phá bom, mìn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an toàn cho nhân dân; 100% nạn nhân bom, mìn được giải quyết chế độ chính sách, tặng thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ phục hồi chức năng... Cũng như các địa phương khác, tại Hà Nội, với trách nhiệm cao nhất, những năm qua, lực lượng chức năng đã tập trung rà phá, vô hiệu hóa hàng nghìn loại bom, mìn; làm sạch hàng trăm hécta đất ô nhiễm bom, mìn. Đặc biệt, từ năm 2012, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã hoàn thành Dự án "Điều tra, khảo sát, lập bản đồ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ trên phạm vi toàn quốc" tại 30 quận, huyện, thị xã.

Để đạt được những kết quả kể trên, không thể không kể đến công lao thầm lặng của lực lượng rà phá bom, mìn, những chiến sĩ công binh, cộng tác viên dũng cảm thời hậu chiến. Họ đã không quản hiểm nguy, xông pha vào "trận địa thời bình" để mang lại những vùng đất bình yên cho đồng bào mình; giúp đỡ những mảnh đời không may bị bom, mìn cướp đi một phần thân thể...

Nhưng, nhiệm vụ của họ vẫn chưa thể kết thúc khi trên đất nước Việt Nam đến nay vẫn còn sót lại khoảng 800 nghìn tấn bom, mìn chưa nổ - một con số khiến nhiều người không khỏi lo lắng, bất an. Có không ít hệ lụy khôn lường, khiến nhiều người phải đối mặt với nguy cơ mất an toàn do bom, mìn và rộng hơn là rào cản cho phát triển kinh tế - xã hội…

Công tác khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ vô cùng khó khăn và phức tạp, không thể ngày một, ngày hai có thể hoàn thành. Vì vậy, đòi hỏi trước mắt cũng như lâu dài là phải coi trọng việc phối hợp giữa các bộ, ngành và chính quyền các cấp trong tuyên truyền, giáo dục phòng, tránh tai nạn bom, mìn, nhất là với trẻ em; đồng thời nâng cao nhận thức cho người dân về cách thức ứng xử khi phát hiện bom, mìn, vật nổ. Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ tai nạn bom, mìn là do trẻ em đùa nghịch; người dân cưa, đục để lấy phế liệu, thuốc nổ...

Cùng với đó, lực lượng chức năng cần tiếp tục tích cực triển khai công tác rà phá bom, mìn, ưu tiên các địa phương có mật độ ô nhiễm bom, mìn, vật nổ ở mức cao như ở miền Trung, Tây Nguyên...; hỗ trợ phục hồi chức năng, thúc đẩy các mô hình giáo dục chuyên biệt, tạo sinh kế, tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bom, mìn…

Trong bối cảnh việc khắc phục hậu quả bom, mìn, vật nổ có thể mất tới hàng trăm năm, trong khi nguồn lực của chúng ta còn hạn chế, việc huy động sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là đẩy mạnh công tác vận động, xúc tiến ký kết, triển khai tài trợ quốc tế từ chính phủ các nước, tổ chức quốc tế cũng vô cùng quan trọng và cần thiết.

Vì cuộc sống bình yên của hàng triệu người dân ở vùng ô nhiễm bom, mìn, rất cần sự chung tay vào cuộc tích cực, trách nhiệm, chủ động hơn của mỗi cá nhân và toàn xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì cuộc sống bình yên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.