Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 2: Những người giữ lửa thầm lặng

Quỳnh Dương| 08/09/2017 06:40

(HNM) - Giữa vòng xoáy lo toan để hội nhập cuộc sống xa xứ, thật may mắn và tự hào khi nhiều người vẫn đau đáu với việc giữ gìn bản sắc văn hóa và truyền thống dân tộc...

Một buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ Tiếng Việt tại Malaysia.


Giáo viên đến với nghề bằng chữ tâm

“Tiếng Việt còn trong mọi người/Hồn Việt mình còn nguyên vẹn tròn” - đây là những ca từ trong bài hát “Thương ca tiếng Việt” của nhạc sĩ Đức Trí mà các học viên biểu diễn tại lễ bế mạc Khóa tập huấn giảng dạy tiếng Việt cho giáo viên người Việt Nam ở nước ngoài mới đây tại Hà Nội. Đây cũng là tiếng lòng của hàng nghìn thầy cô giáo đang nỗ lực gìn giữ tiếng mẹ đẻ ở các cộng đồng người Việt trên toàn thế giới. Trong số họ, có những người đã trên 70 tuổi, có những người trước đây chưa từng qua khóa đào tạo nào về nghiệp vụ sư phạm, nhưng đối với các bậc phụ huynh và học sinh, họ xứng đáng với tên gọi nhà giáo chân chính. Các thầy cô đã đến với nghề bằng cả chữ tâm và chữ nhẫn vì với một công việc hoàn toàn thiện nguyện, không có lương bổng, lại phải đối mặt với nhiều khó khăn, nếu không có một trái tim nhiệt huyết sẽ khó có thể gắn bó lâu dài.

Các cô giáo của Câu lạc bộ (CLB) Tiếng Việt ở Kuala Lumpur (Malaysia) là một ví dụ. Theo cô giáo trợ giảng Phạm Thị Trinh, CLB Tiếng Việt được thành lập và hoạt động gần 1 năm qua là sự nỗ lực của các thành viên Câu lạc bộ Phụ nữ. Công việc giảng dạy ở đây hiện gặp rất nhiều khó khăn. Dù có 2 cô giáo chính quy chuyên ngành Văn - Tiếng Việt đứng lớp nhưng vì lứa tuổi, trình độ tiếng Việt của học sinh không đồng đều nên trong một buổi học phải chuẩn bị nhiều nội dung giảng dạy để phù hợp với trình độ từng người. Bên cạnh đó, do ở Malaysia sử dụng 3 ngôn ngữ chính gồm tiếng Malaysia, tiếng Hoa, tiếng Anh nên trong lớp học thường xuyên phải có thêm 3 đến 4 cô giáo trợ giảng, mỗi người nói thạo 1 thứ tiếng, mới có thể chuyển tải được nội dung giảng dạy cho học sinh.

Khó khăn đáng kể là suốt 10 tháng qua, cô trò của CLB Tiếng Việt ở Malaysia vẫn chưa tìm được địa điểm ổn định để tổ chức lớp học lâu dài. Các buổi học đều diễn ra tại phòng khách của nhà chị Trúc Linh, một thành viên CLB Phụ nữ. Chị Linh chia sẻ: Việc mở lớp học tiếng Việt là mong muốn của bà con Việt kiều ở Malaysia từ rất lâu. Nếu đợi tìm được nhà tài trợ hảo tâm thì còn lâu mong muốn này mới trở thành hiện thực. Chị Linh cũng có nhiều băn khoăn về tương lai của CLB. Hiện tại lớp học mới có 25 em, được chia làm 2 ca. Nếu số lượng học sinh tăng lên, phòng khách nhà chị Linh sẽ không còn đủ không gian để tiếp nhận. Trang thiết bị giảng dạy hiện nay cũng còn thiếu thốn vì hầu hết sách vở, giáo cụ đều do giáo viên và phụ huynh đóng góp. Lớp học lại chưa có quỹ để hoạt động. Chị Linh hy vọng, trong thời gian tới, CLB Tiếng Việt sẽ nhận thêm sự giúp đỡ từ Chính phủ Việt Nam và các nhà hảo tâm để có thể hoạt động lâu dài, đồng thời được nhân lên ở nhiều khu vực khác ở Malaysia.

Kiên trì bám trường, bám lớp

So với CLB Tiếng Việt ở Malaysia thì Trường tiếng Việt Sao Mai ở Berlin (Đức) “khang trang” hơn nhưng cũng chỉ là 3 phòng học nhỏ cùng trang thiết bị sơ sài nằm trong Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương. Đội ngũ giáo viên của trường cũng khiêm tốn với 3 cô dạy tiếng Việt, 1 cô dạy múa. Vậy mà, suốt 11 năm qua, có lúc số học trò lên tới 130 em, các cô vẫn kiên trì bám trường, bám lớp.

Cô giáo Nguyễn Thanh Tâm, Trường tiếng Việt Sao Mai ở Berlin kể, vì hầu hết học sinh nói được rất ít tiếng Việt nên phương pháp giảng dạy không thể áp dụng theo cách dạy chữ cho trẻ lớp 1 như ở Việt Nam. Ngoài ra, do nhiều em không có điều kiện theo lớp học lâu dài, nên các cô giáo ở đây đã tìm cách làm sao cho học trò nói được tiếng Việt một cách nhanh nhất. “Chúng tôi đã mang tất cả những gì có thể tới lớp học, từ đồ ăn tới quần áo, vật dụng tự chế, dạy các con trò chơi dân gian, những điệu múa trong làn điệu quê hương với mong muốn kéo bọn trẻ gần hơn với cội nguồn, khơi dậy niềm hứng thú học tiếng mẹ đẻ. Đó là một thách thức đòi hỏi người dạy phải kiên nhẫn, tìm tòi, áp dụng cách dạy học khác nhau. Nếu dễ nản chí sẽ không thể theo đuổi công việc khó khăn này”, cô Nguyễn Thanh Tâm bộc bạch.

Với cộng đồng kiều bào ở Campuchia, cái tên thầy Trần Văn Tư, người khởi xướng các lớp học cho trẻ em vùng sông nước Biển Hồ từ năm 1979 khi tham gia quân tình nguyện Việt Nam giải phóng đất nước này đã trở nên quen thuộc. Nhìn cảnh những đứa trẻ thất học, đói khổ phải theo cha mẹ lang thang trên những chiếc thuyền bé tẹo đi xin ăn, thầy động lòng trắc ẩn nên quyết tâm mở lớp dạy học cho các cháu biết cái chữ của cha ông. Sau khi hòa bình lập lại ở Campuchia, thầy Tư trở về Việt Nam làm ăn, nhưng với nỗi trăn trở về số phận những đứa trẻ suốt ngày lênh đênh trên Biển Hồ, thầy đã quay lại Campuchia.

Không chỉ lo cho học trò biết đọc, biết viết, thầy Tư còn lo luôn cả bữa ăn để cha mẹ các em yên tâm kiếm sống. May mắn là sau nhiều năm vận động, nhờ các nhà hảo tâm đóng góp, trước khi phải nghỉ ngơi vì tuổi tác, thầy Tư đã thành lập Trung tâm Giáo dục và Từ thiện nuôi dạy trẻ em nghèo ở Biển Hồ. Trụ sở của trung tâm là một nhà nổi, được cải tạo từ một chiếc bè gỗ cũ nhưng là nơi học tập của hơn 300 em học sinh. Từ chỗ một mình thầy Tư xoay sở, chèo chống thì thời điểm này, nhiều giáo viên đã tình nguyện từ Việt Nam sang kế tục công việc đầy ý nghĩa này.

Vẫn còn nhiều cái tên xứng đáng được nhắc tới như thầy Phan Quốc Lợi, người không những có nhiều đóng góp vào sự nghiệp "gieo chữ" Việt mà còn giúp đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại trường Trung học phổ thông Pathum Thep Vithayakhan, tỉnh Nong Khai (Thái Lan); cô giáo Nguyễn Liên Hương, người đã soạn ra rất nhiều bộ sách giảng dạy tiếng Việt có uy tín ở Đài Loan (Trung Quốc)... Họ đã và đang làm việc bền bỉ, hết mình để nhận được “thù lao” duy nhất là “nhìn thấy thế hệ con em có thể sử dụng thành thạo tiếng mẹ đẻ”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Những người giữ lửa thầm lặng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.