Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng họa sĩ Cổ Đô

Yên Nga| 05/11/2017 08:13

(HNM) - Sớm chớm đông, nắng óng ả rải khắp làng Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì, Hà Nội). Họa sĩ Phan Quang Tùng không có giờ đứng lớp, anh ở nhà hoàn thiện nốt tác phẩm.

Tham quan tranh tại Bảo tàng Mỹ thuật Sĩ Tốt và gia đình.


Làng bảo tàng hội họa

Nhà họa sĩ Phan Quang Tùng nằm ở giữa làng. Ngôi nhà hai tầng khang trang, xanh tươi hoa lá, đem lại cảm giác thanh bình cho bất cứ ai đặt chân đến. Nhưng điều khiến người ta mê mẩn nhất là được tự do thưởng lãm những tác phẩm hội họa của chủ nhà.

Bên giá vẽ, thong thả pha màu, họa sĩ Phan Quang Tùng kể: “Cổ Đô có phong trào dạy và học vẽ từ mấy chục năm nay. Họa sĩ Sĩ Tốt chính là người đầu tiên khởi xướng và truyền tình yêu hội họa cho người làng. Tôi cũng được học vẽ từ khi còn nhỏ, từ những ngày hè theo chân các thầy ra bến sông, cảm nhận cuộc sống xung quanh mình và vẽ, rất tự nhiên".

Họa sĩ Phan Quang Tùng tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm nghệ thuật trung ương, giống như hàng trăm người làng Cổ Đô khác đến tuổi trưởng thành là chọn theo mỹ thuật. Sau đó, anh trở về làng, dạy mỹ thuật tại Trường THCS Phú Đông ở xã bên, là một trong những người sáng lập Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô, tập hợp những họa sĩ sinh ra và lớn lên ở làng này. Hoạt động tự phát một thời gian dài, đến đầu năm 2016 thì câu lạc bộ hoạt động theo hướng chuyên nghiệp.

Câu lạc bộ hiện có hơn 30 hội viên thường xuyên sinh hoạt, trong đó có hơn một nửa là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật Hà Nội. Ngoài ra, nhiều họa sĩ, nhà điêu khắc xuất thân từ Cổ Đô hiện đang sinh sống, học tập, làm việc ở trong và ngoài nước cũng thường xuyên giữ mối liên hệ nghề nghiệp với thành viên trong câu lạc bộ.

Cách nhà Phan Quang Tùng chừng vài trăm mét là Bảo tàng Mỹ thuật Sĩ Tốt và gia đình. Gia đình họa sĩ Sĩ Tốt có nhiều người theo đuổi hoạt động mỹ thuật nhất làng. Cả ba con trai của ông đều nối nghiệp cha, trong đó họa sĩ La Vuông là người nổi bật nhất. Sau khi cha qua đời, La Vuông thành lập bảo tàng mỹ thuật tại gia để trưng bày những tác phẩm nghệ thuật của họa sĩ Sĩ Tốt, của mình và anh em. Đáng quý nhất trong bảo tàng là tác phẩm chì “Tiếng đàn bầu” vang danh của họa sĩ Sĩ Tốt, từng khiến nhà thơ Tố Hữu thốt lên: “Tôi nghe thấy tiếng đàn bầu trong tranh Sĩ Tốt”.

Gần Bảo tàng Mỹ thuật Sĩ Tốt và gia đình là nhà họa sĩ thương binh Nguyễn Ngọc Kũi, cháu ruột họa sĩ Sĩ Tốt. Căn nhà có nhiều tranh, những tủ đựng tác phẩm khắc gỗ, giá vẽ và màu dù ông chủ đã vắng bóng từ nửa năm nay. Bà Nguyễn Thị Chuyện - vợ cố họa sĩ, ngày ngày lau sạch bụi trên từng bức tranh, vật dụng của chồng. Bà cho biết, gia đình sẽ giữ những bức tranh còn lại của ông, vừa để vợi bớt nhớ nhung một người đặc biệt, say sưa với hội họa hết mình dù thương tật, đau yếu, vừa để người yêu mỹ thuật đến tham quan, thưởng lãm.

Thực ra, hơn 800 ngôi nhà ở Cổ Đô hầu như nhà nào cũng có người vẽ tranh. Đa số họa sĩ trong câu lạc bộ đều có phòng tranh, xưởng vẽ riêng tại gia. Bảo tàng làng thường xuyên trưng bày khoảng 300 tác phẩm hội họa, điêu khắc xuất sắc của các hội viên Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô và các họa sĩ xuất thân từ làng. Vào dịp hè, đây là điểm dạy vẽ cho trẻ em trong vùng.

Điểm du lịch độc đáo


Là làng họa sĩ “độc nhất vô nhị”, nơi lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống của mảnh đất cổ nhưng nhiều năm qua lượng khách đến với Cổ Đô còn hạn chế. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ba Vì Nguyễn Đức Nghĩa, mỗi năm Cổ Đô chỉ đón gần 100 đoàn khách du lịch cả trong và ngoài nước do các doanh nghiệp lữ hành đưa đến. Lượng khách vãng lai khá hơn, chủ yếu là sinh viên mỹ thuật, người yêu hội họa và các nhà sưu tầm.

Ông Đỗ Văn Sự, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô cho biết, chính quyền, giới họa sĩ Cổ Đô phải coi trọng quảng bá, giới thiệu và biến nơi đây thành điểm đến du lịch hấp dẫn. Ngoài việc phát huy thế mạnh về mỹ thuật, người dân cần có ý thức cùng nhau xây dựng cảnh quan sạch đẹp. Cổ Đô đang kêu gọi người dân góp ý thực hiện dự án vẽ tranh tường.

“Ý tưởng này xuất phát từ làng bích họa Tam Thanh ở Tam Kỳ, Quảng Nam. Họ thuê người nước ngoài biến những bức tường xám xịt thành bức họa đẹp. Cổ Đô có nhiều họa sĩ nên có thế mạnh để thực hiện dự án này. Bích họa ở Cổ Đô sẽ mang đặc trưng nơi đây, với cảnh xóm chài, bến sông, đồng ruộng, lũy tre, mái đình cổ…”, ông Đỗ Văn Sự chia sẻ.

Sau một buổi khảo sát nhằm phát triển du lịch Cổ Đô, ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Công ty TNHH Tầm nhìn Viễn Á đánh giá, ngoài nét đặc sắc về mỹ thuật thì Cổ Đô cũng là nơi chất chứa không gian văn hóa đặc trưng của vùng Đồng bằng Bắc Bộ mà du khách Châu Âu rất thích.

Tour cho khách đến Cổ Đô vẫn phải có điểm nhấn là mỹ thuật. Lý tưởng nhất là xây dựng được tour đưa khách đến thưởng lãm tác phẩm mỹ thuật tại các bảo tàng, nhà họa sĩ; xem họa sĩ vẽ tranh trực tiếp, thậm chí học nhanh để có thể vẽ một bức tranh cho riêng mình; thưởng thức đặc sản của địa phương, nghỉ lại và sinh hoạt với người dân.

Về điểm này, họa sĩ Phan Quang Tùng chia sẻ, bản thân anh có thể tham gia vào các hoạt động như dạy vẽ nhanh, hoặc vẽ những sản phẩm lưu niệm dành cho khách du lịch khi có thời gian rảnh rỗi. Gia đình anh và một số họa sĩ trong làng có không gian phù hợp, phòng khép kín, có người phục vụ để đón khách đến lưu trú, trải nghiệm cuộc sống cùng họa sĩ.

Ông Nguyễn Hồng Nguyên, đại diện Tổng công ty Du lịch Hà Nội cho rằng, Cổ Đô có tiềm năng phát triển du lịch còn bởi nơi đây nằm trên trục liên kết các điểm đến nổi tiếng như trung tâm Hà Nội, đền Hùng, Đường Lâm, Mai Châu…

“Địa phương phải xác định hai đối tượng chính là khách du lịch nước ngoài muốn tìm hiểu truyền thống văn hóa, nét đặc sắc của làng quê Việt Nam và học sinh đến đây trải nghiệm hoạt động mỹ thuật, để có sự điều chỉnh nhằm phục vụ tốt nhu cầu của từng đối tượng”, ông Nguyễn Hồng Nguyên góp ý.

Để trở thành điểm đến hấp dẫn của Thủ đô trong thời gian tới, Cổ Đô đang có sự thay đổi từng ngày với sự tham gia của chính quyền, họa sĩ và nhân dân. Không lâu nữa, Cổ Đô sẽ có thêm sắc màu mới để đón du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làng họa sĩ Cổ Đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.