Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xem “robot khủng” đào hầm

Gia Bảo| 12/11/2017 07:23

(HNM) - Dưới đường hầm sâu 30m trong lòng đất, ròng rã hơn 5 tháng, máy khiên đào TBM (một robot khổng lồ) đã về đích tại Ga Nhà hát TP Hồ Chí Minh trong niềm vui sướng của đội ngũ Ban Quản lý đường sắt đô thị thành phố và hàng trăm kỹ sư, công nhân công trường đường hầm Nhà ga Metro số 1. Xem “robot khủng” đào hầm, rất nhiều điều đáng để kể lại...

Các kỹ sư Việt Nam, Nhật Bản đang tháo rời những bộ phận của máy TBM tại công trường ga Nhà hát TP Hồ Chí Minh.


Công nghệ mới

Anh Hồ Dương Bình - Ban Quản lý Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 (gọi tắt là Metro Bến Thành - Suối Tiên) đích thân dẫn tôi xuống đường hầm. Ở độ sâu 30m, tận mắt thấy đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam, Nhật Bản hăng say công việc trên “con robot” khổng lồ này mới thấy được tinh thần làm việc quên mình của mỗi người. Một tốp kỹ sư, công nhân gần 20 người tiến hành các thao tác kỹ thuật trực tiếp trên máy khiên đào, đứng trên máy thường có 3-5 kỹ sư Việt Nam và Nhật Bản trao đổi sôi nổi về chuyên môn. Tiến tới hàng rào bảo vệ để tìm góc tiếp cận gần hơn về không khí làm việc tại máy TBM, nhưng ngay lập tức tôi được anh Bình nhắc: "Không qua được vì quy trình an toàn tại công trường...".

Tuy nhiên, từ vị trí quan sát, tôi cũng có thể cảm nhận rõ khối lượng đồ sộ, cũng như khó khăn của công việc trong điều kiện thi công dưới mặt đất chật hẹp. Mỗi tấm bê tông đều đúc sẵn lỗ vít gắn móc, các kỹ sư, công nhân dùng đinh vít hình cung để gắn kết chặt chẽ và khít các tấm vỏ hầm với nhau, tạo thành một đường hầm thẳng tắp. Công việc diễn ra một cách nhịp nhàng. Tiếp đó, các công nhân sẽ tiến hành lắp đặt khung sắt đến gần với robot để vận chuyển thiết bị phục vụ thi công bằng đường ray chạy trong đường hầm. Điều đáng nói, tùy điều kiện địa chất, máy TBM sẽ được gắn mũi khoan thích hợp. Các loại đất, đá trong quá trình khoan sẽ được làm nhuyễn và đưa ra ngoài bằng một hệ thống ống khép kín. Do vậy, trong đường hầm khổng lồ này luôn sạch sẽ, không bụi bặm, không mùi.

Bên trên nóc hầm được gắn đường ống đưa không khí sạch vào hầm, bảo đảm không gian thi công nơi hầm sâu luôn thông thoáng, dễ thở. “Ống thông khí này cùng với hệ thống quạt thông gió bố trí đều khắp đường hầm khiến nhiệt độ, áp suất trong hầm không khác mấy so với trên mặt đất”, một kỹ sư chia sẻ. Ngoài ra, suốt từ miệng hầm vào sâu bên trong là hệ thống đèn chiếu sáng, cả đèn công suất lớn, bảo đảm mọi ngóc ngách trong đường hầm đều sáng rõ.

Thế nhưng, để có một đường hầm rộng thênh thang và đẹp đẽ như hôm nay, quá trình thi công cũng vấp phải không ít khó khăn. Trong đó, đáng nói là kỹ năng của kỹ sư và công nhân chưa bắt kịp yêu cầu, các thiết bị thay thế phải nhập khẩu từ nước ngoài... Có nhiều lúc, liên danh nhà thầu đã phải huy động các chuyên gia giỏi nhất từ Nhật Bản và các nước để phân tích, đánh giá các tình huống và đưa ra giải pháp phù hợp để khắc phục...

Theo Ban Quản lý Dự án tuyến Metro số 1, việc sử dụng máy TBM cho công trình đánh dấu lần đầu công nghệ khiên đào tiên tiến của Nhật Bản được ứng dụng trong thi công công trình đô thị ở Việt Nam. Cũng theo đại diện liên danh nhà thầu Shimizu - Meada (Nhật Bản), tính ưu việt của công nghệ thi công này là thực hiện mọi việc trong lòng đất nhưng ít tác động đến công trình xung quanh, ít chiếm dụng mặt bằng và hầu như không có ảnh hưởng gì đến giao thông trên mặt đất. Chỉ cần một đội công nhân và kỹ sư 30 người, chia 2 ca làm việc, phần còn lại sử dụng máy móc để thực hiện. Với tốc độ tối đa, mỗi ngày đào và xây được 10m đường hầm thì chỉ sau vài tháng là hoàn thành... Trong quá trình xây dựng, liên danh nhà thầu tiến hành quan trắc 24h/ngày, sử dụng gần 1.000 cảm biến lắp đặt trên đường và các công trình xung quanh để theo dõi các thông số như độ lún, độ nghiêng...

Tiến sĩ Phan Hữu Duy Quốc, Phó Trưởng đại diện Tập đoàn Shimizu cho biết, bằng phương pháp thi công cân bằng áp lực đất, máy khiên đào TBM sẽ đào đất ở một áp lực và tốc độ phù hợp với điều kiện địa chất mà không gây xáo trộn lớn cho nền đất. Khi máy đào tới đâu thì vỏ hầm được lắp đến đó, nên việc lún sụt từ trên xuống hầu như không xảy ra. Hiện tại, công trình đạt trên 5 triệu giờ lao động an toàn.

Tinh thần hợp tác

Sau 5 tháng không nghỉ, chiếc máy khiên đào TBM đã đào xong đường hầm phía Đông về đích tại Ga Nhà hát TP Hồ Chí Minh. Có mặt tại buổi lễ đón máy khiên đào TBM (ngày 31-10 vừa qua), chúng tôi không khỏi xúc động khi chứng kiến những cái ôm thật chặt xen lẫn tiếng cười và giọt nước mắt của đội ngũ cán bộ, kỹ sư, công nhân Việt Nam, Nhật Bản.

Tại công trường, các kỹ sư Nhật Bản đánh giá cao khả năng tiếp cận công nghệ, thái độ làm việc nghiêm túc, tinh thần cầu thị của các kỹ sư, công nhân Việt Nam. Tuy nhiên, theo các kỹ sư Nhật Bản, vài tháng làm việc chưa thể nói lên nhiều điều, và phía trước còn rất nhiều việc phải làm. Các chuyên gia Nhật Bản sẽ tiếp tục đào tạo để đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam nắm bắt những phần việc phức tạp hơn như: Trực tiếp điều khiển và thay đổi các thông số thiết bị cho phù hợp, để từng bước nắm bắt công nghệ này. Mặt khác, nhằm mục đích chuyển giao công nghệ, liên danh nhà thầu Nhật Bản đang hướng dẫn gần 30 kỹ sư, công nhân Việt Nam để có thể tự thực hiện các công trình tương tự.

Hiện tại, liên danh nhà thầu huy động 20 chuyên gia Nhật Bản cùng với 120 kỹ sư Việt Nam làm việc trong dự án này. Các nhà thầu Nhật Bản nhận thức rất rõ rằng, muốn thành công ở Việt Nam phải dựa vào nguồn lực con người Việt Nam. Cũng theo chia sẻ từ phía bạn, công trình được sự quan tâm rất lớn từ lãnh đạo và nhân dân TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là quyết tâm cao độ của lãnh đạo thành phố.

Ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc Ban Quản lý xây dựng tuyến Metro số 1 (thuộc Ban Quản lý đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh) cho biết, với mục tiêu đào đường hầm phía Tây vào cuối tháng 2-2018 (sau Tết Âm lịch) và hoàn thành khoảng tháng 6 hoặc tháng 7-2018, các đơn vị liên quan quyết tâm thực hiện tiến độ nhanh hơn và bảo đảm quy định về an toàn công trường, hạn chế tối đa ảnh hưởng xung quanh, bảo đảm quy trình kỹ thuật thi công, chất lượng và tiến độ.

Máy khiên đào TBM có đường kính gần 6,8m, chiều dài toàn bộ tổ hợp lên tới 70m và nặng 300 tấn. Sau hơn 5 tháng thi công (từ ngày 26-5 đến 31-10), đường hầm phía Đông (dài 781m, đường kính trong vỏ hầm 6,05m) đã hoàn thành, trong đó, Nhà ga Nhà hát thành phố có độ sâu 30m, dài 190m với 4 tầng, còn Nhà ga Ba Son sâu 18m, dài 240m với 2 tầng. Máy TBM đã đi từ Ga Ba Son đến Ga Nhà hát thành phố chỉ lệch 10mm so với dự kiến; đường Nguyễn Siêu lún từ 1 đến 2mm, Nhà hát thành phố lún 0,8mm so với giá trị cho phép là 10mm.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xem “robot khủng” đào hầm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.