Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sát sao với diễn biến giá

Hồng Sơn| 14/04/2018 07:49

(HNM) - Bước vào năm 2018, Chính phủ đã xác định nhiệm vụ trọng tâm là kiểm soát tốt lạm phát, chặn đà tăng giá, khống chế tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) dưới 4%. Tất nhiên, đó không phải là nhiệm vụ dễ dàng...

Người tiêu dùng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị VinMart. Ảnh: Nhật Nam



Theo Tổng cục Thống kê, CPI cả nước tháng 3 giảm 0,27% so với tháng trước và lạm phát cơ bản tháng 3-2018 tăng 1,38% so với cùng kỳ. Như vậy, diễn biến thị trường trong quý I cho thấy sự ổn định, lạm phát trong giới hạn an toàn. Nguyên nhân chủ yếu là nguồn cung các nhóm hàng dồi dào; nhất là không xuất hiện yếu tố bất ổn của nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống cũng như không có sự “giật cục” về giá nhiên liệu. Vì vậy, tốc độ tăng của CPI trong quý khá thấp, bước đầu tạo hiệu ứng an tâm trong hoạt động điều hành, đồng thời hứa hẹn sự lành mạnh trên thị trường nói chung.

Tuy vậy, từ nay đến hết năm, việc kiểm soát lạm phát vẫn đối diện một số yếu tố có thể tạo ra áp lực tăng giá. Theo bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê), việc CPI tháng 3 giảm diễn ra theo quy luật, vì đó là tháng đầu tiên sau Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng xã hội nhìn chung chững lại.

Theo nhận định của Tổng cục Thống kê, nguy cơ lạm phát tăng trở lại đã được nhận diện, dưới tác động từ việc tăng giá một số nhóm hàng theo lộ trình. Cụ thể, sự tăng giá dịch vụ y tế bước 2 theo lộ trình đã định và dựa trên tín hiệu thị trường cùng với việc tăng lương tối thiểu vùng đối với người lao động và tăng lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng lên 1,39 triệu đồng kể từ 1-7 sắp tới. Bên cạnh đó, việc tăng giá điện bán lẻ áp dụng từ cuối năm 2017 vừa qua vẫn tiềm ẩn sự ảnh hưởng cho hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, tức là đẩy chi phí sản xuất tăng lên; từ đó có thể gây tăng giá hàng hóa.

Trong bối cảnh đó, ngày 7-4 vừa qua, trước diễn biến tăng giá dầu thô trên thị trường thế giới, giá xăng dầu trong nước đã tăng đồng loạt từ hơn 400 đồng đến 600 đồng/lít. Nhằm làm dịu bớt sự ảnh hưởng của vấn đề này đến CPI, liên Bộ Công Thương - Tài chính chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu áp dụng chi từ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu ở mức khá cao, gồm chi 790 đồng/lít xăng E5 RON 92; chi 200 đồng/lít dầu diesel. Tuy nhiên, sau khi thực hiện trích lập và chi sử dụng Quỹ như trên, giá xăng E5 RON 92 tăng 592 đồng/lít; dầu diesel tăng 638 đồng/lít; dầu hỏa tăng 521 đồng/lít và dầu mazut tăng 425 đồng/kg. Đây là mức tăng khá mạnh trong những tháng gần đây và chắc chắn sẽ tác động, góp phần kích đẩy CPI tăng.

Ngoài ra, vẫn còn những nguyên nhân khách quan, mang tính bất khả kháng có thể xuất hiện, gây ảnh hưởng hoặc trực tiếp làm lạm phát gia tăng. Đó là diễn biến về biến đổi khí hậu, thiên tai bất ngờ... có thể nảy sinh và gây thiếu hụt nguồn cung lương thực, thực phẩm cục bộ. Đặc biệt, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường thế giới đang ngày càng rõ (giá dầu quý I đã tăng 22% so với cùng kỳ và khiến CPI tăng thêm 0,38%)...

Bà Đỗ Thị Ngọc cho rằng, dự báo giá dầu có thể đạt mức giá trên 70 USD/thùng trong thời gian tới cộng với việc tăng thuế bảo vệ môi trường chắc chắn sẽ đẩy giá bán lẻ xăng, dầu lên cao và ảnh hưởng tiêu cực đến CPI.

Song, bên cạnh đó cũng có một số yếu tố có thể làm ổn định hoặc ngăn cản, kiềm chế sự tăng giá. Đó là, quan hệ cung - cầu hàng hóa trên thị trường cơ bản đã hình thành sự cân đối và bảo đảm vững chắc. Giá của một số nhóm hàng khác như viễn thông, ăn uống, thuốc chữa bệnh (thông qua đấu thầu thuốc tập trung để kéo giảm giá thuốc 12-15% trong năm nay) đang có dư địa để tiếp tục giảm giá. Ngoài ra, chi phí cho hoạt động vận tải cũng có thể giảm bớt sau khi Chính phủ chỉ đạo rà soát, điều chỉnh giá dịch vụ tại các trạm BOT...

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, khả năng kiềm chế mức lạm phát dưới 4% trong năm 2018 là có thể khả thi; tuy rằng vẫn cần theo dõi, điều chỉnh linh hoạt trước những yếu tố, diễn biến thuận lợi hoặc bất lợi đan xen nói trên...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sát sao với diễn biến giá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.