Theo dõi Báo Hànộimới trên

Lợi nhuận ngân hàng: Bức tranh sáng màu

Hương Thủy| 25/07/2018 15:35

(HNMO) - Bức tranh lợi nhuận của nhiều ngân hàng thương mại trong 6 tháng đầu năm cho thấy gam màu sáng với lợi nhuận cao, trong đó không ít nhà băng hoàn thành hơn 50% kế hoạch năm.


Dẫn đầu về lợi nhuận trong hệ thống là Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank). Đạt lợi nhuận hàng nghìn tỷ đồng đối với nhà băng này đã quá quen thuộc, nhưng với mức lợi nhuận 8.000 tỷ đồng trong nửa đầu năm, Vietcombank gây ấn tượng mạnh.

Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm nay, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 8.016 tỷ đồng, tăng tới 53% so với cùng kỳ năm ngoái, hoàn thành 57% kế hoạch lợi nhuận năm. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 12.997 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ; lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 31,8%, đạt 1.732 tỷ đồng; hoạt động mua bán chứng khoán kinh doanh tăng 91,7%, đạt 487 tỷ đồng.

Nhiều ngân hàng hoàn thành hơn 50% kế hoạch lợi nhuận năm.


Tiếp sau Vietcombank là Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank), với lợi nhuận trước thuế đạt 5.196 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. Thu nhập lãi thuần từ hoạt động tín dụng đạt hơn 5.000 tỷ đồng. Một khoản thu nhập nữa cũng góp vào lợi nhuận, đó là lãi từ hoạt động dịch vụ, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp vào lợi nhuận của ngân hàng này còn có khoản thu bất thường đến từ hoạt động thu nợ là 1.366 tỷ đồng. Lợi nhuận 6 tháng qua của Techcombank tăng trưởng cao còn nhờ việc thực hiện tất toán các khoản nợ bán cho Công ty Quản lý tài sản (VAMC) trong năm trước, chi phí dự phòng rủi ro trong 6 tháng qua đã giảm 56%.


Tính đến hết ngày 30-6-2018, lợi nhuận của Ngân hàng Quân Đội (MB) và các công ty con đạt hơn 3.800 tỷ đồng, tăng 52% so với cùng kỳ, hoàn thành 56% mục tiêu đề ra. Một trong những nguyên nhân giúp MB đạt mức lợi nhuận ấn tượng là tín dụng tăng 11% so với đầu năm, cao hơn mức trung bình ngành ngân hàng, đạt 200.000 tỷ đồng.

Ở nhóm thấp hơn, 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), sau khi trích lập đầy đủ dự phòng, đạt mức 1.024 tỷ đồng, tương đương 212% so với cùng kỳ năm ngoái, đồng thời đạt 112% so với kế hoạch 6 tháng đầu năm 2018. Trong đó, riêng quý II, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 512 tỷ đồng.

Lợi nhuận của TPBank có được nhờ tăng thu từ tín dụng, cùng với đó là có phần đóng góp tích cực của tăng thu nhập từ dịch vụ, đạt 242 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2017. 

Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đã hoàn thành được 54,2% kế hoạch năm khi có lãi trước thuế gần 1.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II, thu nhập của Sacombank đạt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 49,1% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, thu dịch vụ tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt 1.134 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2017. Bên cạnh đó, Sacombank đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu và tài sản tồn đọng trong 6 tháng đầu năm 2018.

Cũng trong nửa đầu năm 2018, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) đạt lợi nhuận trước thuế tăng 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng, SCB đã trích lập dự phòng rủi ro hơn 1.850 tỷ đồng. Mảng kinh doanh trái phiếu mang về cho SCB khoản lợi nhuận đáng kể. Bên cạnh đó, hoạt động dịch vụ của SCB cũng đóng góp đáng kể trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng với mức thu thuần lên tới 319 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2017.

Như vậy, mặc dù cho vay chậm lại (đến cuối tháng 6-2018, tín dụng tăng khoảng 6,5% so với cuối năm 2017 trong khi cùng kỳ tăng 8,7%) nhưng thu nhập lãi thuần - cấu phần lãi quan trọng nhất, là nguồn thu ròng đem về từ hoạt động tín dụng, hoạt động cốt lõi của ngân hàng - vẫn tăng tốt. Cùng với thu nhập lãi thuần, thu nhập từ hoạt động khác như dịch vụ, trái phiếu, bảo hiểm, thu hồi nợ xấu đã góp phần đáng kể vào lợi nhuận chung của ngân hàng.

Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm, việc ngân hàng có hoàn thành mục tiêu lợi nhuận hay không thì chưa thể nói trước, bởi chi phí hoạt động của ngân hàng thường tăng mạnh vào cuối năm, trong đó có khoản đã chi trong 6 tháng đầu năm nhưng cuối năm mới được hạch toán. Cùng với đó, áp lực lạm phát tăng, tỷ giá biến động khiến mặt bằng lãi suất huy động (chi phí đầu vào của ngân hàng) chịu áp lực tăng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi nhuận ngân hàng: Bức tranh sáng màu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.