Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Siết” tăng trưởng tín dụng

Hà Linh| 08/09/2018 07:07

(HNM) - Sau khi “nới” cho không ít ngân hàng trong năm 2017, mới đây, Ngân hàng Nhà nước lại phát đi thông điệp về việc “siết” tăng trưởng tín dụng.


Trước thông tin một số ngân hàng chuẩn bị “cạn” hạn mức tăng trưởng tín dụng và muốn được tăng thêm, ngày 2-8-2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Chỉ thị 04/CT-NHNN 2018. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt tốc độ tăng trưởng và chất lượng tín dụng của toàn hệ thống cũng như từng tổ chức tín dụng theo đúng mục tiêu, định hướng đề ra. Không xem xét, điều chỉnh tăng chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trừ trường hợp đặc biệt như một số ngân hàng thương mại tham gia tái cơ cấu trong năm 2018 với các tổ chức tín dụng yếu kém. Tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán, BOT, BT, giao thông...

Như vậy, trái với những dự đoán từ phía các ngân hàng thương mại về cơ hội được điều chỉnh mức tăng trưởng tín dụng như năm 2017, cơ quan chức năng đã đưa ra thông điệp bác bỏ. Với thông điệp này, những ngân hàng đã lỡ "mạnh tay" những tháng đầu năm sẽ phải “thắt lưng, buộc bụng” vào cuối năm - trong khi nhu cầu vay vốn lớn lại rơi vào thời điểm này. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước “siết” lại tín dụng khiến không ít ngân hàng lo ngại, thậm chí phải điều chỉnh chỉ tiêu hoạt động, giảm lợi nhuận. Mới đây nhất, LienVietPostBank thông báo điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận giảm 33%, từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng.

Không chỉ LienVietPostBank, nhiều ngân hàng khác đang phải tìm cách xoay chuyển, đặc biệt là thắt tín dụng với cho vay tiêu dùng hay bất động sản - nơi tập trung nguồn vốn lớn của ngân hàng. Trên thực tế, tín dụng với 2 lĩnh vực này đang có xu hướng tăng cao trong những tháng gần đây, gây rủi ro cho không chỉ hệ thống ngân hàng, mà còn với toàn bộ nền kinh tế. Mặc dù “cơn bão” khủng hoảng đã qua, nhưng những “dư chấn” của nợ xấu xuất phát từ việc tăng trưởng tín dụng quá cao vẫn còn đó. Ai cũng biết, những khoản nợ xấu khổng lồ xuất phát từ cho vay bất động sản chiếm tỷ lệ không nhỏ, nên cảnh báo cho vay các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán... là cần thiết.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ tiếp tục kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng tiêu dùng. Năm nay hoạt động cho vay tiêu dùng đặt mục tiêu tăng trưởng khoảng 20%, trong khi con số này của năm ngoái lên tới 30%. Việc tăng trưởng tín dụng tiêu dùng quá cao tiềm ẩn rủi ro khi các ngân hàng cho vay sai mục đích. Do vậy, với mức tăng trưởng 20% là phù hợp, nếu cao hơn sẽ tạo ra rủi ro lớn và thấp hơn nữa sẽ không đáp ứng nhu cầu cần thiết của người dân.

Trên thực tế, đã có một số ngân hàng “lách” quy định tỷ lệ cho vay bất động sản bằng việc đưa cho vay mua nhà vào danh mục cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, việc các ngân hàng đẩy khoản cho vay mua nhà vào danh mục cho vay tiêu dùng đã làm méo mó bức tranh cho vay bất động sản. Tính đến nay, tổng dư nợ nền kinh tế khoảng 6,8 triệu tỷ đồng. Với tỷ trọng cho vay bất động sản (gồm cả cho vay sửa chữa nhà, xây nhà…) chiếm khoảng 20% tổng dư nợ, con số tuyệt đối cho vay lĩnh vực này phải lên đến 1,36 triệu tỷ đồng. Đây là con số rất lớn.

Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, tín dụng bất động sản đang "ẩn nấp" trong tín dụng tiêu dùng rất lớn, nếu tín dụng tiêu dùng bị đẩy lên quá cao cũng đồng nghĩa làm gia tăng hiện tượng đầu cơ. Do đó, việc Ngân hàng Nhà nước “siết” tín dụng tiêu dùng hiện nay là hợp lý. Song biện pháp giải quyết triệt để nhất là phải đem tất cả món vay mua nhà đang nằm trong mảng tín dụng tiêu dùng chuyển sang mảng cho vay bất động sản. Nếu tín dụng bất động sản được bóc tách hoàn toàn khỏi tín dụng tiêu dùng, ngay cả Ngân hàng Nhà nước không cần đưa ra thông điệp “siết”, tốc độ tăng trưởng của lĩnh vực tiêu dùng cũng sẽ tự động giảm mạnh.

Rõ ràng, việc đưa ra quyết định về việc dừng “nới” tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng Nhà nước được đánh giá là đúng đắn trong thời điểm hiện nay. Nếu các ngân hàng vẫn muốn đẩy mạnh cho vay sẽ phải đẩy mạnh xử lý nợ xấu, giảm chi phí hoạt động, nâng cao hơn tỷ trọng thu từ dịch vụ…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Siết” tăng trưởng tín dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.