Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày tàn của IS đã cận kề?

Thùy Dương| 05/11/2017 08:07

(HNM) - Ngày 3-11, Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi tuyên bố các lực lượng nước này đã giải phóng hoàn toàn Al-Qaim, thị trấn lớn nhất Iraq, khỏi sự chiếm đóng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).

Người dân di tản khỏi Al-Qaim trước khi quân đội Iraq tấn công vào thị trấn này.


Các lực lượng tinh nhuệ của Iraq với sự hỗ trợ không kích của liên minh quốc tế chống khủng bố do Mỹ đứng đầu đã nã pháo vào các vị trí của IS bên trong thị trấn. Nhiều phần tử khủng bố đã bị tiêu diệt trong các cuộc giao tranh.

Với khoảng 150.000 dân, phần lớn là người Hồi giáo dòng Sunni, Al-Qaim là thành trì cuối cùng trong cái gọi là "Vương quốc Hồi giáo" tự phong mà IS tuyên bố thành lập sau khi chiếm đóng nhiều vùng lãnh thổ ở Iraq và Syria hồi năm 2014. Theo liên minh quốc tế chống khủng bố, có khoảng 1.500 tay súng IS tại khu vực này và đây là "trận đánh lớn cuối cùng" nhằm xóa sổ tổ chức khủng bố nói trên tại Iraq.

Sau ba năm giao tranh, lực lượng Iraq đã giành lại quyền kiểm soát tại hầu hết các khu vực bị IS chiếm đóng, trong đó có Mosul, thành phố lớn thứ hai của quốc gia này. Sau đó, các lực lượng Iraq tiếp tục giành lại quyền kiểm soát khu vực phía Bắc TP Tal Afar và phần còn lại của tỉnh Nineveh, một trong những thành trì cuối cùng của IS ở miền Bắc nước này.

Hồi tháng 10 vừa qua, quân đội Iraq đã giải phóng thành phố El-Havidzh, tỉnh Kirkuk, một trong những trung tâm đầu não trước kia của IS tại Iraq. Trước đó một tháng, các lực lượng vũ trang Iraq cũng đã phát động một chiến dịch giành lại quyền kiểm soát thành phố Akashat, nằm ở phía Tây Iraq, gần với Al- Qaim.

Hiện tại, chiến dịch truy quét IS vẫn được tiến hành tại thành phố Rawa, cách thị trấn Al-Qaim khoảng 80km về phía Đông, cùng một số nơi rải rác tại khu vực nông thôn và sa mạc ở phía Bắc sông Euphrates. Tuy nhiên, số lượng tàn quân IS tại đây không đáng kể.

Dẫu vậy, theo các nhà phân tích, thất bại của IS tại Iraq và Syria chỉ có thể là tạm thời chứ không có nghĩa đã hoàn toàn kết liễu được IS với ý tưởng thành lập một "Vương triều Hồi giáo". Càng không thể cho rằng hòa bình, ổn định và an ninh sẽ sớm được lập lại tại khu vực. Với phương thức hoạt động mới của IS, việc đối phó với lực lượng này đang trở nên khó khăn hơn. Các cuộc không kích và tấn công trên bộ có thể giúp Iraq, Syria giải phóng Mosul, Raqqa và những vùng bị IS chiếm đóng, nhưng việc đối phó với các cuộc tấn công kiểu du kích chớp nhoáng ở các thành phố lớn của Châu Âu, Mỹ sẽ không hề đơn giản.

Nói cách khác, những chiến binh Hồi giáo cực đoan có thể mất dần quyền kiểm soát lãnh thổ, nhưng ý thức hệ của những phần tử này vẫn đang được truyền bá. Khi tư tưởng cực đoan còn tồn tại thì một chiến dịch nổi dậy khác của IS hoàn toàn có thể xảy ra. Bên cạnh đó, khi mối đe dọa đến từ IS đã không còn hiện hữu, sự mâu thuẫn giữa người Arab và người Kurd, người Hồi giáo dòng Sunni và dòng Shi’ite có thể sẽ bùng phát trở lại.

Có những cơ sở để hy vọng ngày tàn của IS tại Iraq đã cận kề khi quân đội nước này liên tiếp giành được những thắng lợi to lớn. Chính quyền của Thủ tướng Haider al-Abadi có thể vui mừng về những kết quả đã đạt được. Nhưng người Iraq cũng hiểu rằng IS vẫn chưa bị tiêu diệt hoàn toàn. Ngay cả khi hòa bình được lập lại, việc tái thiết những khu vực bị tàn phá, chữa lành vết thương chiến tranh và hàn gắn bất đồng giữa các cộng đồng tôn giáo sẽ là bài toán khó mà cả Iraq, liên minh phương Tây cũng như Mỹ cần tìm lời giải.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày tàn của IS đã cận kề?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.