Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phải bảo đảm quyền lợi cho người lao động

Bài, ảnh: Kim Vũ| 14/06/2018 07:18

(HNM) - Trong danh sách 500 doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội kéo dài năm 2016, 2017 và danh sách 50 doanh nghiệp nợ đọng vừa được Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội công bố trong quý I-2018, Công ty cổ phần Khóa Minh Khai cũng được liệt kê với số tiền nợ khoảng 7 tỷ đồng, kéo dài 57 tháng.


Thiệt hại kéo dài


Đó là những bức xúc không kể thành tên của hơn 20 lao động từng làm việc tại Công ty cổ phần Khóa Minh Khai (Công ty). Hầu hết họ đều là những người làm việc tại Công ty với thâm niên 20 năm công tác trở lên. Trong thời gian làm việc tại đây, họ vẫn bị trích tiền lương hằng tháng để đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, kể từ tháng 3-2014 đến nay, Công ty đã ngừng đóng các khoản BHXH cho người lao động.

Người lao động Công ty cổ phần Khóa Minh Khai đang trình bày về việc chưa được chốt sổ BHXH.


Nực cười hơn là người lao động sắp nghỉ hưu vì muốn chốt sổ BHXH đã phải bỏ tiền túi ra cho Công ty vay để Công ty đóng BHXH cho chính mình (từ tháng 3-2014 đến tháng 12-2017), như chị Nguyễn Thị Chiên phải vay 50 triệu đồng, anh Trần Văn Xuân vay 100 triệu đồng. Bi đát hơn, không ít người sau nhiều lần kiến nghị không được, đã chấp nhận bỏ ngang, không đóng BHXH và nhiều quyền lợi khác.

Trường hợp anh Trần Xuân Hòa và Lưu Bách Lâm, bị bệnh hiểm nghèo nhưng không được hưởng quyền lợi BHYT, sau khi mất cũng không được hưởng tiền tử tuất, gia đình túng bấn rơi vào cảnh nợ nần. Đặc biệt, người lao động chấp nhận mất không số tiền trợ cấp thất nghiệp mà Nhà nước chi trả tính từ năm 2009 đến nay vì theo quy định của Luật Bảo hiểm thất nghiệp, sau khi người lao động thất nghiệp 1 tháng, nếu không xuất trình sổ BHXH thì sẽ “mất trắng” tiền trợ cấp thất nghiệp.

Và việc này với người lao động của Công ty là "khó hơn lên trời" vì họ không thể chốt sổ BHXH. Điển hình như trường hợp chị Lê Thị Hoa, xin nghỉ việc từ năm 2016, chấp nhận mất 7 năm tiền bảo hiểm thất nghiệp (hơn 20 triệu đồng)...

Vẫn bế tắc

Sau rất nhiều lần có ý kiến, ngày 21-5-2018, người lao động đã có buổi làm việc với ông Phạm Việt Hùng, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Cơ khí xây dựng, với câu trả lời sẽ đôn đốc, hỗ trợ tài chính cho Công ty cổ phần Khóa Minh Khai (Công ty con) để giải quyết quyền lợi BHXH cho các trường hợp có đơn kiến nghị. Theo người lao động, đây là lần đầu tiên họ được làm việc với Tổng công ty, còn về phía Công ty, hầu như họ chưa nhận được bất cứ câu trả lời nào. Phóng viên Báo Hànộimới đã liên hệ làm việc với Công ty nhưng cũng không nhận được hồi âm.

Trao đổi vấn đề này, ông Trịnh Quốc Công, Phó Giám đốc BHXH huyện Thanh Trì cho biết, Công ty cổ phần Khóa Minh Khai có 57 lao động kê khai đăng ký đóng BHXH nhưng đã nợ đọng BHXH kéo dài 57 tháng với số tiền gần 7 tỷ đồng. Từ năm 2013 đến nay, BHXH huyện Thanh Trì đã nhiều lần gửi công văn thông báo và yêu cầu Công ty nộp số tiền BHXH nợ nhưng Công ty không trả.

Tại các buổi làm việc giữa BHXH huyện Thanh Trì với Công ty, ông Trần Văn Bình, Giám đốc Công ty cổ phần Khóa Minh Khai nêu lý do: Công ty đang làm việc với Tổng công ty Cơ khí xây dựng (là Công ty mẹ) về vấn đề này. Từ cuối năm 2017 đến tháng 3-2018, BHXH huyện Thanh Trì đã 3 lần gửi công văn tới Tổng công ty Cơ khí xây dựng đề nghị có biện pháp giải quyết, nhưng Tổng công ty vẫn im lặng?

Đại diện BHXH huyện Thanh Trì cho biết, đơn vị này đã nộp đơn khởi kiện Công ty từ năm 2016, tuy nhiên chưa thể hoàn tất do thiếu nhiều thủ tục pháp lý. Theo quy định của Luật BHXH năm 2014, từ năm 2016, Liên đoàn Lao động huyện Thanh Trì có trách nhiệm khởi kiện các doanh nghiệp nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp. BHXH huyện đã chuyển hồ sơ sang Liên đoàn Lao động huyện để đơn vị này hoàn tất hồ sơ gồm đơn của người lao động, kiến nghị của Công đoàn cơ sở.

Tuy nhiên, do Công ty cổ phần Khóa Minh Khai không thành lập tổ chức Công đoàn nên không có đơn kiến nghị từ Công đoàn cơ sở, vì thế không thể hoàn thiện hồ sơ để khởi kiện vụ việc ra tòa án. Vì vậy, việc đòi nợ tiền BHXH rơi vào bế tắc.

Ông Trịnh Quốc Công cho hay, từ sau năm 2017, BHXH huyện Thanh Trì vẫn cho phép người lao động tách đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp và thực hiện việc chốt sổ BHXH nếu Công ty có đề nghị giải quyết chốt sổ cho người lao động nghỉ hưu, quyết định chấm dứt hợp đồng lao động, hoặc quyết định tiếp nhận lao động của đơn vị mới.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, phía BHXH huyện Thanh Trì mới chỉ giải quyết cho một số trường hợp nghỉ hưu, còn lại chưa có trường hợp nào khác. Điều này cho thấy, việc nợ bảo hiểm của Công ty cổ phần Khóa Minh Khai đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của người lao động. Đề nghị Tổng công ty Cơ khí xây dựng và Công ty cổ phần Khóa Minh Khai nghiêm túc thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động để bảo đảm quyền lợi cho người lao động theo đúng luật định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phải bảo đảm quyền lợi cho người lao động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.