Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xóa nỗi ám ảnh

Minh Thúy| 12/10/2018 06:23

(HNM) - Tai nạn giao thông đã trở thành mối lo thường trực của mỗi người, mỗi nhà. Nỗi ám ảnh cứ đeo bám khi số vụ tai nạn, số người thương vong vẫn luôn ở mức cao...


Mối lo này tồn tại đã lâu nhưng dường như chưa có điểm dừng. Những con số được công bố tại hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng, triển khai nhiệm vụ quý IV năm 2018 tổ chức hôm qua (11-10) cho thấy rõ điều này. 9 tháng, toàn quốc tuy các chỉ tiêu có giảm, song vẫn xảy ra 13.242 vụ tai nạn giao thông, cướp đi sinh mạng của 6.012 người, làm bị thương 10.319 người... Riêng quý III năm 2018, cả nước đã xảy ra 4 vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến ô tô chở khách khiến 71 người thương vong...

Với Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến nay, tai nạn giao thông đã giảm trên cả 3 tiêu chí; giảm 5/37 điểm ùn tắc... Những kết quả này có được là bởi thành phố đã quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp như tổ chức lại phương án phân luồng, tuyến của một số bến xe, tổ chức lại giao thông tại 3/37 điểm “đen” ùn tắc; mạnh tay trong xử lý lấn chiếm vỉa hè, lòng đường...

So với 9 tháng năm 2017, tai nạn giao thông trong cả nước đã giảm trên cả 3 tiêu chí, nhưng chưa bền vững. Phó Thủ tướng Thường trực, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Trương Hòa Bình nhấn mạnh, dù Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp cấp bách, nhưng tai nạn giao thông vẫn diễn biến phức tạp. Nhiều vi phạm vẫn có xu hướng tăng, lực lượng chức năng vẫn nể nang và còn tiêu cực trong thi hành công vụ... Trong khi đó, mật độ người và phương tiện tham gia giao thông ngày một tăng; hệ thống cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ, ý thức của người tham gia giao thông chưa cao.

Tai nạn giao thông không loại trừ ai. Hạn chế tình trạng này không chỉ là trách nhiệm của cơ quan chức năng mà còn là ý thức, trách nhiệm của mỗi người và của toàn xã hội.

Nguyên nhân cốt lõi, phổ biến của tình trạng nêu trên là ý thức chưa tốt của người tham gia giao thông nên tuyên truyền, giáo dục pháp luật là biện pháp quan trọng. Việc này phải làm triệt để từ mỗi cơ quan, đơn vị đến từng gia đình. Thủ trưởng các cơ quan, doanh nghiệp... có trách nhiệm giáo dục cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; tích cực khen thưởng, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong lĩnh vực này. Trong mỗi nhà trường, việc giáo dục cho học sinh phải thực chất, đồng thời, mỗi phụ huynh cũng phải có trách nhiệm làm gương và giáo dục con em tuân thủ quy định về an toàn giao thông; tuyệt đối không tiếp tay, dung dưỡng cho vi phạm.

Để cảnh báo thêm đến người dân, nên chăng, trong mỗi bản tin thời sự hằng ngày trên các phương tiện truyền thông nên dành thời lượng nhất định để thống kê số vụ tai nạn xảy ra, số người thương vong và thiệt hại về tài sản... Việc kiểm tra nồng độ cồn với người điều khiển phương tiện cần tiến hành thường xuyên chứ không chỉ làm theo phong trào...

Những chế tài xử lý vi phạm trong lĩnh vực này có lẽ không ít, nhưng nhiều lỗi vẫn lặp lại dai dẳng. Do đó, chỉ khi nào pháp luật được thực thi nghiêm từ tất cả các chủ thể liên quan thì khi ấy mới mong kéo giảm được tai nạn giao thông. Muốn thế, những người làm ngơ, tiếp tay vi phạm phải bị xử lý nghiêm, đặc biệt là người đứng đầu phải chịu trách nhiệm tương ứng với quyền được giao.

Một vấn đề không kém phần quan trọng là tập trung các nguồn lực để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình giao thông; khắc phục hạn chế của hệ thống biển báo... bảo đảm đủ điều kiện an toàn. Đồng thời, phải quản lý tốt các phương tiện vận tải hoạt động theo phương thức công nghệ mới hiện nay...
Với mỗi giải pháp, cần có hành động thực chất đi kèm thì mới mong có thể dần xóa được những nỗi ám ảnh đau lòng này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa nỗi ám ảnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.