Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xét tuyển đại học đợt 1: Nỗi lo trúng tuyển “ảo”

Khánh Vũ| 16/08/2016 06:52

(HNM) - Đợt xét tuyển đầu tiên của các trường đại học được thực hiện theo kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2016 cho thấy, nhìn chung, mức điểm chuẩn năm nay giảm nhẹ so với năm 2015. Thí sinh không còn phải chầu chực rút, nộp hồ sơ đăng ký trong không khí lo âu, căng thẳng.



27 điểm vẫn có thể trượt Ngành Y

Mặc dù điểm chuẩn của đa số trường khối Ngành Y, Dược có giảm so với năm 2015 do giảm số bài thi được điểm cao, song, khối trường này vẫn có ngưỡng đầu vào cao chót vót. Năm nay, Ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y Hà Nội có điểm chuẩn 27, giảm 0,75 điểm so với năm 2015. Trường ĐH Y Thái Bình có mức điểm chuẩn của ngành này là 25,25, thấp hơn năm ngoái 0,75 điểm; Ngành Dược có mức điểm chuẩn là 24,25, giảm so với năm ngoái tới 1,25 điểm. Trường ĐH Y Dược TP Hồ Chí Minh có điểm đầu vào Ngành Bác sĩ đa khoa là 26,75 (năm ngoái là 28 điểm); Ngành Dược của trường có mức điểm chuẩn là 25,25 (năm ngoái là 26 điểm). Trường ĐH Dược Hà Nội lấy điểm chuẩn vào Ngành Dược là 26,75 điểm, bằng với năm 2015. Ngành Y đa khoa của Trường ĐH Y dược - ĐH Thái Nguyên lấy 24,75 điểm, giảm 0,75 điểm so với năm ngoái; Ngành Dược lấy 24,5 điểm, giảm 0,5 điểm. Khối trường y, dược năm nay có thêm Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội góp mặt với 2 Ngành Y đa khoa và Dược học, cả hai đều có mức điểm chuẩn là 18.

Năm nay, với những quy định khắt khe hơn, Trường ĐH Y Hà Nội chỉ tuyển thẳng 31 thí sinh, thấp hơn nhiều so với hàng trăm suất tuyển thẳng ở các kỳ tuyển sinh trước. Theo Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội Nguyễn Hữu Tú, năm 2016, cơ hội vào trường mở ra với nhiều thí sinh hơn bởi phân hiệu của trường ở Thanh Hóa đã chính thức tuyển sinh 100 chỉ tiêu đối với Ngành Bác sĩ đa khoa. Cơ sở tại Thanh Hóa bảo đảm điều kiện học tập đầy đủ với nguồn lực giảng viên của Trường ĐH Y Hà Nội. Tuy nhiên, trong những năm đầu tiên, ĐH Y Hà Nội đã đề nghị Bộ GD-ĐT cho phép lấy điểm chuẩn của phân hiệu thấp hơn điểm chuẩn của cơ sở chính (tối đa tới 3 điểm). Năm nay, tại phân hiệu, điểm chuẩn của Ngành Bác sĩ đa khoa là 24,5.

Ở mùa tuyển sinh năm nay, mặc dù điểm chuẩn có giảm so với năm 2015 nhưng vẫn có thí sinh rơi vào hoàn cảnh đạt 27 điểm mà trượt Trường ĐH Y Hà Nội. Phó Hiệu trưởng Nguyễn Hữu Tú cho biết, nhà trường đã phải sử dụng tới tiêu chí phụ để xét tuyển 2 ngành "hot" nhất, tức là ngoài đạt điểm chuẩn quy định thì thí sinh phải có điểm môn toán từ 8,75 trở lên. Tiêu chí phụ này đã loại 50 thí sinh 27 điểm có nguyện vọng vào Ngành Bác sĩ đa khoa, đánh trượt gần 20 thí sinh được 26,75 điểm và đã đăng ký vào Ngành Răng hàm mặt. Hai ngành đều đã tuyển vượt chỉ tiêu: Ngành Bác sĩ đa khoa tuyển 510 thí sinh/500 chỉ tiêu và Răng hàm mặt tuyển 89 thí sinh/80 chỉ tiêu.

Tuyển dư để phòng “ảo”

Mỗi thí sinh năm nay được đăng ký 2 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng. Vì vậy, việc xác định điểm chuẩn gặp khó khăn do vừa phải lường tới lượng trúng tuyển "ảo" lại vừa phải "căn" để không tuyển vượt chỉ tiêu quá nhiều so với quy định của Bộ GD-ĐT. Biện pháp "chống ảo” mà các trường áp dụng là dựa vào kinh nghiệm các mùa tuyển sinh trước, nghiên cứu kỹ phổ điểm, xác định điểm chuẩn thấp hơn để có thêm thí sinh nhằm bù vào lượng trúng tuyển "ảo". Các trường được thí sinh yêu thích, tỷ lệ trúng "ảo" thấp, thường "căn" lượng thí sinh vượt chỉ tiêu khoảng 5-15%. Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Trần Văn Tớp cho biết, nhà trường đã lường trước tình huống bị mất thí sinh vào tay các trường "hot" khác thuộc khối y, dược hay công an, quân đội. Vì vậy, khi xác định điểm chuẩn, nhà trường đã tính toán hệ số tăng thêm khoảng 10% ở các ngành để bù cho số thí sinh "ảo". Ở các chương trình đào tạo quốc tế hay chương trình tiên tiến, trường mới chỉ tuyển được khoảng 30% chỉ tiêu. Ông Nguyễn Hữu Tú cũng chỉ có thể khẳng định là gần như không có tình trạng "ảo" với Ngành Bác sĩ đa khoa và Răng hàm mặt bởi đó luôn là lựa chọn số một của thí sinh. Với các ngành khác thì rất khó phán đoán. Trường ĐH Y Hà Nội đã gọi trúng tuyển 1.255 thí sinh/1.100 chỉ tiêu. Trường ĐH Luật Hà Nội gọi trúng tuyển 2.550 thí sinh/2.000 chỉ tiêu. Học viện Hành chính quốc gia có 980 thí sinh trong danh sách trúng tuyển trong khi chỉ tiêu chỉ là 800. Trường ĐH Lâm nghiệp cho biết, mặc dù nhận được đủ lượng hồ sơ so với chỉ tiêu, song trong đó có thể có tới 50% là trúng tuyển "ảo", vì vậy, nhà trường quyết định lấy điểm chuẩn bằng mức điểm sàn mà Bộ quy định.

Phải tới hết ngày 19-8 các trường mới có thể biết được số thí sinh sẽ trở thành sinh viên của trường. Các trường, sau khi nhận được giấy chứng nhận, sẽ sử dụng mã vạch dành cho đợt xét tuyển đầu tiên để nhập vào cơ sở dữ liệu, tên thí sinh sẽ được rút ra khỏi danh sách chưa trúng tuyển. Khi biết được lượng thí sinh nhập học đã đủ hay còn thiếu, các trường sẽ quyết định có mở đợt xét tuyển thứ 2 hay không. Năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép các trường lấy điểm chuẩn đợt sau không nhất thiết phải cao hơn điểm chuẩn đợt 1. Vì vậy, các trường vẫn có thể tuyển thêm chỉ tiêu và các thí sinh vẫn còn cơ hội nếu chưa trúng tuyển trong đợt 1.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xét tuyển đại học đợt 1: Nỗi lo trúng tuyển “ảo”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.