Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thấp thỏm chất lượng “đầu vào”

Thống Nhất| 02/08/2018 06:44

(HNM) - Từ ngày 1 đến 6-8 là khoảng thời gian các trường công bố kết quả xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018, đợt 1.

Uy tín của nhà trường phụ thuộc vào chất lượng đào tạo chứ không phải vào quy mô tuyển sinh. Ảnh: Nhật Nam


Đừng quên xác nhận nhập học

Thời điểm này, các trường đã hoàn thành cập nhật dữ liệu thí sinh điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2018, trên cơ sở đó xây dựng điểm chuẩn trúng tuyển đợt 1. Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), từ nay tới trước 17h ngày 6-8-2018, các trường phải công bố kết quả xét tuyển và thời gian xác nhận nhập học. Bộ GD-ĐT quy định, thí sinh phải xác nhận nhập học vào trường đã trúng tuyển trong thời hạn quy định bằng cách gửi bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia năm 2018 đến trường.

Sau đó, các trường có trách nhiệm tổng hợp kết quả thí sinh xác nhận nhập học, cập nhật lên Cổng thông tin tuyển sinh của Bộ, đồng thời quyết định dừng xét tuyển hay tiếp tục xét tuyển bổ sung. Vì vậy, trong thời gian này, thí sinh cần theo dõi thông tin trên website của các trường để thực hiện các thủ tục theo quy định, đồng thời lưu ý: Việc xác nhận nhập học phải đúng thời gian, nếu không sẽ bị coi là không có nguyện vọng học và bị loại khỏi danh sách trúng tuyển. Thí sinh cũng cần lưu ý đặc biệt cách thức xác nhận nhập học bởi mỗi trường có yêu cầu khác nhau.

Nhằm tạo thuận lợi cho thí sinh, năm nay Học viện Ngân hàng cho phép thí sinh có tên trong danh sách trúng tuyển xác nhận nhập học bằng cách gửi Giấy chứng nhận kết quả thi THPT trong thời gian từ ngày 6 đến 17h ngày 12-8 theo một trong hai cách đến Học viện Ngân hàng là nộp trực tiếp hoặc gửi chuyển phát nhanh theo đường bưu điện. Nếu gửi qua đường bưu điện, thí sinh phải gửi kèm phong bì dán tem và ghi rõ địa chỉ, số điện thoại người nhận để Học viện gửi Giấy báo trúng tuyển.

Khác với Học viện Ngân hàng, Trường Đại học Kinh tế quốc dân quy định, thí sinh trúng tuyển năm nay phải xác nhận nhập học bằng cách nộp bản chính Giấy chứng nhận kết quả thi THPT quốc gia trực tiếp tại trường từ 8h ngày 7 đến 17h ngày 12-8. Quá thời hạn này, thí sinh không xác nhận nhập học được xem là từ chối nhập học, thí sinh sẽ bị loại khỏi danh sách trúng tuyển.

Lý giải về quyền lợi của thí sinh đã xác nhận nhập học, PGS.TS Mai Thanh Quế, Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cho biết: Trong trường hợp chưa nhận được Giấy báo trúng tuyển, thí sinh đã làm thủ tục xác nhận nhập học vẫn có thể nhập học bình thường. Thậm chí, nếu vì lý do nào đó, thí sinh không đến nhập học được theo đúng thời gian đã ghi trên Giấy báo trúng tuyển, các em vẫn có thể nhập học vào khoảng thời gian sau đó, tuy nhiên không được quá hạn 15 ngày.

Lo chất lượng nguồn tuyển

Cách đây vài năm, khi quy định giữ hay bỏ điểm sàn được đưa ra đã gây nhiều ý kiến, trong đó có khá nhiều trường, chủ yếu là trường công lập muốn giữ, vì cho rằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT là "rào chắn" cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo. Vậy khi "rào chắn" được tháo bỏ, chất lượng đào tạo của các trường phụ thuộc điều gì? Việc các trường được tự chủ trong việc xác định điểm sàn xét tuyển đại học, cao đẳng liệu có dẫn đến khả năng các trường "vơ bèo vạt tép" để tuyển sinh, làm giảm chất lượng nguồn tuyển? Đây là vấn đề được dư luận quan tâm trong mùa tuyển sinh năm nay.

Tiến sĩ Trần Anh Tuấn, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT nhận định: Việc các trường được tự xác định mức điểm xét tuyển không loại trừ khả năng có trường sẽ lấy điểm chuẩn rất thấp để tuyển sinh. Tuy nhiên, điều này cũng có nghĩa là các trường sẽ bị hạ thấp uy tín, dẫn đến những nghi ngại trong dư luận, thí sinh và về lâu dài sẽ khó thể trụ vững.

Còn theo PGS.TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, đây không phải là điều quá lo lắng đối với các trường vốn có uy tín, luôn dồn sức tập trung cho việc nâng cao chất lượng đào tạo. Thực tế nhiều năm qua cho thấy có những trường hạ điểm chuẩn nhưng vẫn không tuyển đủ thí sinh, bởi phần lớn thí sinh hiện nay đã có cân nhắc, xem xét rất kỹ về trường mình dự định theo học. Vì vậy, để thu hút sinh viên một cách bền vững, các trường buộc phải nâng cao chất lượng đào tạo, tăng tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm. Đó là giải pháp gốc để nâng cao uy tín của các nhà trường, thu hút sinh viên theo học.

Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, trừ các trường đào tạo giáo viên, năm nay các trường được tự chủ hơn trong xét tuyển, nhưng cũng phải tự chịu trách nhiệm về chất lượng "đầu vào, đầu ra". Thương hiệu của nhà trường phụ thuộc chất lượng, vì vậy các trường phải lưu ý chất lượng tuyển sinh. Các trường tuyệt đối không được tuyển sinh bằng mọi giá, dẫn tới bức xúc trong dư luận.

Chất lượng tuyển sinh năm nay của các trường ra sao, câu trả lời đang còn chờ ở phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấp thỏm chất lượng “đầu vào”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.