Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp sức “báu vật nhân văn sống”

Thanh Thủy| 08/11/2017 06:49

(HNM) - Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội vừa công bố danh sách hồ sơ được đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân, Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2 - năm 2018...


Đau đáu niềm yêu di sản

Với 140 trường hợp đề nghị xét tặng các danh hiệu (19 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân; 121 hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú (đợt 1 là 39 trường hợp), đợt xét tặng danh hiệu năm 2018 nổi bật về số lượng hồ sơ và bao quát nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể hơn so với trước.

Một buổi tập hát trống quân của các nghệ nhân tại xã Khánh Hà, huyện Thường Tín.


Đặc biệt, trong đợt này, bên cạnh sự xuất hiện lần đầu của những nghệ nhân nhiều môn nghệ thuật trình diễn như kéo co ngồi, hát văn, múa hát Ải Lao, múa rồng, diều sáo…, còn có sự góp mặt của các nghệ nhân thuộc lĩnh vực tri thức dân gian, tập quán xã hội, tín ngưỡng (nghệ nhân gói bánh chưng, làm giò chả, tạo tác cây cảnh nghệ thuật, tục thờ Mẫu...). Điều này cho thấy bức tranh đa sắc của di sản văn hóa phi vật thể đã và đang hiện hữu trong đời sống, đồng thời thể hiện rõ tình yêu, thái độ trách nhiệm của lớp người tham gia gìn giữ, bảo vệ những giá trị văn hóa đó.

Những người có tên trong danh sách được đề nghị xét tặng danh hiệu đều thể hiện sự vui mừng, phấn khởi. Cụ Nguyễn Thị Vẫy (xã Khánh Hà, Thường Tín) chia sẻ: “Hơn 80 tuổi đời, tôi đã có 60 năm gắn bó với trình diễn, truyền dạy hát trống quân, chứng kiến giai đoạn di sản suy tàn rồi được hồi sinh. Đợt này, tôi vinh dự được địa phương đề xuất làm hồ sơ đề nghị Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Đó là nguồn động viên để tôi tiếp tục gắn bó với nghệ thuật hát trống quân, như những gì tôi đã luôn nỗ lực thực hiện trong suốt đời mình”.

Chung cảm xúc vinh dự, tự hào như cụ Nguyễn Thị Vẫy là nghệ nhân hát dô Nguyễn Thị Lan (xã Liệp Tuyết, Quốc Oai) khi đứng trước cơ hội được xét tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân sau hàng chục năm tham gia truyền dạy điệu hát cổ truyền. Bà Nguyễn Thị Lan cho biết: “Không giống với các loại hình di sản văn hóa phi vật thể khác, hát dô có những ràng buộc về mặt tâm linh nên việc gìn giữ, trao truyền gặp nhiều trở ngại, có lúc tưởng như phải buông tay, chấp nhận mất di sản. Với quyết tâm và sự ủng hộ của nhân dân, chính quyền địa phương, tôi đã được góp phần mình vào việc làm hồi sinh điệu hát cổ truyền. Nếu được trao danh hiệu, tôi sẽ có thêm động lực để trao truyền, quảng bá di sản, tiếp lửa cho lớp nghệ nhân mới”.

Cần có chế độ đãi ngộ thiết thực

Có một điểm nổi bật khác ở đợt xét tặng danh hiệu lần này, đó là sự xuất hiện của nhiều nghệ nhân trẻ bên cạnh lớp nghệ nhân gạo cội. Trong số này có nghệ nhân Phạm Công Bằng (45 tuổi), con trai nghệ nhân Phạm Văn Bể, người dành trọn đời mình cho nghệ thuật múa rối dân gian ở Tế Tiêu (Mỹ Đức). Nghệ nhân Phạm Công Bằng cho biết: “Tôi làm hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú với mong muốn tiếp tục phần việc mà cha tôi thực hiện dang dở. Dù được công nhận hay không thì tôi vẫn theo đuổi sự nghiệp này đến cùng vì tình yêu với nghệ thuật múa rối dân gian mà cha đã truyền lại và trách nhiệm đối với di sản”.

Theo nghệ nhân Phạm Công Bằng, anh và các thành viên phường rối Tế Tiêu đang dốc sức cho việc ra mắt khu trưng bày, trình diễn nghệ thuật múa rối truyền thống của địa phương. Đây sẽ là xưởng chế tác, sửa chữa quân rối, cũng là nơi truyền dạy kỹ thuật biểu diễn múa rối. “Có “trụ sở” mới, phường rối sẽ hoạt động tốt và thu hút nhiều người đến với nghệ thuật múa rối hơn. Tôi muốn làm ra những quân rối có kích cỡ lớn hơn, những kịch bản hấp dẫn để thu hút khán giả”, anh Phạm Công Bằng hào hứng nói.

Cũng có thể kể tới đào nương Nguyễn Thu Thảo (phường Thụy Khuê, Tây Hồ), người mới 24 tuổi nhưng đã có gần 20 năm biểu diễn, truyền dạy nghệ thuật ca trù. Chị Thu Thảo cho biết: “Năm nay, khi đã đủ tuổi nghề, tôi nộp hồ sơ với hy vọng danh hiệu sẽ chắp cánh để tôi hiện thực hóa ước mơ nuôi dưỡng, trao truyền di sản”.

GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn văn hóa tín ngưỡng dân gian, cho rằng, tình yêu, trách nhiệm của các nghệ nhân là nguồn sống của di sản. Xét tặng danh hiệu là việc làm phù hợp, có ý nghĩa tiếp sức cho những “báu vật nhân văn sống” trên con đường bảo tồn, phát huy giá trị di sản tại cộng đồng. Để công tác này phát huy hiệu quả hơn nữa, ngoài việc vinh danh, cần có chế độ đãi ngộ thiết thực, như bảo hiểm y tế, một khoản hỗ trợ, bảo đảm điều kiện cần có để nghệ nhân phát huy khả năng trong công tác bảo tồn di sản.

Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội Trương Minh Tiến, sự gia tăng về số lượng và các loại hình di sản văn hóa phi vật thể trong đợt xét tặng danh hiệu lần này là tín hiệu đáng mừng. Để bảo đảm quyền lợi cho các nghệ nhân, không bỏ sót những người xứng đáng, bên cạnh việc đổi mới công tác xét tặng danh hiệu như đơn giản hóa thủ tục hành chính, thay đổi hình thức tôn vinh..., công tác lập hồ sơ xét tặng được triển khai kỹ càng ở địa phương trong năm 2017 và cấp trung ương sẽ xem xét trong năm 2018.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp sức “báu vật nhân văn sống”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.