Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Chờ một cuộc bứt phá

Yên Nga| 25/05/2018 06:54

(HNM) - Với bề dày truyền thống văn hiến và anh hùng, nơi hội tụ, chắt lọc, lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc, Hà Nội được kỳ vọng giữ vai trò tiên phong trong phát triển văn học, nghệ thuật.


Dồn tâm huyết và nguồn lực

Khi xét đến những mục tiêu cơ bản được đề ra trong Nghị quyết số 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị ngày 16-6-2008 về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” (Nghị quyết 23), căn cứ vào 5 vấn đề lớn đã được nêu, liên quan đến việc đánh giá thành tựu, hạn chế của văn học, nghệ thuật (VHNT) trong giai đoạn trước khi Nghị quyết được ban hành, rõ ràng là VHNT Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng còn những mặt hạn chế nhất định. Trong đó phải kể đến là về sự thiếu vắng tác phẩm đỉnh cao, chất lượng công tác lý luận, phê bình chưa tương xứng yêu cầu, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ sáng tác, biểu diễn còn có sự bất cập... Bởi vậy, trong thời gian tới, nhiệm vụ mà TP Hà Nội xác định là dồn tâm huyết và nguồn lực để tiếp tục thực hiện Nghị quyết 23 nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ cho VHNT Thủ đô.

Độc giả luôn đón đọc các tác phẩm văn học - nghệ thuật hay. Ảnh: Thái Hiền


Trong quá trình chỉ đạo công tác tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 23, Thành ủy Hà Nội đã thể hiện rõ quan điểm tiếp tục bám sát và triển khai đồng bộ, hiệu quả hơn các nhiệm vụ đã được nêu trong Nghị quyết. Mục tiêu hàng đầu là hỗ trợ văn nghệ sĩ sáng tạo tác phẩm đỉnh cao, xây dựng lực lượng sáng tác, biểu diễn hùng hậu, tài năng. Theo NSND Trần Quốc Chiêm (Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội), điều quan trọng là tạo thêm điều kiện để văn nghệ sĩ thâm nhập thực tế, thiết lập không gian biểu diễn, công bố tác phẩm VHNT và có chính sách đãi ngộ tốt hơn nhằm tiếp thêm động lực sáng tạo. Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và các hội chuyên ngành phải trở thành mái nhà chung, nơi nuôi dưỡng bầu không khí sáng tạo lành mạnh cho các văn nghệ sĩ.

Một công tác cần được đẩy mạnh trong thời gian tới là đào tạo VHNT. Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội Trần Vũ Hoàng chia sẻ: “Nghệ sĩ có đời sống sáng tạo và cống hiến ngắn, nhưng phải đào tạo lâu dài, thậm chí ngay từ khi còn nhỏ. Vì vậy, học sinh, sinh viên cần được thực hành nghệ thuật để có thể trở thành nghệ sĩ thực thụ, cống hiến ngay khi rời ghế nhà trường”. Thời gian tới, thành phố sẽ huy động các nguồn xã hội hóa, đầu tư kinh phí xây dựng, nâng cấp, cải tạo các công trình văn hóa, nghệ thuật; mở rộng giao lưu, hợp tác, quảng bá, giới thiệu VHNT Thủ đô thông qua xúc tiến văn hóa, du lịch quốc tế. Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách về VHNT phù hợp với chuẩn mực quốc tế, Việt Nam và thực tiễn Thủ đô, như ưu đãi khi tính tuổi nghỉ hưu, chuyển đổi nhiệm vụ cho nghệ sĩ, diễn viên không còn khả năng biểu diễn nhưng vẫn trong tuổi lao động.

Việc quảng bá, giới thiệu các tác phẩm VHNT chất lượng sẽ được thực hiện theo cơ chế riêng, như hỗ trợ hoặc miễn, giảm kinh phí quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là với tác phẩm nghệ thuật truyền thống…

Thôi thúc tự đổi mới


Cần phải xác định rõ, dù có được sự hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhưng nếu văn nghệ sĩ không tự vận động thì rất khó tạo ra sự đột phá. Trách nhiệm của văn nghệ sĩ Thủ đô là phát huy truyền thống, bản sắc văn hiến Thăng Long - Hà Nội, góp phần xây dựng con người Thủ đô văn minh, thanh lịch, nhiệt huyết, cổ vũ họ dựng xây, cống hiến cho quê hương, đất nước.

Về tầm nhìn chiến lược, Hà Nội trong tương lai không chỉ là trung tâm lớn của quốc gia, mà còn của khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, là khu vực phát triển năng động, có chất lượng đô thị cao, môi trường đầu tư thuận lợi. Đó chính là chất liệu để văn nghệ sĩ đồng hành cùng Thủ đô và đất nước, tìm tòi, sáng tạo những tác phẩm mới có giá trị tư tưởng và nghệ thuật. Đất nước mở cửa, hội nhập vừa là thời cơ vừa là thách thức. Những luồng văn hóa du nhập ngày một mạnh mẽ, có cả điều hay và dở, cái đẹp song hành với yếu tố gây phản cảm, không phù hợp với thuần phong mỹ tục. Chính vì thế, mỗi văn nghệ sĩ cần nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo, đổi mới, thường xuyên trau dồi kỹ năng, say mê học hỏi, thâm nhập cuộc sống để thấu hiểu tâm tư, tình cảm của người Hà Nội, tạo ra những tác phẩm nghệ thuật có sức lay động mạnh mẽ. Có như vậy, mới đủ sức đối mặt với cái xấu, loại bỏ cái ác, sự lạc hậu bởi những tác phẩm VHNT mang tâm hồn Việt, được người cùng tiếng nói, màu da sáng tạo bao giờ cũng dễ tiếp nhận, có sức cảm hóa lớn lao.

Một điều đáng lưu ý mà Nghị quyết 23 đã đề cập, là mỗi người cần tỉnh táo, cảnh giác, tham gia sinh hoạt trong các tổ chức lành mạnh, tự trang bị cho mình kiến thức và bản lĩnh chính trị rõ ràng, để không chỉ giúp bản thân mà tích cực cùng với các cấp ủy Đảng, chính quyền chống lại âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch bằng cách sáng tạo những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao.

VHNT, xét cho cùng, có mục đích hướng con người đến những giá trị chân - thiện - mỹ và văn nghệ sĩ là những người giữ vai trò tiên phong trong thực hiện nhiệm vụ đó. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 23, việc tổng kết, đánh giá tình hình VHNT, xác định những bài học kinh nghiệm và giải pháp cho giai đoạn sắp tới là điều cần thiết. Hơn tất cả, để tạo ra bước phát triển mang tính đột phá, các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan quản lý văn hóa, VHNT cần xác định lại, một lần nữa, về vai trò của VHNT đối với yêu cầu cách mạng trong thời kỳ mới. Đồng thời xác định trách nhiệm trong việc phối hợp, tạo điều kiện đầy đủ hơn cả về vật chất, tinh thần để đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy tiềm năng sáng tạo, tạo ra những đỉnh cao nghệ thuật, góp phần đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nghệ thuật của nhân dân.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Chờ một cuộc bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.