Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tổng Gối có hội Chèo tàu

Linh Tâm| 01/06/2018 19:01

(HNM) - Chèo tàu là hình thức nghệ thuật diễn xướng dân gian độc đáo có một không hai của xã Tân Hội (huyện Đan Phượng). Hơn 3 thế kỷ đã trôi qua kể từ lần đầu tiên Hội Chèo tàu tổng Gối được tổ chức (năm 1683) và sau 76 năm đứt đoạn (từ năm 1922), hội được khôi phục và tổ chức thường niên từ năm 1998 đến nay.


Vốn cổ độc đáo

Xã Tân Hội (huyện Đan Phượng, Hà Nội) ngày nay thuộc vùng tổng Gối (phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông) xưa. Đây là “cái nôi” của nghệ thuật hát Chèo tàu gắn liền với Lễ hội Chèo tàu tổng Gối độc đáo có từ hơn 300 năm trước. Xưa kia, lễ hội Chèo tàu phải 25 năm mới được tổ chức một lần, kéo dài từ ngày Rằm đến hết ngày 23 tháng Giêng. Ngày nay, hội Chèo tàu tổng Gối được tổ chức từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng hằng năm trên cánh đồng làng Thượng Hội, gần lăng Văn Sơn - nơi chôn cất và thờ tướng Hắc Y Dạ Xoa Văn Dĩ Thành, một người con của tổng Gối có công phò vua Trần Trùng Quang đánh giặc Minh xâm lược trong những năm đầu thế kỷ thứ XV. Sau khi mất, Ngài được người dân tôn là Thành hoàng làng và tổ chức lễ hội Chèo tàu hằng năm để tưởng nhớ công ơn.

Khâu chuẩn bị cho lễ hội được người dân các làng Thượng Hội, Thúy Hội, Vĩnh Ký, Phan Long phân công chuẩn bị kỹ từ trước đó rất lâu. Hai làng Thượng Hội và Thúy Hội mỗi làng làm một chiếc thuyền rồng bằng gỗ dài 4-5m, rộng khoảng 2m, ở giữa có một cái lọng, dưới có bánh xe bằng gỗ để đẩy đi được dễ dàng. Làng Vĩnh Kỳ và Phan Long mỗi làng làm một con voi bằng gỗ cao chừng 2,5m, dài gần 3m, có cắm cờ và lọng.

Ngày 13 tháng Giêng, các cụ cao niên trong làng chịu trách nhiệm việc bao sái đồ thờ, dọn dẹp miếu Voi Phục và lăng Văn Sơn. Sáng sớm ngày 14, lễ rước được tiến hành với đội hình gồm: Đội múa sư tử, trống, thanh la, múa lân rồng, đội sinh tiền, bát âm, cờ thần, bát bửu, đội con đĩ đánh bồng, kiệu cỗ của 4 làng, đoàn voi thuyền... Theo sau các cỗ kiệu là các cụ cao niên cùng dân làng. Đoàn rước đi đến cổng lăng Văn Sơn, làm lễ bái vọng, sau đó rước kiệu ra miếu Voi Phục. Cùng lúc đó, CLB hát Chèo tàu biểu diễn tại lăng Văn Sơn. Sáng ngày 15 tháng Giêng các ban tế vẫn tế lễ tại lăng Văn Sơn và miếu Voi Phục. Đến chiều, các cụ làm lễ tế giã để kết thúc lễ hội.

Đặc sắc nhất trong lễ hội là màn hát Chèo tàu với các làn điệu đối đáp giữa hai “tàu” - là những chiếc thuyền rồng bằng gỗ được các thôn chuẩn bị sẵn. Đặc biệt, những con tàu này không được hạ thủy mà chỉ để “bơi” tượng trưng trên cạn. Mỗi tàu gồm 13 người gồm “bà chúa tàu”, 2 “cái tàu” và 10 “con tàu”. “Bà chúa tàu” khoảng 50 tuổi, phải là người giỏi múa hát, gia đình song toàn. “Cái tàu” và “con tàu” là gái thanh tân từ 13 - 16 tuổi, gia đình gia giáo, bản thân ngoan ngoãn, hát hay, múa giỏi. Khi biểu diễn, “bà chúa tàu” đánh thanh la, 2 “cái tàu” lĩnh xướng và các “con tàu” hát họa theo. Ngoài ra, hát Chèo tàu không thể thiếu đôi tượng (voi) dựng phía sau mỗi tàu. Mỗi con voi có hai quản tượng là nữ cải trang thành nam.

Nội dung của các bài hát trong diễn xướng Chèo tàu là những bài hát riêng và những bài hát đối đáp của "tàu" và "tượng", đều nhằm ca ngợi công đức của Thành hoàng tổng Gối Văn Dĩ Thành. Hát Chèo tàu Tân Hội gồm 20 làn điệu, được chia thành các hình thức như: Hát trình, hát thuyền và hát bỏ bộ. Quy trình hát được thực hiện chặt chẽ theo thứ tự: Lễ trình, dâng hương, dâng rượu, bài tàu (hoặc bài tượng), hát bỏ bộ, hát các bài lý, hát ví... Điều đặc biệt là, tất cả các bài hát của nghệ thuật Chèo tàu cho đến nay vẫn được người dân Tân Hội giữ gìn nguyên vẹn lời ca cổ mà không hề bị pha tạp như nhiều loại hình diễn xướng dân gian khác hiện nay.

Những "báu vật nhân văn sống"


Có thể nói, nghệ thuật hát Chèo tàu ở Tân Hội là một trong số không nhiều di sản văn hóa phi vật thể còn được giữ gìn nguyên vẹn như vốn cổ mà các thế hệ trước để lại sau nhiều thế kỷ, đặc biệt là trong hoàn cảnh cứ 25 năm lễ hội mới được tổ chức một lần như trước đây. Bên cạnh đó, sự đứt quãng về thời gian do chiến tranh và nhiều điều kiện tự nhiên, xã hội khác đã gây không ít khó khăn cho người dân xã Tân Hội trong việc khôi phục một lễ hội diễn ra lần cuối cùng từ năm 1922. Năm 1998, khi chính quyền xã cùng người dân ý thức được vốn cổ quý giá của quê hương đã quyết tâm khôi phục bằng được di sản hát Chèo tàu. Nhưng khi đó, nguồn tư liệu về di sản rất hiếm. Những nhân chứng - là các ca nhi được tham dự lễ hội cuối cùng, không còn nhiều, đa phần đều đã quá tuổi “cổ lai hy” như các cụ Tiến Thị Lục, Kim Thị Ba, Nguyễn Thị Năm... Tuy nhiên, họ thực sự là những “báu vật nhân văn sống” khi vẫn còn nhớ như in lối hát, lời ca cổ của nghệ thuật diễn xướng Chèo tàu để truyền lại cho thế hệ sau.

Cùng với sự giúp đỡ của Viện Âm nhạc Việt Nam, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội và Sở Văn hóa - Thông tin tỉnh Hà Tây (và nay là Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội), thế hệ nghệ nhân kế cận gồm các ông bà Ngô Thị Thu, Nguyễn Thị Tuyết, Đông Sinh Nhật, Nguyễn Hữu Yến đã bỏ công sức, tâm huyết cùng các nhà nghiên cứu tham gia sưu tầm, tư liệu hóa các bài hát dân gian được lưu giữ trong dân để học, đối chiếu cách hát cho chuẩn. Họ cũng chính là những thành phần chủ chốt thành lập, duy trì và phát triển CLB hát Chèo tàu Tân Hội suốt 20 năm qua, để đến ngày hôm nay CLB đã thu nhiều “quả ngọt”. Đó là phần lớn thế hệ trẻ ở Tân Hội ngày nay đều biết hát, biểu diễn thuần thục các làn điệu, bài hát Chèo tàu của quê hương mình. CLB hát Chèo tàu Tân Hội từ chỗ chỉ có vài hội viên, đến nay, sau 20 năm với 6 khóa học được mở đã tăng lên hơn 200 hội viên, trong đó có nhiều em nhỏ mới chỉ 10 tuổi đã say mê các câu ví, bài tàu, hát bỏ bộ... Cứ như vậy, hết thế hệ này trưởng thành lại đến thế hệ sau kế tiếp không ngừng nghỉ đã tạo nên sức sống mãnh liệt cho nghệ thuật hát Chèo tàu ở Tân Hội.

Tâm huyết của thế hệ đi trước đã truyền lại ngọn lửa đam mê với nghệ thuật hát Chèo tàu cho thế hệ trẻ ở Tân Hội ngày nay. Ý thức được đây là di sản văn hóa độc đáo chỉ có ở xã Tân Hội nói riêng và Hà Nội nói chung, những người dân Tân Hội và ngành Văn hóa Thủ đô đã và đang chung tay gìn giữ để viên ngọc quý này mãi tỏa sáng./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng Gối có hội Chèo tàu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.