Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Để Quy tắc ứng xử "bám rễ" sâu trong cuộc sống

Thanh Thủy| 27/08/2018 06:36

(HNM) - “Thiết thực và gần gũi” là cảm nhận của số đông người dân khi tiếp cận hệ thống Quy tắc ứng xử nơi công cộng và Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội đang lan tỏa trên toàn thành phố.

Đoàn viên huyện Đông Anh hướng dẫn người dân kê khai giấy tờ tại bộ phận “một cửa” UBND huyện. Ảnh: Thái Hiền


Tăng tuyên truyền, mạnh xử phạt

Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng của cụm 1, TP Hà Nội năm 2018, tại Hội trường Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể thao quận Bắc Từ Liêm vừa kết thúc với thật nhiều cung bậc cảm xúc. Theo ông Nguyễn Văn Dĩnh (tổ dân phố 1, phường Long Biên, quận Long Biên), với hình thức sân khấu hóa, những câu chuyện ứng xử từ mọi ngõ ngách cuộc sống hiện lên bức bối hơn, tác động sâu sắc tới tâm tư, tình cảm của người xem. Trực tiếp chứng kiến mới biết, nhân dân rất ủng hộ và kỳ vọng vào chính quyền thành phố trong việc cải thiện văn hóa ứng xử, vì chất lượng cuộc sống của mọi người.

Trước đó, tọa đàm về đẩy mạnh triển khai Quy tắc ứng xử tới tổ dân phố với cách tổ chức mới mẻ cũng được thí điểm tại một số quận, huyện đã thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của đông đảo người dân. Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Ngô Văn Nam đánh giá, với cách làm gợi mở, đi vào trọng tâm, nhiều vấn đề bức xúc dân sinh, những khó khăn, bất cập trong việc áp dụng Quy tắc ứng xử ở cơ sở được người dân thảo luận sôi nổi, cùng đưa ra giải pháp tại buổi tọa đàm. Trong thời gian tới, mô hình này sẽ được thực hiện tại tất cả xã, phường, khu dân cư trên toàn thành phố, là cơ sở để mọi người dân hình thành thói quen, lối ứng xử phù hợp với chuẩn mực văn hóa.

Đổi mới hình thức tuyên truyền, vận động là một trong những giải pháp nhằm lan tỏa hệ thống Quy tắc ứng xử trong đời sống cộng đồng mà Hà Nội đang tích cực thực hiện. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU đã xác định Quy tắc ứng xử nơi công cộng cần được ưu tiên tuyên truyền tại các khu vực trọng điểm như chợ, trung tâm thương mại, bến xe... Với Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị thuộc TP Hà Nội, các cơ quan, đơn vị đưa yêu cầu thực hiện Quy tắc ứng xử vào chương trình thi đua hằng năm.

Ban Chỉ đạo Chương trình 04 - CTr/TU về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” của Thành ủy Hà Nội đã giao Sở Nội vụ dự thảo bộ chế tài xử lý các vi phạm trong thực hiện văn hóa ứng xử với 114 tình huống vi phạm trong cơ quan, đơn vị và 7 hình thức xử lý, từ nhắc nhở đến buộc thôi việc với công chức, viên chức. Ông Trần Huy Sáng, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội cho biết: Trong quá trình xây dựng thí điểm và lấy ý kiến của các cơ quan liên quan, thành phố sẽ kiến nghị với trung ương phân cấp cho Hà Nội thẩm quyền ban hành hoặc thí điểm thực hiện chế tài xử lý. Khi đó, Hà Nội có đủ cơ sở pháp lý để xử lý các vi phạm trong văn hóa ứng xử.

Sẽ tăng cường thanh tra công vụ đột xuất

Lịch sử phát triển của Thủ đô trải qua nhiều biến động về dân cư, địa lý hành chính, những tác động của quá trình đô thị hóa và hội nhập quốc tế. Đó là cơ hội, cũng là thách thức cho Hà Nội trong tiến trình gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa. Trước những báo động về lệch chuẩn hành vi ứng xử, không phải chỉ trong giai đoạn này mà từ nhiều năm về trước, vấn đề xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh đã được chính quyền và nhân dân Thủ đô đặc biệt coi trọng.

Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 04-CTr/TU Nguyễn Thị Bích Ngọc khẳng định, giải pháp cốt lõi để Quy tắc ứng xử đi vào cuộc sống vẫn là tăng cường tuyên truyền, vận động và đặc biệt, công tác giám sát thực hiện cần được chú trọng hơn.

Trước hết, cán bộ, công chức trong các cơ quan, đơn vị giám sát lẫn nhau; thủ trưởng đơn vị phải chịu trách nhiệm với cán bộ, công chức ở đơn vị mình (nếu xảy ra sai phạm). Đi cùng với việc tuyên truyền, vận động, trong năm 2018, Hà Nội sẽ tăng cường thanh tra công vụ đột xuất, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các vi phạm trong cán bộ, công chức, viên chức, người lao động…

Tham góp ý kiến cùng thành phố, Tiến sĩ, kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội cho rằng, mỗi người dân với trách nhiệm của mình phải tự chấn chỉnh, nhắc nhở lẫn nhau để cùng thực hiện hệ thống Quy tắc ứng xử. Khi có sự vào cuộc của tất cả người dân, thành phố sẽ trở thành thành phố thanh lịch, văn minh, hiện đại...

Nhiều ý kiến cho rằng, cần phân việc tuyên truyền, vận động thực hiện các nội dung trong Quy tắc ứng xử cho từng đoàn thể phụ trách. Chẳng hạn, Đoàn thanh niên lo xây dựng văn hóa giao thông; Hội Liên hiệp phụ nữ phụ trách vấn đề vệ sinh môi trường; Hội Cựu chiến binh vận động giữ gìn an ninh trật tự…

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, việc nêu gương trong ứng xử hằng ngày là rất quan trọng. Từ những việc nhỏ như: Ông bà, cha mẹ làm gương đội mũ bảo hiểm, không vượt đèn đỏ…; thủ trưởng gương mẫu trong công việc cũng như ứng xử với nhân viên, đồng nghiệp... sẽ có tác dụng tuyên truyền, giáo dục hơn nhiều so với những hình thức vận động khác.

Cùng với đó, các địa phương cần có hình thức biểu dương gia đình thực hiện tốt và nhắc nhở những trường hợp chưa tốt; khen thưởng, nêu gương các tập thể, cá nhân có ý thức tuyên truyền, vận động, lan tỏa Quy tắc ứng xử. Làm được như vậy, chỉ cần có thêm thời gian, Quy tắc ứng xử sẽ "bám rễ" sâu vào cuộc sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Để Quy tắc ứng xử "bám rễ" sâu trong cuộc sống

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.