Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bền bì, kiên trì mới mang lại hiệu quả

Hoàng Lân| 06/09/2018 18:08

(HNMO) - Ngày 6-9, Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức hội nghị thống nhất kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ứng xử văn hóa và đấu tranh phòng, chống các hành vi bạo lực trên địa bàn Thủ đô với một số sở, ngành và cơ quan báo chí Hà Nội.

Tuyên truyền QTƯX hiệu quả bước đầu

Theo báo cáo của các đơn vị, sau hơn 1 năm ban hành Quy tắc ứng xử (QTƯX), nhiều hoạt động tuyên truyền đã được triển khai. Sở VH-TT đã tổ chức nhiều hoạt động dày đặc như: Tọa đàm thí điểm về tuyên truyền QTƯX nơi công cộng; hội thi trưởng thôn thân thiện; hội thi truyên truyền QTƯX các cấp... Báo cáo của Sở VH-TT Hà Nội cũng nêu rõ, hiện nay 100% các khu dân cư, hộ gia đình thực hiện niêm yết nội dung QTƯX, tổ chức các buổi tọa đàm lấy ý kiến rộng rãi của nhân dân.

Hội thi tuyên truyền Quy tắc ứng xử diễn ra sôi nổi tại nhiều địa phương.


Phát biểu tại hội nghị, ông Ngô Văn Nam - Trưởng phòng Nếp sống Văn hóa và Gia đình (Sở VH-TT Hà Nội) bày tỏ, việc tuyên truyền hai QTƯX cần phải thực hiện đồng bộ, thường xuyên và kiên trì, bền bỉ để người dân ngấm dần nội dung các quy tắc với những việc nên và không nên, từ đó mới có hành động đẹp. Thời gian tới, việc tuyên truyền QTƯX cần phải thực hiện đa dạng, phong phú với nhiều hình thức hấp dẫn và thiết thực hơn để quy tắc đi vào đời sống hiệu quả hơn.

Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cũng đã đẩy mạnh tuyên truyền QTƯX tại các đơn vị trực thuộc, giải quyết chế độ cho các gia đình chính sách, có công với cách mạng. Sở tập trung lồng ghép tuyên truyền kỹ năng ứng xử cho người lao động, siết chặt kỷ cương hành chính tại các cơ quan, đơn vị.

Sở Giáo dục và đào tạo (GD-ĐT) Hà Nội lại cho rằng, hiện nay sở đã đưa giáo trình dạy nếp sống thanh lịch, văn minh cho học sinh các cấp trên địa bàn Hà Nội. Giáo trình này đã tạo được sự thay đổi rõ nét trong ứng xử của học sinh Hà Nội.

Các cơ quan truyền thông trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng thường xuyên thực hiện các bài viết tuyên truyền hai QTƯX của TP Hà Nội và nhiều hoạt động, sự kiện lớn nhằm đẩy mạnh việc tuyên truyền hiệu quả hai quy tắc. Ví như Báo Hànộimới tổ chức cuộc thi ảnh “Người Hà Nội ứng xử thanh lịch, văn minh”, mở chuyên mục mới “Người Hà Nội thanh lịch, văn minh” trên báo Điện tử Hànộimới; Đài truyền hình Hà Nội xây dựng chuyên mục Người Tràng An, phát sóng vào khung giờ “vàng”; báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chuyên mục mới và Góc ảnh trên các ấn phẩm…

Kiên trì chống hành vi bạo lực

Một trong những vấn đề được đưa ra trong hội nghị là phòng chống hành vi bạo lực trong gia đình, nhà trường và xã hội. Theo đánh giá chung từ các ý kiến, hành vi bạo lực trên địa bàn thành phố vẫn diễn biến phức tạp. Mặc dù thời gian qua, nhiều chương trình, nhiều thông tin phản ánh của các báo đã quan tâm giáo dục đạo đức lối sống của nhân dân từ trong nhà trường, đến đoàn thanh niên, hội phụ nữ… nhưng các hành vi bạo lực vẫn xảy ra ví như tình trạng bạo lực học đường, bạo lực gia đình.

Theo thống kê, thời gian qua, Hà Nội có 200 vụ gây mất an ninh trật tự. Sau khi quyết liệt triển khai tuyên truyền đấu tranh phòng, chống các hành vi bạo lực, thành phố vẫn còn 50% vụ việc phức tạp, tiềm ẩn các nhiều hành vi gây rối. Chính vì vậy, để phòng chống hành vi bạo lực, rất cần sự chung tay vào cuộc của các đơn vị sở, ngành và các cơ quan truyền thông.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong chủ trì hội nghị.


Đại diện Sở LĐ-TB&XH cho rằng, hiện nay vấn đề phòng chống hành vi bạo lực cần phải được lồng ghép trong các môn học chính trị, giáo dục quốc phòng an ninh; gắn với trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm; lồng ghép trong kỹ năng sống tại các đơn vị, doanh nghiệp, nhà trường để có ứng xử văn hóa…

Về vấn đề này, đại diện Sở GD-ĐT cũng cho biết, hiện nay, ngành giáo dục đã tổ chức tập huấn cho cán bộ các trường THPT cả công lập lẫn ngoài công lập về các cách phòng chống hành vi bạo lực. Đây cũng là một trong những tiêu chí để đánh giá trường có chuẩn quốc gia hay không. Tuy nhiên, do các trường còn gặp khó khăn như thiếu giáo viên tâm lý nên để giải quyết vấn đề tâm lý học đường cũng là một bài toán nan giải cho các trường.

Kết luận tại hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong khẳng định, công tác tuyên truyền thực hiện hệ thống QTƯX và phòng chống hành vi bạo lực trên địa bàn Thủ đô thời gian qua đã được triển khai thường xuyên, liên tục. Kể từ khi hệ thống QTƯX được đưa vào cuộc sống, dù chưa có nhiều đột phá song công tác này cũng đã mang lại nhiều chuyển động tích cực cho đời sống.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy yêu cầu, thời gian tới, các cơ quan truyền thông Hà Nội cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, lên kế hoạch mở chuyên trang, chuyên mục, tập trung đầu tư cho báo điện tử, trang fanpage… để đáp ứng nhu cầu thông tin của xã hội hiệu quả, tạo áp lực truyền thông khiến các cơ quan quản lý phải vào cuộc quyết liệt, thực chất hơn.

Đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị các cơ quan, đơn vị lựa chọn các hình thức tuyên truyền và thực hiện các nội dung trên phù hợp với đặc trưng của đơn vị trên tinh thần nhận thức rõ hơn, xác định tầm quan trọng của công tác tới các lĩnh vực trong đời sống xã hội.

Công an Hà Nội xây dựng kế hoạch triển khai tổ chức tư vấn tâm lý học đường tại các trường học; sở GD-ĐT xây dựng, triển khai các giải pháp phòng ngừa, giải quyết dứt điểm tình trạng bạo lực học đường; sở Tư pháp nghiên cứu đề xuất tuyên truyền phòng chống các hành vi bạo lực từ khu dân cư… Các ban, ngành và các cơ quan truyền thông Hà Nội thực hiện báo cáo, giao ban định kỳ hàng quý về công tác tuyên truyền thực hiện các nội dung này.

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy nhấn mạnh, ngay từ bây giờ các đơn vị phải chú tâm xây dựng kế hoạch tuyên truyền phổ biến, giáo dục ứng xử văn hóa và đấu tranh phòng, chống các hành vi bạo lực cho năm 2019. Việc tuyên truyền cần phải thực hiện lâu dài, bền bỉ mới mong đem lại hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bền bì, kiên trì mới mang lại hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.