Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn trương xử lý, chấn chỉnh

Hà Hiền| 15/11/2017 06:50

(HNM) - Khi nhu cầu làm việc ở nước ngoài ngày càng tăng, một số tổ chức, cá nhân đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của người lao động hòng chiếm đoạt tài sản...

Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.



Xử lý nhiều tổ chức, cá nhân vi phạm

Thống kê cho thấy, số người đi làm việc ở nước ngoài tăng đều hằng năm. Năm 2016, cả nước ghi nhận hơn 126.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài, tăng 26% so với kế hoạch. Từ đầu năm đến nay, trung bình mỗi tháng có hơn 10.000 người ra nước ngoài làm việc, vượt xa so với mục tiêu đề ra. Với đà tăng này, mỗi năm nước ta sẽ có hơn 100.000 người đi làm việc ở nước ngoài. Nhờ chăm chỉ làm việc, học hỏi, đa số lao động làm việc ở nước ngoài có thu nhập ổn định, có thể gửi tiền về nhà, giúp gia đình có vốn phát triển sản xuất, nâng cao mức sống. Vì thế, xuất khẩu lao động không chỉ là giải pháp xóa đói, giảm nghèo hiệu quả, mà còn góp phần chuẩn bị lực lượng lao động có trình độ, tay nghề đáp ứng nhu cầu phát triển đất nước.

Tuy nhiên, trên thực tế tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này đang diễn biến phức tạp. Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đã công bố danh sách 46 doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép hoạt động xuất khẩu lao động. Danh sách này gồm nhiều doanh nghiệp có địa chỉ giao dịch tại TP Hà Nội như Tổng công ty Sông Đà (tên giao dịch Songda Corporation, có địa chỉ tại nhà G10, phường Thanh Xuân Nam, quận Thanh Xuân); Tổng công ty Sông Hồng (Songhong Corp, số 70 An Dương, quận Tây Hồ); Công ty cổ phần Phát triển nguồn nhân lực Hoa Anh Đào (thôn Đồng Nhân, xã Hải Bối, huyện Đông Anh)… Không chỉ vậy, nhiều vụ việc lừa đảo cũng bị phát hiện.

Theo quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, sau khi Bộ LĐ-TB&XH thu hồi giấy phép, các doanh nghiệp vẫn phải có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong hợp đồng cung ứng lao động đã ký với đối tác nước ngoài và hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài khi hợp đồng còn hiệu lực và có phương án thực hiện trách nhiệm đối với người lao động theo các hợp đồng còn hiệu lực.



Tăng cường tuyên truyền, hoàn thiện chính sách

Vi phạm trong hoạt động xuất khẩu lao động không chỉ xâm hại quyền lợi của người lao động mà còn ảnh hưởng tới uy tín của thị trường lao động Việt Nam với đối tác nước ngoài. Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An, tính đến cuối tháng 7 năm nay, số lao động người Nghệ An bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc lên đến hơn 2.400 người; 10 huyện và TP Vinh thuộc tỉnh Nghệ An có tên trong danh sách các địa phương phải tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc trong năm 2017. Một số địa phương thuộc TP Hà Nội, các tỉnh: Hải Dương, Hà Tĩnh, Thanh Hóa cũng phải tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc. Hiện nay, nhiều thị trường lao động cũng đưa ra điều kiện tuyển dụng lao động khắt khe hơn so với những năm trước.

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, từ đầu năm đến nay, Bộ LĐ-TB&XH đã rút giấy phép hoạt động của 4 doanh nghiệp, thu hồi giấy phép của nhiều doanh nghiệp khác. Số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động bị xử phạt, chấn chỉnh trong năm 2017 nhiều nhất từ trước đến nay. Hầu hết, những doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép là do vi phạm quy định về xuất khẩu lao động, như: không trực tiếp tuyển dụng lao động, cho người khác sử dụng giấy phép, lợi dụng hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu tiền trái phép; đưa lao động ra nước ngoài làm việc nhưng không đăng ký hợp đồng cung ứng lao động…

Hiện nay, Bộ LĐ-TB&XH đang lấy ý kiến xây dựng dự thảo nghị định mới liên quan tới việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, để thay thế cho các quy định không còn phù hợp.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan chức năng cần đa dạng hóa hình thức thông tin, tuyên truyền về chính sách lao động, việc làm, xuất khẩu lao động đến đông đảo người dân, nhất là người dân vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các trung tâm dạy nghề, trung tâm dịch vụ việc làm cần tăng cường hoạt động tư vấn, định hướng thị trường và mở nhiều phiên giao dịch việc làm, tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Với những người đi làm việc ở nước ngoài trở về, Nhà nước cần có chính sách tận dụng lực lượng lao động này, tránh lãng phí nguồn nhân lực có tay nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương xử lý, chấn chỉnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.