Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đại biểu HĐND thành phố: Cần xây dựng Hà Nội với 3 chữ "minh"

Nhóm PV HNMO| 04/12/2017 17:06

(HNMO) - Chiều 4-12, thảo luận về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô năm 2018, đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Sóc Sơn) mong muốn Hà Nội phát triển theo hướng là thành phố văn minh với phương thức thông minh và nguyên tắc minh bạch.

Nên thí điểm quản lý đô thị thông minh trên một địa bàn

Đại biểu Nguyễn Thanh Bình (Sóc Sơn).


"Hơn địa phương nào hết, Hà Nội cần thực sự trở thành thành phố văn minh. Thời gian qua, thành phố có nhiều cố gắng, nỗ lực nhưng kết quả còn có một số hạn chế như tội phạm có dấu hiệu gia tăng; ứng xử một vài cán bộ công chức với tự nhiên, với cảnh quan, môi trường chưa đạt được yếu tố một đô thị văn minh, thân thiện" - đại biểu Thanh Bình nêu.

Trong phương thức để phát triển, quản lý và điều hành, thành phố cần bổ sung nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng chính quyền đô thị ở khu vực nội thành cùng với phương thức quản lý vận hành theo hướng đô thị thông minh. Thời gian tới, thành phố tới nên xây dựng đề án và thí điểm quản lý đô thị thông minh trên một địa bàn.

Trong năm 2018 và những năm tới, đại biểu đề nghị thành phố tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao tinh thần phục vụ nhân dân và doanh nghiệp theo hướng công khai, minh bạch, bảo đảm theo đúng quy định và đồng bộ trên các lĩnh vực: Quy hoạch, kế hoạch; quy định, quy chế làm việc; quy trình giải quyết nội bộ về thẩm quyền trách nhiệm của cán bộ công chức cơ quan các cấp.

Đại biểu Dương Đức Tuấn (Hoàn Kiếm).


Cùng đề cập đến vấn đề xây dựng chính quyền đô thị, đại biểuDương Đức Tuấn (Hoàn Kiếm)cho rằng thành phố cần chú ý sớm hoàn thành phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch chung, đặc biệt là quy hoạch sông Hồng, hoàn chỉnh quy hoạch nông thôn nhằm tạo lập công cụ quản lý đô thị ổn định; nâng cao năng lực chất lượng quản lý điều hành, triển khai toàn diện thí điểm 2 năm cơ cấu và tổ chức lại đội quản lý, thanh tra xây dựng để khắc phục vi phạm trật tự xây dựng, trật tự môi trường.

Đại biểu này cũng đề xuất xây dựng nguồn lực, cơ chế để đẩy mạnh dự án xây dựng hạ tầng giao thông; xây dựng kế hoạch, lộ trình để triển khai đề án tăng cường quản lý giao thông đường bộ trong thời gian tới.

ĐB Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) cũng mong muốn, trong năm 2018,  thành phố ưu tiên tập trung nguồn lực để giải quyết thấu đáo, hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm như đa dạng hóa các hình thức đầu tư, huy động vốn trong và ngoài nước để hoàn thiện việc xây dựng, kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông, quyết tâm thực hiện hiệu quả, đúng tiến độ Đề án "Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn đến năm 2030" mà HĐND thành phố đã thông qua tại kỳ họp thứ tư.

ĐB Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân).


Đại biểu cũng kiến nghị với Chính phủ và phối hợp với các bộ, ngành để thực thi nghiêm túc và hiệu quả Quyết định 130 của Thủ tướng về di dời trụ sở bộ, ngành, bệnh viện, trường học, cơ sở ô nhiễm ra khỏi nội đô;

Hoàn thiện các cơ chế, quy chế, quy định, nhất là quy chế cải tạo chung cư cũ, quy chế quy hoạch chi tiết và hợp khối thửa đất, quy chế trùng tu, cải tạo, chỉnh trang biệt thự cũ, nhà cũ; quy chế xã hội hóa trung tâm thể dục thể thao, nhà văn hoá... để tạo điều kiện cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân tham gia chỉnh tra xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Ưu tiên đặc biệt cho quy hoạch sông Hồng để tạo một diện mạo mới cho thủ đô cũng như giải quyết các vấn đề liên quan khác.

Hỗ trợ doanh nghiệp cần có chiến lược rõ ràng

Phát biểu mở đầu phiên thảo luận, đại biểuNguyễn Văn Thắng (Tây Hồ)cho rằng, thành phố đã nhiều lần đối thoại và giải quyết tháo gỡ khó khăn cho nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh nên cộng đồng các doanh nghiệp đã có sự tin tưởng vào sự lãnh đạo của thành phố với nhiều cơ chế, chính sách tốt.

Đóng góp ý kiến vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, đại biểu Nguyễn Văn Thắng đề xuất một số giải pháp như thành phố cần có chủ trương để giải quyết các thác thức đặt ra bởi cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0; có giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh khi trong tiến trình hội nhập năm 2018, nhiều thuế suất nhiều mặt hàng giảm về 0.

Đại biểu Nguyễn Văn Thắng (Tây Hồ).


Cũng theo đại biểu, Hà Nội cần có giải pháp mạnh mẽ hơn để đưa du lịch trở thành mũi nhọn kinh tế; kiểm tra việc xử lý nước thải tại các khu chung cư để bảo đảm tiêu chuẩn; thúc đẩy các dự án cấp nước sạch cho khu vực nông thôn và có giải pháp đầu tư mạnh hơn để hoàn thành chỉ tiêu công nhận lại các trường chuẩn quốc gia....

Tiếp đó, đại biểuPhạm Đình Đoàn (quận Hoàng Mai)cho rằng, thành phố đã có nhiều cố gắng trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi trọng kỷ cương kỷ luật hành chính. Tuy nhiên, sự chuyển biến trong nhận thức và hành vi, đặc biệt là những người trực tiếp giao tiếp với dân chuyển biến chậm. Chất lượng các dự án khởi nghiệp ở mức trung bình, nhiều loại hình khởi nghiệp chưa được cập nhật.

Vì vậy, đại biểu đề xuất, để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thành phố cần tiếp tục cải thiện các thành phần để nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), tập trung hơn nâng cao năng lực phục vụ, tính công khai minh bạch về thông tin thủ tục hành chính; tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ công chức.

Với kế hoạch tăng số doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô lên hơn 400.000 vào năm 2020, 3 năm nữa phải tăng 150.000 doanh nghiệp, chưa kể những doanh nghiệp đóng cửa, trung bình mỗi năm cần có trên 50.000 doanh nghiệp được thành lập mới.

Đại biểu Phạm Đình Đoàn (Hoàng Mai).


"Đây là thử thách lớn bởi năm 2017 có khoảng 25.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Vì vậy, việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ để doanh nghiệp tồn tại, tạo môi trường thuận lợi và thành lập DN mới cần có chiến lược rõ ràng”, đại biểu Phạm Đình Đoàn nói. Bên cạnh đó, Luật hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ mới được thông qua, cần có các hướng dẫn cụ thể đối với khối doanh nghiệp.


Về khuyến khích thúc đẩy khởi nghiệp, theo đại biểu Phạm Đình Đoàn, cần tăng cường xã hội hóa kêu gọi trách nhiệm của doanh nghiệp lớn trong công tác khởi nghiệp. Để vườn ươm doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, phải hỗ trợ ban đầu cho doanh nghiệp như cấp đất, hỗ trợ hạ tầng, đồng thời thành phố tạo cơ chế giúp doanh nghiệp khởi nghiệp huy động vốn trực tiếp từ xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đại biểu HĐND thành phố: Cần xây dựng Hà Nội với 3 chữ "minh"

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.