Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cơ hội song hành thách thức

Minh Ngọc| 08/08/2018 07:09

(HNM) - Kỷ nguyên số và cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng tạo ra không ít thách thức đối với lao động nữ. Để chuyển hóa thách thức thành cơ hội thì ngoài những chính sách phù hợp, lao động nữ cần tranh thủ mọi điều kiện để phát triển, phát huy năng lực.

Nâng cao tay nghề - thách thức lớn

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số, khoa học và kỹ thuật đã tạo ra nhiều cơ hội phát triển toàn diện cho lao động nữ. Ở nước ta, hơn 70% phụ nữ trong độ tuổi đang tham gia lao động, góp phần tạo ra giá trị vật chất, tinh thần, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Đáng chú ý, lao động nữ làm chủ hoặc điều hành doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chiếm 31,7% trong tổng số doanh nghiệp đang hoạt động, thuộc nhóm cao trong khu vực. Trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tay nghề của lao động nữ ngày càng được nâng cao. Theo Vụ Bình đẳng giới thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), số lao động tốt nghiệp đại học có hơn 36% là nữ, thạc sĩ có gần 34%, tiến sĩ có gần 26%...

Lao động nữ tham gia vào tất cả các lĩnh vực, ngành, nghề, nhưng đang phải chịu khá nhiều áp lực. Ông Đào Quang Vinh, Viện trưởng Viện Khoa học lao động và Xã hội (Bộ LĐ-TB& XH) cho biết, lao động nữ tập trung ở ngành nông - lâm - ngư nghiệp, thường làm những công việc chân tay, trình độ chuyên môn thấp. Hơn nữa, nhiều lao động nữ đang làm những công việc không được trả lương hoặc được trả lương nhưng không có hợp đồng lao động, nên họ không được thụ hưởng đầy đủ chính sách an sinh xã hội.

Đồng tình với nhận định trên, bà Trịnh Thanh Hằng, Trưởng ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) dẫn chứng: Lao động nữ chiếm tới 63% tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và đa số có tuổi đời từ 18 đến 24. Những ngành, nghề đang sử dụng nhiều lao động, có tỷ lệ lao động là nữ chiếm khoảng 80-90% như da giày, dệt may, chế biến thủy sản… có nguy cơ bị máy móc thay thế cao nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc một lực lượng không nhỏ lao động trẻ là nữ đứng trước nguy cơ bị mất việc làm trong tương lai không xa.

Tuy chưa có con số thống kê chính thức nhưng trên thực tế, nhiều lao động nữ đã mất việc làm sau tuổi 35. Chị Phùng Thị Hằng (29 tuổi, xã Yên Đồng, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) kể, chị đã chứng kiến không ít bạn bè, đồng nghiệp làm việc tại Khu công nghiệp Bắc Thăng Long bị mất việc hoặc có nguy cơ mất việc làm. Trước tình trạng đó, chị Hằng đăng ký học lớp nấu ăn miễn phí dành cho lao động nữ nhập cư tại Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật Bắc Thăng Long. Kết thúc khóa học, chị sẽ chuyển sang nghề nấu ăn và dự kiến gắn bó với nghề này lâu dài. Ngoài chị Hằng, hàng trăm lao động nữ nhập cư làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp trên địa bàn huyện Đông Anh đã đi học để chuyển nghề.

Những dẫn chứng nêu trên phần nào cho thấy, trong kỷ nguyên số, lao động nữ phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, thách thức lớn nhất là phải nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề; tìm việc làm ổn định, mang lại thu nhập đủ để trang trải cho cuộc sống và có tích lũy.

Phát huy nội lực

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), sự phát triển của công nghệ số tiếp tục tác động toàn diện, sâu sắc đến tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực, các đối tượng lao động. Trong quá trình phát triển đó sẽ có ngành, nghề mất đi, một số công việc mới sẽ xuất hiện. Bởi vậy, thay vì lo lắng, người lao động, nhất là lao động nữ, cần mạnh dạn thay đổi, chủ động nắm bắt cơ hội.

Nghiên cứu về vấn đề nói trên, bà Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam khẳng định, lao động nữ có năng lực, phẩm chất tốt, có khả năng thích ứng với sự thay đổi. Những yếu tố này nếu được khơi dậy đúng cách sẽ giúp họ có kỹ năng làm việc tốt. “Lao động nữ hãy phát huy nội lực, tinh thần ham học hỏi, chăm chỉ làm việc, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Không có giải pháp nào hỗ trợ lao động nữ tốt hơn là sự cố gắng của chính bản thân họ”, bà Dương Kim Anh nói.

Chia sẻ kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, mình luôn làm việc với tinh thần “cố gắng bằng tất cả sức lực, đích đến sẽ gần hơn”. Đội ngũ lãnh đạo và người lao động luôn hoạt động theo mô hình “vì con người”, coi con người là tài sản quý giá. Nhờ đó, gần 9.000 lao động nữ, chiếm hơn 80% số lao động của Tổng công ty May 10, yên tâm gắn bó với công việc, mang lại thu nhập bình quân đạt hơn 7,3 triệu đồng/người/tháng.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, ở nước ta, khung pháp lý chống phân biệt đối xử về giới nhằm bảo vệ phụ nữ và lao động nữ đã tương đối đầy đủ, nhưng trong quá trình triển khai chưa được chú trọng, khiến một số chính sách chưa đi vào đời sống. Hơn nữa, nhận thức của xã hội về giới chưa có nhiều thay đổi, lao động nữ vẫn thường có tâm lý “nhường” cơ hội phát triển cho nam giới hoặc tự bằng lòng với những gì đang có. Để khắc phục, các ngành, đơn vị, địa phương cần thực thi hiệu quả chính sách thúc đẩy bình đẳng giới; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới.

Thực tế cho thấy, ở nước ta, lao động nữ chiếm tới 48% lực lượng lao động xã hội. Bởi vậy, việc sớm gỡ bỏ các rào cản hạn chế sự phát triển toàn diện của lao động nữ sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cơ hội song hành thách thức

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.