Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới sinh hoạt chi bộ để ngăn ngừa suy thoái

Quốc Bình| 09/01/2018 07:27

(HNM) - Đổi mới sinh hoạt chi bộ gắn với phát huy dân chủ, tinh thần tự phê bình và phê bình sẽ giúp phát hiện sớm những biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của cán bộ, đảng viên.


Chi bộ Ban Tổ chức Đảng ủy Khối các cơ quan TP Hà Nội thảo luận về đổi mới sinh hoạt chi bộ.


Vai trò đặc biệt

Theo Điều lệ Đảng, chi bộ lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị; giáo dục, quản lý và phân công công tác cho đảng viên; kiểm tra, giám sát thi hành kỷ luật đảng viên... Do vậy, chi bộ là nơi gần gũi, gắn bó trực tiếp với cán bộ, đảng viên nhất. Hoạt động của chi bộ yếu kém sẽ tác động đến tư tưởng, tình cảm, khiến một số cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh nảy sinh tư tưởng tiêu cực, dần dần có biểu hiện suy thoái. Mặt khác, cán bộ, đảng viên có biểu hiện suy thoái sẽ bộc lộ khi tham gia các nhiệm vụ của chi bộ. Nếu chi bộ tích cực đổi mới hoạt động, gắn bó chặt chẽ với mỗi thành viên, sẽ phát hiện các biểu hiện tiêu cực để kịp thời chấn chỉnh hoặc báo cáo cấp trên có biện pháp xử lý khi mới manh nha.

Tại Hà Nội, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Thành ủy Hà Nội khóa XVI đã ban hành Chương trình số 01-CTr/TU - một trong 8 chương trình công tác toàn khóa và được xác định là chương trình “cốt lõi”, “xương sống”. Trong đó yêu cầu: “Các cấp ủy, tổ chức Đảng ở cơ sở thực hiện nghiêm túc, có nền nếp chế độ sinh hoạt định kỳ, thực hiện đồng bộ các giải pháp, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của các loại hình chi bộ, đặc biệt là chi bộ cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, chi bộ thôn, xóm, tổ dân phố, chi bộ trong các doanh nghiệp, trường học”.

Trong Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) cũng yêu cầu, cấp ủy các cấp thành phố phải tập trung nâng cao chất lượng chi bộ và đổi mới nội dung sinh hoạt. Cụ thể hóa hơn và tạo đột phá trong công tác này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 về “Xây dựng tổ chức cơ sở Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố cơ sở Đảng yếu kém; giải quyết các vấn đề phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã, phường, thị trấn thuộc TP Hà Nội”. Nghị quyết nêu rõ: “Chú trọng lãnh đạo nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, nhất là chi bộ thôn, tổ dân phố ở những địa bàn đang triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị quan trọng, khó khăn, những nơi có vụ việc phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...”.

Thực hiện chỉ đạo này của Thành ủy Hà Nội, nhiều cấp ủy đã chủ động xây dựng nghị quyết, kế hoạch, đề án. Tại phường Ngọc Thụy (quận Long Biên), Đảng ủy phường đề ra 6 nhóm giải pháp và nêu rõ: Những ý kiến xây dựng, thẳng thắn, trung thực phải được tôn trọng và động viên, khuyến khích, tiếp thu một cách cầu thị. Đồng thời, phải bình tĩnh lắng nghe những ý kiến trái chiều và thảo luận kỹ trong chi bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ, bảo đảm quyền được bảo lưu ý kiến cá nhân.

Tại Sóc Sơn, Huyện ủy ban hành Đề án nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Nam Hà, trong sinh hoạt hằng tháng, các chi bộ sẽ xem xét, đánh giá cụ thể từng đảng viên dựa trên bản đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Kết quả được ghi vào sổ làm căn cứ bình xét thi đua cuối năm.

Nhiệm vụ của cấp ủy các cấp và đảng viên

Tuy nhiên, không phải cấp ủy nào cũng quan tâm đúng mức, coi trọng thực sự chất lượng và đổi mới sinh hoạt chi bộ. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ” đã chỉ rõ: “Sinh hoạt Đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ ở nhiều nơi còn hình thức, đơn điệu”.
Để đổi mới sinh hoạt chi bộ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII), nhiều cán bộ, đảng viên cho rằng, trước hết, cần nâng cao chất lượng đội ngũ bí thư, cấp ủy, có kế hoạch tạo nguồn, quy hoạch và đào tạo, bồi dưỡng phù hợp; chú trọng công tác chuẩn bị trước khi sinh hoạt; phát huy vai trò, trách nhiệm của đảng viên trong thảo luận; đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát tổ chức thực hiện nghị quyết.

Bên cạnh đó, theo Bí thư Quận ủy Đống Đa Lê Tiến Nhật, để nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ cơ sở, tăng cường năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng thì từng chi bộ và mỗi đảng viên cần đấu tranh với những biểu hiện sống "dĩ hòa vi quý", ngại đấu tranh, thay vào đó là thái độ trung thực, thẳng thắn trong tự phê bình và phê bình. Đồng quan điểm, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cũng cho rằng, các tổ chức cơ sở Đảng cần tăng cường kiểm tra, giám sát chất lượng, nội dung sinh hoạt của các chi bộ, kịp thời uốn nắn, rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế.

Đặc biệt, theo Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Đào Đức Toàn, muốn nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ thì người đứng đầu cấp ủy, bí thư chi bộ phải thay đổi tư duy, đề cao trách nhiệm cá nhân, từ đó xác định chính xác nội dung sinh hoạt và tổ chức thực hiện. Chất lượng sinh hoạt chi bộ là một trong những yếu tố quyết định sức sống, sự tồn tại, phát triển của Đảng. Đổi mới sinh hoạt chi bộ gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) là nhiệm vụ thường xuyên của cấp ủy các cấp và mỗi đảng viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới sinh hoạt chi bộ để ngăn ngừa suy thoái

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.