Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần đồng bộ nhiều giải pháp

Gia Bảo| 10/11/2017 06:40

(HNM) - Mặc dù đã và đang xây dựng nhiều công trình nhằm giảm ùn tắc giao thông cho khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, nhưng tình trạng này vẫn thường xuyên xảy ra. Mới đây, tại Hội thảo bàn giải pháp giải tỏa ách tắc giao thông khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất được tổ chức tại TP Hồ Chí Minh...


Quá tải trên 3 phương diện

Theo Sở Giao thông - Vận tải TP Hồ Chí Minh, quy hoạch được phê duyệt đến năm 2020, Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất sẽ phục vụ 25 triệu lượt hành khách. Tuy nhiên, đến năm 2016, sân bay này đã đạt hơn 32 triệu lượt khách. Dự báo đến hết năm 2017, con số này sẽ đạt khoảng 36 triệu lượt khách và năm 2018 sẽ đạt 40 triệu lượt khách. Vì vậy, sự quá tải diễn ra ở cả 3 khu vực trên không, mặt đất và hệ thống giao thông kết nối.

Giao thông quanh Sân bay Tân Sơn Nhất luôn trong tình trạng quá tải.



Cũng theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong bán kính 1,5km khu vực sân bay, mật độ phương tiện luôn chiếm 55-75% không gian mặt đường; vào dịp cao điểm chiếm tới 67%-87%. Ở khu vực ngoài bán kính 1,5km, các tuyến, giao lộ kết nối sân bay, mật độ phương tiện còn cao hơn, lên đến 60-82%; giờ cao điểm ở mức 85-93%, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông.

Theo Phó Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải thành phố Nguyễn Văn Tám, diện tích đất dành cho giao thông ở khu vực quanh sân bay quá thấp. Hiện là 8,5% trong khi theo quy định là 24-26%. Mật độ phương tiện giao thông quá cao, với hơn 8 triệu xe gắn máy và 650.000 xe ô tô, làm cho khu vực sân bay quá tải và ách tắc ngày càng nghiêm trọng. Để giải được bài toán ùn tắc giao thông khu vực sân bay là hết sức khó khăn và đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn.

Hiến kế giải tỏa ùn tắc

Để giải quyết tình trạng ùn tắc khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, GS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh đề xuất lập một vành đai đường chuyên dụng trên mặt đất kết hợp với đường trên cao khép kín quanh sân bay. Vành đai này được nối kết với các trục đường nối với đường vành đai 2, tạo thuận lợi cho việc đi lại của hành khách từ các tỉnh, thành phố lân cận thông qua các cửa ngõ như: Quốc lộ 1, quốc lộ 22, quốc lộ 13…, để vào thành phố và tiếp cận sân bay dễ dàng.

Tương tự, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm bộ môn kỹ thuật hàng không (Trường ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh) cho rằng, xây dựng tuyến đường sắt trên không nối sân bay với khu vực gần đó sẽ hạn chế đáng kể phương tiện vào khu vực sân bay. Để làm được điều này, diện tích Sân bay Tân Sơn Nhất cần được mở rộng hơn, nhất là khi vẫn giữ vai trò vô cùng quan trọng tại khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.

Về giải pháp “phi công trình”, ông Lê Văn Thành, Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho hay, thời gian tới, cơ quan chức năng thành phố và ngành Hàng không cần vận động, hạn chế việc đón tiễn người thân tại sân bay; hạn chế tối đa phương tiện cá nhân và tăng cường phương tiện vận chuyển công cộng; hạn chế và cấm hẳn các loại phương tiện không phục vụ cho mục đích hoạt động của sân bay...

Trong khi đó, theo chuyên gia giao thông Lê Dương Lâm, cần xây dựng các kịch bản giao thông trong và ngoài sân bay như: Khống chế tăng trung bình 11%/năm lượt hành khách đi lại; đồng thời, tăng hệ thống giao thông công cộng, sức chở lớn để sử dụng hiệu quả hạ tầng và chú trọng phát triển hệ thống giao thông thông minh khu vực sân bay.

Riêng về hạ tầng bên trong sân bay, Tiến sĩ Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế đưa ra quan điểm, cần mở rộng sân bay về hướng Nam, với ga hàng không lưỡng dụng T3 (giai đoạn 2) sẽ tăng thêm 5-10 triệu khách/năm. Đồng thời, tiếp tục mở rộng sân đỗ để tăng số vị trí đỗ máy bay. Khi đó, Sân bay Tân Sơn Nhất có thể phục vụ được khoảng 50 triệu khách/năm. Cũng theo Tiến sĩ Nam, giải pháp mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất về phía Bắc cần được cân nhắc kỹ, bởi nếu không xem xét trong mối quan hệ với Sân bay Long Thành trong tương lai sẽ gây ra nhiều bất cập. Cụ thể, khi xây dựng ga lưỡng dụng T3 theo quy hoạch thì công suất sân bay sẽ đạt khoảng 60 triệu lượt khách/năm (bao gồm nhà ga hiện hữu T1 và T2), tác động trực tiếp đến lượng khách của Sân bay Long Thành (khi hoạt động). Chưa kể, nhìn tổng thể về khu vực phía Bắc, nơi có sân gofl và khu quân sự, hạ tầng giao thông khu vực quận Gò Vấp rất kém.

Bên cạnh đó, giải pháp “mượn” đất để mở rộng hạ tầng sân bay cũng được Tiến sĩ Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP Hồ Chí Minh đưa ra. Trong đó, mượn đường hoặc đổi đất để có đường qua đất quốc phòng ở phía Nam sân bay; đường qua doanh trại Quân khu 7 và đường sắt đoạn từ Gò Vấp về Hòa Hưng (quận 3). Đây là giải pháp mang tính ổn định lâu dài để giải quyết quá tải hạ tầng giao thông cho khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cần đồng bộ nhiều giải pháp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.