Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tác giả - Đạo diễn vì sao "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt"?

ADMIN| 19/06/2003 15:38

Lê Hùng:

Một vở diễn là sự kết hợp nhuần nhuyễn của các thành phần sáng tạo, trong đó quan trọng nhất là tác giả và đạo diễn - Người có “bột”, người là “linh hồn của vở diễn” là hai thành phần quan trọng. Dường như ít khi tác phẩm sân khấu đem ra công diễn, tác giả cảm thấy hài lòng thực sự, phần đông họ đều cảm thấy có điều chưa hài lòng với đạo diễn. Nhưng khi chúng tôi đặt vấn đề này thì dường như  các tác giả - những người luôn ở ghế “người bị hại” thường cố tỏ ra “dĩ hòa vi quý”, có lẽ họ sợ “đấu tố” sẽ làm mất lòng đạo diễn, mất cửa làm ăn! Tuy nhiên, đã có một số người mạnh dạn trao đổi, đó là tác giả Hữu Ước, tác giả Lê Quý Hiền, đạo diễn Lê Hùng, họ là những tác giả và đạo diễn sung sức sáng tạo trong đời sống sân khấu hiện nay
1. Theo các anh, từ kịch bản đến sàn diễn có cần sửa ?
Lê Hùng:  - Kịch bản văn học là của tác giả, còn vở diễn là của đạo diễn nên việc sửa chữa là đương nhiên. Ngay như vở MacBeth của Sexspia. Ông ta viết gần 30 cảnh, tôi sửa lại còn 5 cảnh. Nếu cứ để nguyên thì ai xem? Bởi có những vấn đề mà người VN không cần nghe. Họ cần truyện kịch diễn ra cụ thể như thế nào? Tôi đã từng bị nhiều tác giả công kích, có người tranh đấu chỉ để giữ từng chữ. Ngay như anh Tất Đạt là một tác giả rất kỹ tính, cũng phải chấp nhận cho tôi sửa kịch bản. Tôi không muốn mình là nhà văn hay tác giả mà do yêu cầu sân khấu, có chỗ không cần nói mà tác giả cứ cho nói nhiều quá, đạo diễn thấy nhiều lời quá thì cắt. Có đoạn thoại tác giả viết đọc lên diễn viên không sao nói được. Tôi là đạo diễn không sửa thì làm sao có được tác phẩm hay. Ví dụ như Vòng vây cuộc đời của anh Hữu Ước, rất nhiều người trong ngành khi xem bản diễn của tôi đã cho rằng tôi dựng có lý hơn rất nhiều. Thậm chí tôi xoay hẳn lại thân phận nghệ sĩ đáng thương, không phải là đáng trách, tình yêu đó là tình yêu chấp nhận được vì ông ấy không có vợ. Tình yêu đã giúp nét vẽ của ông họa sĩ thăng hoa, ý ấy trong kịch bản không có. Ly Ly chỉ bị lên án khi thay đổi quyết định lấy chồng đột ngột làm cho người nghệ sĩ bị suy sụp.
Lê Quý Hiền: - Dứt khoát phải sửa nhưng sửa như thế nào ? Tôi đồng ý với anh Lê Hùng là nhiều câu trong kịch bản không phù hợp với thoại trên sân khấu thì phải sửa chứ, Thậm chí cả một lớp kịch cũng cần được bổ sung, hay cắt xén, nhưng đạo diễn và tác giả cần thống nhất với nhau để điều sửa đó nó thống nhất với toàn bộ vở diễn và kịch bản. Nếu đạo diễn sửa tùy tiện sẽ gây nên sự phản cảm, méo mó. Ví dụ kịch bản của tôi là cái áo nâu, đạo diễn muốn cho người thị thành xem nên vá một miếng nhung vào. Nhung là quý, nhưng sẽ không còn là cái áo nâu nữa!
Hữu Ước: - Tôi lại nghĩ khác, khi nhà văn hay tác giả viết kịch bản cho sân khấu là anh ta đã viết kịch bản sân khấu rồi, chứ không chỉ là kịch bản văn học nữa. Sân khấu khác với điện ảnh. Điện ảnh có kịch bản phân cảnh của đạo diễn, nhưng sân khấu không có kịch bản phân cảnh trên sàn diễn. Sân khấu chủ yếu là tả hành động và lời thoại. Hành động là của đạo diễn, thoại là của nhà văn. Khi tác giả có những ngôn từ không phù hợp, có thể điều chỉnh, nhưng trong một tỷ lệ nhất định, tôi không thể chấp nhận khi các đạo diễn chỉ bắt ý của tác giả và chuyển hết sang lời của mình. Đạo diễn chỉ có thể đóng vai trò người biên tập, thừa thì cắt, thiếu thì bù đắp vào. Câu cú chưa chuẩn cũng có thể điều chỉnh. Tôi đã xem MacBeth của đạo diễn Lê Hùng. Tôi nghĩ việc Lê Hùng viết lại lời cho kịch Shakespear là vi phạm bản quyền tác giả. Thực ra trong kịch của Shakespear thì người vợ chỉ là phụ cho mưu đồ của MacBeth, có lẽ thấy NSƯT Lan Hương diễn giỏi quá nên đạo diễn đã đẩy các lớp kịch cho nhân vật này đầy đặn đến nỗi không còn là của Shakespear nữa. Theo tôi, vở MăcBeth của NH Tuổi trẻ nên đổi tên là tác giả Lê Hùng phóng tác trên kịch Shaskspear thì đúng hơn! Với kịch Vòng vây cô đơn của tôi có lẽ vì Lê Hùng muốn làm một bản diễn khác với bản của đạo diễn Phạm Thị Thành nên đã thay lời thoại tới 1/3 kịch bản nhưng điều đó làm tác giả cảm thấy nhức nhối. Nếu nói tới bản diễn này tôi chỉ muốn nói một điều là Hữu Ước muốn quên vở đó đi mặc dù đó là điều rất buồn!

2. Để bảo đảm quyền tác giả, để vở diễn đúng với ý tưởng của mình, tác giả có nên kiêm luôn vai trò  đạo diễn ?
Lê Quý Hiền: - Đạo diễn là đạo diễn, tác giả là tác giả, diễn viên là diễn viên... mỗi người nên làm tốt công việc của mình trong công trình sáng tạo tập thể này. Nếu tác giả có khả năng làm đạo diễn hoặc đạo diễn có khả năng làm tác giả thì xin cứ việc nhưng đừng lấy chủ quan của mình áp đặt vào công việc của người đồng sáng tạo ở bộ phận khác.
Hữu Ước: - Hiện nay có nhiều người kiêm được cả hai vai trò tác giả và đạo diễn như Doãn Hoàng Giang, Tạ Xuyên... nhưng tôi lại nghĩ khác, tác giả không nên làm đạo diễn, đạo diễn cũng không nên làm tác giả. Đã là kịch phải có chuyện và trò, chuyện là của tác giả, nhà văn, trò là của đạo diễn. Tôi không tin một người vừa làm đạo diễn, vừa làm tác giả lại có thể có vở diễn hay. Mỗi người có sáng tạo riêng, anh tác giả viết kịch bản là cái tứ ban đầu, anh đạo diễn là tổng công trình sư cho vở diễn. Tôi tin chắc anh Doãn Hoàng Giang viết kịch nhưng để người khác dựng và ngược lại anh đi dựng cho kịch người khác thì vở diễn sẽ có hiệu quả hơn. Tác giả đã trút hết sáng tạo vào kịch bản, đạo diễn sẽ thăng hoa cho họ, góp cho họ cái mà họ thiếu. Sự sáng tạo của 2 người bao giờ cũng tốt hơn của 1 người.

3. Tác giả và đạo diễn luôn là người đồng hành nhưng dường như để có sự đồng cảm giữa họ thật là hiếm. Làm thế nào để tác giả và đạo diễn thực sự là một cặp bài trùng ?
Lê Quý Hiền: - Hiếm nhưng không phải là o tròn. Có những đạo diễn động viên tác giả rất nhiều. Tiền bạc chỉ là điều kiện để sáng tác, nhưng một trong những nguồn cảm hứng lại phụ thuộc vào bạn bè sáng tạo. Ví dụ như Hão - vở đầu tay của tôi, tôi nói ý tưởng với đạo diễn Đình Quang. Ông khích tôi là chỉ sáng tác mồm. “Tức” lên tôi viết. Tôi biết đấy là chiêu thỉnh tướng không bằng khích tướng của đạo diễn bậc thầy. Tôi và Chu Lai có thời làm việc với kịch Hà Nội vì đạo diễn Hoàng Quân Tạo quan tâm động viên và rục rã, khi biết chúng tôi có những ý tưởng trong đầu. Cũng có nhiều đạo diễn như Phạm Thị thành, Xuân Đàm... đã cùng tác giả bàn bạc, sửa kịch ngay trên sàn diễn. Buổi tối thì diễn viên tập, đêm tác giả ngồi sửa lớp sau của vở diễn cho phù hợp với ý đồ của đạo diễn. Kết quả là Vòng tay cuộc đời của Đoàn Chèo Nam Định do tôi và chị Phạm Thị Thành hợp tác đã thành công được dư luận đánh giá tốt.
Lê Hùng : - Tôi sửa kịch có bao giờ đứng tên và cũng chẳng được lợi lộc gì, chỉ mong vở diễn hay hơn. Vở diễn ra Lê Hùng luôn ở vai trò đạo diễn, tôi chỉnh sửa để có được một tác phẩm sân khấu hoàn chỉnh, để thực sự có một bản diễn vừa ý, không làm phụ lòng các nghệ sĩ và những người mời mình. Nếu ai không đồng ý làm thì thôi, tôi không nhận dàn dựng nữa. Tôi đang dựng vở Vụ án của tác giả Lê Phương và Trịnh Thanh Nhã, tôi đã biên tập lại kịch và đưa họ duyệt lại. Anh Lê Phương đã nói với tôi: “Tôi là tác giả có hàng trăm tác phẩm kể cả truyền hình lẫn điện ảnh, tôi mong được đạo diễn chỉnh sửa, nếu chẳng may đạo diễn có làm hỏng đi chút ít thì chặc lưỡi cho qua. Làm sao có thể bắt đạo diễn phải dùng nguyên xi câu văn của mình ? Câu văn của mình chắc đã hay tất cả?”. Tôi rất thích quan niệm thẳng thắn này của anh Lê Phương, có thể với tác giả là hay nhưng với diễn viên, với khán giả thì lại không nghĩ như vậy có nhìn nhận khách quan, tác giả và đạo diễn mới có thể xây dựng cho vở diễn hoàn thiện hơn.
Hữu Ước : - Có những đạo diễn khi dựng kịch bản của tôi, đã đánh mất của tôi nhiều quá. Tôi sợ mất đoàn kết, nên bỏ về và không bao giờ xem lại vở đó nữa. Tôi nghĩ người đạo diễn là người thổi hồn cho chữ nghĩa của tác giả trên sân khấu. Có thể tác giả mải say theo tuyến truyện, thì lúc đó đạo diễn được phép thêm nếm, nhưng không được phép thay đổi món ăn. Tôi hiện đang làm với anh Doãn Hoàng Giang vở Vòng xoáy. Tôi viết rất tâm đắc, nhưng theo mạch của nhà văn, nên khi đưa cho đạo diễn đọc thấy có gì hợp và chưa hợp với ý định dựng, tôi lại đem về sửa. Cho đến khi giao cho đạo diễn bản thảo cuối cùng, thì lúc đó tác giả không nên xuất hiện khi đạo diễn dàn dựng nữa. Tác giả có quyền tác giả, nhưng cũng phải đảm bảo quyền đạo diễn, đảm bảo được vai trò của mỗi thành phần sáng tạo khác. Nhưng bản thảo kịch bản cuối cùng đó, phải được sự thống nhất giữa tác giả và đạo diễn, chứ không thể sau khi dựng xong, tác giả chỉ còn cái tên là không được. Hữu Ước rất cám ơn Lê Hùng dựng cho Ước rất nhiều vở như Quả báo, Sếp rởm, Khoảnh khắc mong manh...Không có Lê Hùng thì tôi cũng không có được những vở diễn thành công như vậy. Thế nhưng không phải lúc nào cũng có sự ăn ý đó, có những lúc đạo diễn đã say mê với vai trò của mình, mà bỏ quên vai trò của tác giả. Có những vở diễn ông phá kịch của tôi nhiều quá, câu chữ của mình nó đi đâu? Nếu sau này tiếp tục cộng tác với nhau, thì tôi sẽ không để cho đạo diễn thỏa sức sửa chữa theo ý của mình mà phải có giao kèo, sửa chữa phải được sự đồng ý của tác giả.
- Xin cảm ơn các anh, cuộc trò chuyện và tâm sự của những người trong cuộc là dịp để những người làm sân khấu có thể nhìn nhận lại những gì đã, đang và sẽ làm để có được những tác phẩm có chất lượng từ sự đồng cảm giữa các thành phần sáng tạo.
 Lương Nhi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tác giả - Đạo diễn vì sao "cơm chẳng lành canh chẳng ngọt"?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.