Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thám hoa Mai Anh Tuấn

ANHTHU| 15/01/2007 09:04

Cuối năm 2006, Hội Khoa học Lịch sử VN và Hội Sử học HN tổ chức hội thảo khoa học về Thám hoa Mai Anh Tuấn - một liệt sĩ, danh nhân văn hóa đáng kính vốn sinh trưởng tại quận Đống Đa - Hà Nội.

Cuối năm 2006, Hội Khoa học Lịch sử VN và Hội Sử học HN tổ chức hội thảo khoa học về Thám hoa Mai Anh Tuấn - một liệt sĩ, danh nhân văn hóa đáng kính vốn sinh trưởng tại quận Đống Đa - Hà Nội.

Mai Anh Tuấn (1815-1851) nguyên quán Thanh Giản, Nga Sơn, Thanh Hóa nhưng sinh tại thôn Hoàng Cầu, giáp Đông Các, huyện Vĩnh Thuận - Hà Nội (nay là Ô Chợ Dừa - Đống Đa). Cụ thân sinh ra ông là Mai Thế Trinh, tri huyện Thanh Trì và bà Dương Thị Lan, người làng Thịnh Hào. Cụ tổ bốn đời của ông là Hương Lĩnh hầu, tiến sĩ Mai Thế Chuẩn, một văn thần xuất thân khoa bảng mà trở thành võ tướng bảo vệ Tổ quốc.

Mai Anh Tuấn đỗ Đình nguyên Thám hoa vào năm 1843, như thế là kể từ khi nhà Nguyễn mở thi Đình, năm 1822, đến lúc đó mới có ông là người đầu tiên đỗ Đình nguyên Thám hoa, kể cũng là người khai khoa Tam khôi của triều Nguyễn. Ông được bổ làm Hàn lâm Thị độc, làm việc trong tòa Nội các. Sau này, ông dâng sớ can vua không nên phái đoàn quan chức đem thuyền nhà nước tiễn viên quan nhà Thanh, vì quá tốn kém, mà chỉ nên gửi họ theo thuyền buôn. Vua Tự Đức không hài lòng, kết tội ông “khi quân bất kính” và hạ chức, phái đi làm án sát tỉnh Lạng Sơn. Đến nhiệm sở mới, ông lo dẹp thổ phỉ để giữ gìn trị an. Năm 1851, phỉ nhà Thanh tràn sang cướp phá vùng Tiên Yên, tiến sâu vào tận Lạng Sơn. Ông cùng Chưởng vệ Nguyễn Đạc đem quân đuổi đánh, bước đầu thắng lớn. Rồi không may, ông Đạc bị thương, tiền quân ở thế bất lợi. Mai Anh Tuấn đem quân tiếp cứu nhưng gặp địa hình hiểm trở, cả ông và Nguyễn Đạc đều hy sinh.

Nghe tin ông mất, vua Tự Đức thương tiếc, lệnh cho đem thi hài về an táng tại Hoàng Cầu. Triều đình, trí thức, nhân dân Thịnh Hào vô cùng xúc động. Bài văn tế do Khâm sai đại thần Nguyễn Đăng Giai đọc trong lễ an táng có đoạn:”Khôi giáp đỗ đầu khoa, nổi danh rạng rỡngười thân, đó là Hiếu. ở Nội các, làm kháng sớ, xúc phạm kỵ húy, đó là Trung. Làm chánh tướng là khó, vào đất chết mà chẳng tránh, đó là Nghĩa. Đi trước quân sĩ trong hoạn nạn, đánh kẻ địch mạnh mà không sợ, đó là Dũng. Ôi! ! Vùng biên có biến động, giặc cường bạo kiêu căng, một mình cầm quân đánh giặc để giúp bạn, đem cái chết để báo đền Tổ quốc. Thật là Hiếu, Trung, Nghĩa, Dũng muôn thuở nêu cao…”

Theo lệnh của nhà vua, tỉnh Lạng Sơn và Thanh Hóa lập đền thờ ông. Dân vùng Hoàng Cầu xây miếu thờ ngay nơi có phần mộ. Linh vị và bát hương thờ được đặt ở đền Trung Nghĩa tại Hoàng thành Huế, bên cạnh các danh thần. Phần mộ của ông và miếu thờ tọa lạc tại làng Hoàng Cầu, được dân làng, con cháu hương khói từ hơn 150 năm nay. Đây là di tích về một nhân vật lịch sử đáng trân trọng, là nơi ghi nhớ một vị quan cương trực dám đấu tranh vì lẽ phải, quên mình vì Tổ quốc. Nay phần mộ của ông cần có sự quan tâm của các cấp chính quyền để thể hiện lòng biết ơn một nhân vật đã góp phần làm nên bề dày truyền thống nghìn năm Thăng Long, đặc biệt là khi cháu chắt ông sau này có nhiều người cũng là liệt sĩ cộng sản như Mai Lập Đôn, ủy viên trung ương Đông Dương Cộng sản đảng; Mai Thị Vũ Trang, tỉnh ủy viên Bắc Giang… Nghĩ về việc đó, thấy nên làm mấy việc sau:

1. Khoảnh đất 40m2 mà HTX nông nghiệp Hoàng Cầu đã trả lại cho khu mộ Mai Anh Tuấn cần được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho phía chịu trách nhiệm thờ cúng và trông nom phần mộ ông ở Hoàng Cầu.

2.Tạo điều kiện cho dòng họ Mai sửa sang, tôn tạo khu mộ cho khang trang, phù hợp tập quán thờ cúng tôn nghiêm và truyền thống uống nước nhớ nguồn theo sự hướng dẫn của cơ quan quản lý về di tích.

3. Nếu thấy đủ điều kiện thì xếp hạng di tích, ít ra là cấp thành phố.

4. Nên lấy tên ông đặt cho một đường phố ở quận Đống Đa.

Nguyễn Vinh Phúc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thám hoa Mai Anh Tuấn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.