Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát hiện giếng cổ gần thành nhà Hồ

Lê Hoàng| 03/01/2013 14:39

Giếng được cho là hàng trăm năm tuổi nằm gần cổng nam thành nhà Hồ (Thanh Hóa), đường kính khoảng 2 m, thành được xây bằng gạch bìa dày có nhiều chữ Hán trên bề mặt…

Ngày 2/1, Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho biết, mới đây, trong quá trình khảo sát, nghiên cứu di sản thành nhà Hồ, cán bộ trung tâm đã phát hiện giếng cổ tại làng Xuân Giai, xã Vĩnh Tiến (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa).

Giếng nằm ở trung tâm làng Xuân Giai, cách thành nhà Hồ 300 m về phía đông nam, đường kính rộng 2 m, sâu 6 m, thành giếng tính từ mặt đất cao một m. Toàn bộ thành, lòng và sân giếng đều được kè, lát bằng gạch bìa thành nhà Hồ. Nhiều năm bỏ hoang không có người sử dụng khiến quanh giếng rong rêu, cỏ dại mọc um tùm.

Cụ Trịnh Văn Hiềng (82 tuổi, làng Xuân Giai) cho biết, không nhớ chính xác giếng có từ năm nào, chỉ nghe cụ thân sinh kể giếng có từ thời nhà Hồ định đô ở đây. “Ngày xưa người làng thường đến đây tắm gội, rồi gánh nước về nấu ăn. Nước giếng rất trong, có vị ngọt nên các dịp hội hè làng đều lấy nước hãm chè. Trai gái lấy cớ đi gánh nước, đi tắm gội để hẹn hò, nên duyên”, cụ Hiềng kể và cho biết, xưa dưới đáy giếng còn có rất nhiều mạch nước ngầm phun lên.

Toàn bộ thành và sân giếng được lát bằng gạch thành nhà Hồ có chữ Hán cổ trên bề mặt. Ảnh: Lê Hoàng.



Cụ Phạm Thế Vinh (90 tuổi, làng Xuân Giai) kể, những năm 1946-1947, giếng được dân làng cải tạo lại trên cơ sở giếng cũ bằng gạch bìa lấy về từ trong thành nhà Hồ. Gạch kè giếng dài 50 cm, rộng 25 cm, cao 9 cm. Dù có niên đại hơn 600 năm nhưng hầu hết số gạch này đều giữ được màu hồng tươi, chín đều, cho thấy kỹ thuật nung gạch thời xưa của người dân là rất cao. Trên bề mặt nhiều viên gạch có khắc chữ Hán Nôm ghi nguồn gốc làng quê sản xuất như: Đại An, Kẻ Nưa, Cổ Lôi (huyện Thọ Xuân ngày nay).

Ông Nguyễn Xuân Toán, Phó giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản thành nhà Hồ cho biết, về niên đại chính xác liên quan đến sự ra đời của giếng cổ làng Xuân Giai cần có quá trình khảo sát điều tra tư liệu. “Hiện Trung tâm tiếp tục nghiên cứu đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương lập hồ sơ trình cơ quan chức năng công nhận di sản đặc biệt cho cụm di sản ở làng Xuân Giai (bao gồm đình làng và giếng cổ). Việc phát hiện giếng cổ góp phần quan trọng vào công tác nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thành nhà Hồ và nghiên cứu các làng cổ trong vùng di sản theo khuyến nghị của UNESCO”, ông Toán nhấn mạnh.

Thành nhà Hồ nằm trên hai xã Vĩnh Tiến và Vĩnh Long, huyện Vĩnh Lộc. Đây là công trình kiến trúc bằng đá độc đáo có một không hai tại Việt Nam. Được Hồ Quý Ly cho xây dựng vào năm 1397, thành này còn được gọi là Tây Đô để phân biệt với Đông Đô (Thăng Long - Hà Nội). Xây xong thành, Hồ Quý Ly đã dời đô từ Thăng Long về Tây Đô.

Trải qua hơn 600 năm tồn tại, hầu hết công trình kiến trúc bên trong Hoàng thành đã bị phá hủy. Những dấu tích nền móng của cung điện xưa giờ vẫn đang nằm ẩn mình phía dưới những ruộng lúa của người dân quanh vùng. Ngày 27/6/2011, tại phiên họp lần thứ 35 của Ủy ban di sản thế giới thuộc Tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục Liên hợp quốc (UNESCO) diễn ra tại thủ đô Paris (Pháp), thành nhà Hồ đã được công nhận là di sản văn hóa thế giới.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện giếng cổ gần thành nhà Hồ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.