Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vi phạm tại đê tả Đáy, huyện Hoài Đức: Vì sao không xử lý?

Đỗ Hà| 08/05/2018 06:55

(HNM) - Hàng trăm mét khối đất, phế thải xây dựng… đổ tràn lan trong phạm vi bảo vệ đê tả Đáy qua địa phận huyện Hoài Đức, vi phạm nghiêm trọng Luật Đê điều, nhưng hầu hết lại chưa bị xử lý, gây bức xúc.

“Núi” đất, phế thải trên đê tả Đáy, đoạn qua xã An Thượng.


Đê tả Đáy chạy qua địa bàn 9 xã của huyện Hoài Đức (từ xã Minh Khai đến Đông La). Ngày 4-5, thực tế của phóng viên tại tuyến đê này cho thấy, nạn đổ đất, phế thải… lên mặt, mái và cơ đê diễn ra rất nhiều; có nơi phế thải chất cao ngay trên mái đê. Không chỉ thế, một số hộ còn ngang nhiên san gạt thành bãi phẳng để tập kết và kinh doanh vật liệu xây dựng ngay trên mái đê; xẻ cơ đê để xây dựng móng, tường gạch, lều lán... Tại Km15+500 - Km15+ 600, địa phận xã An Thượng (phía hạ lưu); Km11+ 600 - Km11+700, địa phận xã Song Phương (phía thượng lưu) hiện tồn tại hàng trăm mét khối đất, phế thải xây dựng đổ bừa bãi trên tuyến đê. Còn tại Km18+500 địa phận xã Đông La, người dân còn lấn chiếm toàn bộ phần mái và cơ đê để tập kết gạch, cát, sỏi… Hằng ngày, có rất nhiều xe ô tô, xe công nông ra vào vận chuyển vật liệu xây dựng... Nhưng những vi phạm này đều không bị xử lý.

Theo đánh giá của ông Lê Thiên Dương, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Hoài Đức, vi phạm trong hành lang bảo vệ đê nói chung và tình trạng đổ đất, phế thải xây dựng và kinh doanh vật liệu xây dựng trên mặt, mái và cơ đê nói riêng diễn ra từ lâu, đặc biệt từ năm 2014 trở lại đây. Hầu hết các địa phương có đê chạy qua đều xảy ra hiện tượng trên, song nhiều nhất phải kể đến xã An Thượng với 13 điểm vi phạm như đổ đất, phế thải, tập kết vật liệu xây dựng (kéo dài từ Km13+050 đến Km16+ 800). Hạt đã lập biên bản, ban hành quyết định đình chỉ vi phạm (nếu xác định được chủ thể vi phạm), chuyển chính quyền địa phương xử lý, có biện pháp ngăn chặn… Tuy nhiên, hầu hết vi phạm vẫn không bị xử lý dứt điểm. Điển hình, ngày 28-5-2014, Hạt Quản lý đê Hoài Đức phát hiện khoảng 10m3 phế thải xây dựng tại Km12+700, thuộc địa phận thôn Đào Nguyên (xã An Thượng). Hạt đã lập biên bản, làm việc với chính quyền xã An Thượng, đề nghị xử lý theo quy định, nhưng 4 năm trôi qua, lượng phế thải trên vẫn “án binh bất động”. Tương tự, năm 2015, Hạt Quản lý đê Hoài Đức phát hiện, lập biên bản, ra quyết định tạm đình chỉ hành vi đổ 30m3 đất, phế thải xây dựng lên mái đê của hộ ông Nguyễn Đắc Thuận, thôn Thanh Quang (xã An Thượng). Sau đó, Hạt gửi nhiều công văn đề nghị UBND xã An Thượng và UBND huyện Hoài Đức xử lý, nhưng vi phạm vẫn tồn tại và hiện hộ ông Thuận đã san gạt đống phế thải trên thành bãi kinh doanh vật liệu xây dựng.

Nhằm làm rõ trách nhiệm của chính quyền địa phương trong xử lý vi phạm đê điều, phóng viên đã liên lạc qua điện thoại để đặt lịch làm việc với Chủ tịch UBND xã An Thượng nhưng bị từ chối vì lý do bận họp? Còn tại xã Song Phương, trao đổi với phóng viên, bà Nguyễn Thị Dung, Phó Chủ tịch UBND xã thừa nhận tình trạng đổ phế thải trên mái, cơ đê trên địa bàn nhưng chưa thể xử lý dứt điểm vì các đối tượng thường đổ trộm vào ban đêm; cán bộ quản lý đê nhân dân cũng như lực lượng công an xã mỏng, lại nhiều việc, nên khó bắt quả tang...

Mùa mưa bão đang đến gần, những vi phạm kể trên đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn của tuyến đê tả Đáy. Đề nghị các cơ quan hữu quan, chính quyền các địa phương có đê chạy qua có giải pháp xử lý dứt điểm vi phạm, đồng thời làm rõ trách nhiệm người có liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vi phạm tại đê tả Đáy, huyện Hoài Đức: Vì sao không xử lý?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.